Xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo gọi điện mới
Không chỉ giả danh các cuộc gọi, tin nhắn của người thân, bạn bè, kẻ gian hiện nay đã "manh động" tới mức có thể ghép ảnh thật của người thân và tạo hiệu ứng nói chuyện video trực tiếp khiến nhiều người cả tin sập bẫy.
Xuất hiện nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng mới. Ảnh minh họa: IT.
Gia tăng các vụ việc lừa đảo qua mạng giả danh cả cá nhân lẫn tổ chức
Trong thời gian gần đây, các vụ việc liên quan đến các nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều người dân có chiều hướng gia tăng với các hình thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn.
Theo thông tin từ một số công ty tài chính cho biết, các đơn vị này có nhận được nhiều cuộc gọi khách hàng phản ánh việc phát hiện một số đối tượng có hành vi giả mạo trong các hội nhóm riêng, lợi dụng tâm lý cả tin của khách hàng, các nhà đầu tư, giả mạo cán bộ, nhân viên chăm sóc khách hàng của các ngân hàng, công ty tài chính và yêu cầu các khách hàng gửi tiền, cung cấp các thông số về tài khoản, mật khẩu, otp... để nâng hạn mức hưởng quyền lợi giao dịch.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp người dân đã phản ánh những chiêu thức lừa đảo qua mạng mới khá tinh vi, có mức độ lừa đảo tinh xảo hơn trước. Đó là những cuộc gọi giả danh người thân, chiếm đoạt tài sản của người có lòng tin tưởng vào các cuộc gọi giả mạo giọng nói, giả mạo hình ảnh video động của những người thân quen trong mạng lưới của người bị hại.
Được biết, lừa đảo chiếm đoạt tài sản người khác là một tội danh thuộc nhóm các tội xâm phạm sở hữu được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, quy định như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Lừa đảo giả danh người thân, quen gọi điện nhờ giúp đỡ
Thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng nhiều nạn nhân bị lừa đảo khi nhận điện thoại của những người thân trong gia đình, nhưng thường là họ hàng ở xa, hoặc những người bạn bè đã từng quen biết thân thiết (bạn học, đồng nghiệp cũ...). Những cuộc gọi này thường được "trình bày" về một hoàn cảnh trớ trêu nào đó khá hợp lý để người bị hại động lòng trắc ẩn. Đặc biệt, nếu người gọi điện trình bày lại là người đã từng thân thiết, gắn bó, từng giúp đỡ, tình cảm với mình, hầu hết nạn nhân đều không ngại giúp đỡ, thậm chí còn rất vui vì giúp được những người thân, người bạn đã "lâu rồi không gặp".
Tình huống thường xuất hiện là kẻ gian giả danh người thân trình bày đang ở trong một hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, bế tắc, trớ trêu hoặc đơn giản là gặp rắc rối (tai nạn, bị bắt bớ, vạ lây...) và nhờ bạn giúp đỡ với chất giọng rất giống với giọng của những người bạn cũ. Thậm chí, nếu có khác, thì kẻ gian cũng có cách nói rất đúng về hoàn cảnh của người nghe, có thêm những lời bào chữa, giải thích về hoàn cảnh "khó nói" ở thời điểm hiện tại, đồng thời "kể lể khá trôi chảy" nhiều chuyện trong gia đình, những kỷ niệm cũ rất đúng, rất thật khiến người nghe trở nên tin tưởng tuyệt đối.
Lợi dụng lòng tin, lòng trắc ẩn của người tốt, các kẻ gian đã yêu cầu được cho mượn tiền theo hình thức chuyển ngay vào tài khoản. Nhiều nạn nhân đã tin tưởng và cũng không có thời gian kiểm chứng. Mặt khác, các cuộc gọi điện còn đều đã được khẳng định từ giọng nói rất giống những người thân. Khi bật sang chế độ cuộc gọi video có camera trực tiếp cũng sẽ hiện lên khuôn mặt (thực chất đã được xử lý kỹ thuật động đậy và mấp máy môi miệng như thật). Những "ava" này đã được chỉnh sửa đúng với ảnh thật của bạn bè người thân tuy nhiên những tấm ảnh chỉ nhấp nhảy cử động mà nếu tinh ý thì sẽ thấy giống một dạng ảnh động.
Thường thì kẻ gian sẽ nói do chất lượng đường truyền ở trong các điều kiện khó khăn nên sóng kém, kết nối liên lạc sẽ bị gián đoạn nên người thân chỉ kịp nhìn thấy nhau là phải tắt đi và hoàn toàn tin tưởng. Người thân cũng không kịp kiểm chứng xem ảnh đó có thực sự là video đang được gọi trực tiếp hay không.
Với những trường hợp khẩn cấp như vậy, người bị lừa đảo không ngại chuyển tiền ngay mà không cần thời gian xác minh. Nạn nhân của những cuộc gọi này thường là những người có ít thời gian tương tác, có điều kiện sống tốt và thường sẵn lòng giúp đỡ mọi người.
Cảnh báo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng trước xu hướng tội phạm công nghệ gia tăng
Trước những thông tin mới về các chiêu thức, cách thức lừa đảo qua điện thoại ngày một tinh vi, để bảo vệ an toàn tài sản của mọi người dân, vì cuộc sống bình yên, không có tội phạm, lừa đảo trên không gian mạng, các cơ quan chức năng đã có những biện pháp khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác. Trong đó, kịp thời thông tin về các chiêu thức lừa đảo đang ngày một tinh vi của các loại tội phạm công nghệ, để giúp người dân hiểu rõ và tự trang bị cho mình kĩ năng tự phòng vệ, chủ động không bị lừa bởi kẻ gian.
Ngoài ra, hiện nay cũng có rất nhiều kênh thông tin chính thống của các cơ quan chính phủ, các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp luôn sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ người dân trong việc chủ động phòng tránh và nâng cao cảnh giác trước các loại tội phạm.
Các công ty tài chính cũng ra những thông tin khuyến cáo cho khách hàng của mình không tiếp nhận bất cứ cuộc gọi nào liên quan tới nghiệp vụ mà không phải tổng đài chính thức của đơn vị cung cấp. Các đơn vị này thường xuyên đưa ra những danh mục truyền thông liên tục về các chiêu thức lừa đảo để giúp khách hàng phân biệt các hành vi lừa đảo, giả mạo.
Đối với tất cả các trường hợp giả mạo, các đơn vị chức năng sẵn sàng phối hợp với người dân điều tra, tìm hiểu, xử lí vi phạm an ninh trật tự trên không gian công nghệ. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân khi nhận được các thông tin mời chào, hoặc các dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo hãy chủ động nâng cao cảnh giác như:
- KHÔNG làm theo các hướng dẫn giao dịch được quảng bá ồ ạt trên các kênh mạng xã hội, hội nhóm Zalo, Telegram riêng.
- KHÔNG tiết lộ các thông tin cá nhân như số tài khoản, số điện thoại, mã PIN và OTP cho bất cứ ai. Nhân viên của các công ty tài chính, các ngân hàng khẳng định không bao giờ yêu cầu Quý khách làm điều này.
Khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo qua mạng, người dân cần ngay lập tức hãy liên hệ với cơ quan chức năng cung cấp thông tin về các đối tượng lừa đảo để được hỗ trợ kịp thời.
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay nước ta có khoảng 31,5 triệu người sử dụng mạng Internet (chiếm 1/3 dân số cả nước), Internet băng rộng đạt 12 triệu thuê bao (Trong đó: Băng thông rộng cố định đạt 7 triệu thuê bao, băng thông rộng di động 3G đạt gần 5 triệu thuê bao); điện thoại di động đạt 138 triệu thuê bao. Về ứng dụng công nghệ thông tin, 100% cơ quan Nhà nước có trang, cổng thông tin điện tử, cung cấp hơn 100.000 dịch vụ công trực tuyến các loại phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tội phạm sử dụng công nghệ cao tại Việt Nam đã triệt để lợi dụng tính ưu việt của mạng Internet để thực hiện hành vi phạm tội, gây ra nhiều hậu quả xấu đối với xã hội, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.
Các loại hình tấn công phổ biến:
- Tấn công deface: Truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu nhằm phá hoại, sửa đổi dữ liệu, trộm cắp dữ liệu và thay đổi giao diện.
- Tấn công từ chối dịch vụ DDoS: Làm tắc nghẽn đường truyền bằng cách cài mã điều khiển các máy tính "ma" trong mạng botnet truy cập liên tục và lặp đi lặp lại vào một địa chỉ trang web đã định trước.
- Phát tán virus, phần mềm gián điệp: Phát tán qua dịch vụ web 2.0 như Yume, Second Life, Facebook, Flickr, YouTube, Anhso... nhằm lây lan vào máy tính cá nhân để lấy thông tin cá nhân như mật khẩu của e-mail, tài khoản chat.
- Tội phạm trong thương mại điện tử: Lừa đảo qua quảng cáo, bán hàng trực tuyến; lừa trên các sàn giao dịch ảo như ngoại tệ, vàng, bất động sản, huy động vốn tín dụng; lừa đảo bằng e-mail từ các nước châu Phi, châu Âu thông báo trúng thưởng sổ số lớn, đề nghị tham gia rửa tiền, đề nghị nhận hộ tiền thừa kế...
- Tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng: Bằng các thủ đoạn như Skimming (dùng máy cà thẻ ghi trộm dãy số trên thẻ); sử dụng phần mềm gián điệp để lấy thông tin gõ từ bàn phím; truy cập bất hợp pháp vào website, cơ sở dữ liệu để lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin thẻ tín dụng; tạo ra một trang web bán hàng giả; thu thập, mua bán thông tin thẻ tín dụng trên một số diễn đàn của hacker.
- Thủ đoạn rút tiền từ thẻ ngân hàng: Thông đồng với nơi chấp nhận thẻ để rút tiền; mua hàng qua mạng bằng thông tin thẻ trộm cắp; rửa tiền với nhiều loại tiền ảo như Liberty Reserve, e-Gold, Paypal, Webmoney, ePassport...; chuyển tiền từ thẻ tín dụng trộm cắp sang tài khoản ngân hàng; dùng thẻ tín dụng trộm cắp để đánh bạc, cá độ qua mạng.
- Lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng - B2B: Khi ký hợp đồng qua mạng, đặc biệt là hợp đồng ngoại thương, tội phạm thường thực hiện đúng hợp đồng đầu để tạo lòng tin. Khi lượng tiền thanh toán lên đến hàng triệu USD, đối tượng nhanh chóng rút tiền trước khi người mua phát hiện hành vi lừa đảo và không giao hàng hoặc giao hàng không đúng hợp đồng.
- Lừa đảo trong mua bán hàng qua mạng - C2C: Lợi dụng đặc điểm của việc mua bán qua mạng là người mua bao giờ cũng phải trả tiền trước, người bán chào hàng không chuyển hàng, hoặc giao không đúng với quảng cáo về chất lượng, số lượng, chủng loại, mẫu mã...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google