Xử lý vướng mắc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành

10:30 - 27/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giao thông vận tải vừa có công văn gửi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị có ý kiến nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đề xuất.

Theo đó, Bộ Giao thông vân tải đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước có ý kiến về nội dung đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đặc biệt là các nội dung: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC) chủ động cân đối vốn từ nguồn thu phí nhàn rỗi chưa đến hạn trả nợ các khoản vay, vốn vay thương mại để hoàn thành đầu tư các gói thầu đoạn phía Tây (trước đây sử dụng vốn từ Hiệp định vay ADB lần 1 nhưng đã đóng); các công trình kiến trúc phục vụ thu phí hoàn vốn Dự án (trước đây sử dụng vốn từ Hiệp định vay JICA nhưng đã hủy tài trợ); đầu tư bổ sung nút giao Quốc lộ 51 theo quy mô hoàn chỉnh.

Xử lý vướng mắc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh 1.

Sơ đồ và hướng tuyến của cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Cùng đó, do vướng mắc về nguồn vốn, vốn đối ứng, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam kiến nghị gia hạn thời gian hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đến ngày 30/9/2025 thay vì mục tiêu ban đầu đưa dự án vào khai thác tháng 12/2023.

“Do thời hạn gấp, đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có ý kiến gửi Bộ Giao thông vận tải trước ngày 1/11/2022 để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, công văn của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng chiều dài dự án 57,8km, đi qua tỉnh Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư là 31.320 tỷ đồng; sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước.

Dự án chia thành 3 đoạn có tính chất độc lập tương đối, sử dụng các Hiệp định vay vốn khác nhau; thời gian thực hiện dự án từ năm 2015 – 2020. Tuy nhiên, quá trình thực hiện có một số thay đổi về cơ chế chính sách, dẫn đến dự án không được bố trí vốn và không điều chỉnh dự án nên phải dừng thi công từ năm 2019. Do thời gian dừng thi công kéo dài, một số nhà thầu đã rút bớt thiết bị, nhân công... khỏi công trường và giá gói thầu cũ không còn phù hợp nên một số nhà thầu đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng.

Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Chính phủ và thường xuyên làm việc với các cơ quan liên quan để tháo gỡ. Đến nay, Bộ Chính trị và Quốc hội đã thông qua chủ trương tháo gỡ các vướng mắc về nguồn vốn của Dự án.

Đối với cơ chế nguồn vốn cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam , Quốc hội đã có Nghị quyết 63/2022/QH15 thông qua nguồn vốn ODA cho dự án "Chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước..."; nguồn vốn đối ứng. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chỉ đạo VEC chịu trách nhiệm cân đối, bố trí vốn đối ứng còn lại từ năm 2019 để thực hiện Dự án như đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam khẩn trương thanh toán cho các Nhà thầu để tiếp tục triển khai thi công lại dự án. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, giá trị sản lượng các gói thầu đã triển khai thi công đạt 10.967 tỷ đồng, tương đương 79,96% giá trị xây lắp của dự án (theo hợp đồng gốc).

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại văn bản số 1795 ngày 5/10/2010 và được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án ngày 31/12/2014.

Dự án có chiều dài khoảng 57,8 km với tổng mức đầu tư 31.320 tỷ đồng, gồm: vốn vay ADB hơn 13.600 tỷ đồng; vốn JICA gần 12.000 tỷ đồng và vốn đối ứng hơn 5.689 tỷ đồng.

Dự án được khởi công xây dựng từ năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2019. Song, do gặp nhiều vướng mắc về cơ chế pháp lý, trong đó có thủ tục bố trí vốn nên dự án phải dừng thi công từ giữa năm 2019.

Về nguồn vốn đối ứng, giai đoạn 2011 - 2018, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành đã được bố trí hơn 3.882 tỷ đồng vốn đối ứng từ nguồn ngân sách nhà nước. Còn lại khoảng 1.807 tỷ đồng chưa được bố trí đang được các Bộ, ngành đề xuất giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tự cân đối.

Nguồn: Thế Bằng (theo VGP)