Trách nhiệm của tài xế gây tai nạn liên hoàn khiến 1 người tử vong ở Thủ Đức
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) mới đây đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Cao Trí về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tài xế Phạm Cao Trí khai gì tại cơ quan Công an?
Tại cơ quan công an, Phạm Cao Trí (39 tuổi, ngụ Quận 8, nơi ở hiện nay tại Thủ Đức) đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội và diễn biến của vụ tai nạn giao thông. Theo ông Trí, sau khi ăn uống cùng 4 người bạn tại căn hộ ở phường Long Thạnh Mỹ và họ không có xe về nên đã lấy ô tô 7 chỗ chở các bạn ra đường để đón xe về.
Khi đến giao lộ Đường 15, phường Long Thạnh Mỹ, ông Phạm Cao Trí đã điều khiển xe lấn trái sang phần đường ngược chiều rồi va chạm với 2 xe ô tô khác đang chạy theo hướng ngược lại.
Do không tỉnh táo nên ông Trí đã hoảng loạn đạp nhấn chân ga, tiếp tục đâm vào 3 xe máy đang lưu thông và dừng trên lề đường. Trong đó tông trúng xe của chị T.T.Y.N. (18 tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức), kéo đi một đoạn và khiến nạn nhân tử vong.
Tài xế Phạm Cao Trí gây tai nạn liên hoàn có thể đối mặt với hình phạt nào?
Kết quả điều tra ban đầu xác định, chiều ngày 12/11, Phạm Cao Trí điều khiển ô tô mang biển kiểm soát 51K-020.07, trên xe chở 4 người bạn trên đường Nguyễn Văn Tăng (phường Long Thạnh Mỹ, thành phố Thủ Đức) đã bất ngờ tông vào nhiều ô tô, xe máy. Chiếc xe này chỉ dừng lại khi đâm sập hàng rào nhà dân. Hậu quả khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương, phải nhập viện.
Theo cơ quan điều tra, Phạm Cao Trí đã lái xe trong tình trạng say xỉn. Cụ thể, kết quả giám định cho thấy trong máu của tài xế này có nồng độ cồn là 188,8mg/100ml máu, vượt mức kịch trần.
Với kết quả điều tra ban đầu như trên thì có thể thấy nguyên nhân của vụ tai nạn là do Phạm Cao Trí đã điều khiển ô tô khi trong máu có nồng độ cồn rất cao và đi không đúng phần đường quy định. Hậu quả vụ tai nạn là nghiêm trọng, làm 1 người tử vong.
Căn cứ vào Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì Phạm Cao Trí có thể đối mặt với khung hình phạt từ 3-10 năm tù.
Ngoài ra, việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Chẳng hạn như, nếu lái xe Phạm Cao Trí thành khẩn khai báo và tỏ ra ăn năn hối cải, đồng thời cố gắng đền bù thiệt hại cho các nạn nhân để khắc phục hậu quả thì Tòa án có thể xem xét đây các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" như sau:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân của tài xế Phạm Cao Trí
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
Vậy nên trong trường hợp trên, ngoài bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người vi phạm gây ra tai nạn nghiêm trọng còn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình các nạn nhân, bao gồm: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; tiền công người chăm sóc; thu nhập bị mất, bị giảm sút và tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần đối với mỗi nạn nhân.
Theo quy định của pháp luật, mức bù đắp tổn thất về tinh thần trong trường hợp các bên không có thỏa thuận được xác định tối đa không quá 50 lần mức lương cơ sở.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google