18 tuổi mang thai có đăng ký kết hôn được không?

Lam Linh
17:45 - 30/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Độc giả thắc mắc, nữ 18 tuổi lỡ mang thai ngoài ý muốn thì có được đăng ký kết hôn và tổ chức lễ cưới hay không?

18 tuổi mang thai có đăng ký kết hôn được không?- Ảnh 1.

Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn. Ảnh: Ngọc Thành

Độc giả đặt câu hỏi: Con gái tôi năm nay 18 tuổi, người yêu 22 tuổi làm nó có bầu. Việc có thai là ngoài ý muốn nhưng gia đình hai bên dự định sẽ tổ chức lễ cưới.
Xin hỏi, con gái tôi 18 tuổi thì có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn không? Nếu tổ chức lễ cưới thì có vi phạm quy định của pháp luật?

Luật quy định độ tuổi kết hôn như sau:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền kết hôn. Do đó, mỗi một người trong xã hội đều có quyền tự mình quyết định tham gia hoặc không tham gia vào quan hệ hôn nhân. 

Tuy nhiên, khi một người kết hôn, người đó bắt buộc phải tuân theo các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình về điều kiện kết hôn để quan hệ hôn nhân của họ được Nhà nước công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về điều kiện kết hôn như sau:

"Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này".

Ngoài ra, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, về độ tuổi kết hôn, nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Đồng thời, việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nếu nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi thì sẽ không được đăng ký kết hôn.

Do đó, với trường hợp của bạn đọc thì bạn gái này phải đủ 18 tuổi trở lên mới được đăng ký kết hôn. Ví dụ: bạn gái sinh ngày 9/9/1998 thì ngày đủ tuổi kết hôn của bạn là 9/9/2016 (tức là ngày sinh nhật lần thứ 18). 

Ngoài ra, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn và là hành vi bị cấm. Vì vậy, đối với trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn mà tổ chức đám cưới có thể xem là hành vi tảo hôn và sẽ bị xử phạt theo theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, Điều 58 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Có thể thấy, việc xác định độ tuổi kết hôn khi nam và nữ đã ở giai đoạn trưởng thành là nhằm bảo đảm trách nhiệm vợ chồng trong hôn nhân. Nếu kết hôn ở độ tuổi còn quá trẻ, họ sẽ không đủ chín chắn và thiếu các điều kiện về sức khỏe sinh sản để ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình cũng như có thể bảo đảm được chức năng duy trì nòi giống của gia đình.

Bên cạnh đó, kết hôn vào độ tuổi thành niên sẽ giúp cho hai bên nam, nữ thực hiện tốt chức năng giáo dục con cái khi họ trở thành cha mẹ. Bởi gia đình cái nôi quan trọng để hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người. Những bậc làm cha, làm mẹ cần có suy nghĩ chín chắn, có trình độ nhận thức nhất định mới có thể là tấm gương tốt cho con cái noi theo.

Điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.