Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Hoàn tất công bố cáo trạng, ghi nhận tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo

Hồng Ngọc
21:00 - 06/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Chiều ngày 6/3, tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất việc công bố cáo trạng.

Xét xử vụ Vạn Thịnh Phát: Hoàn tất công bố cáo trạng, ghi nhận tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên tòa ngày 6/3. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo trong vụ Vạn Thịnh Phát

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát, SBC và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.

Theo đó, trong quá trình điều tra, truy tố, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan và 5 bị cáo bị truy tố, xét xử vắng mặt, 80 bị cáo còn lại trong vụ án đều ăn năn hối cải, thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã điều tra, thu thập trong hồ sơ vụ án.

Nhiều bị cáo đã phối hợp, tích cực hợp tác, giúp cơ quan tố tụng điều tra làm rõ bản chất của vụ án như Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB), Trương Huệ Vân (cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB); Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan), Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II, Cục II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước)...

Nhiều bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bản thân gây ra như: Gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB nộp 4,5 tỷ đồng; gia đình bị cáo Phan Tấn Trung, cựu Phó Chánh Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh nộp 546 triệu đồng. Bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương nộp 500 triệu đồng. Các bị cáo Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Phòng Tái thẩm định, Ngân hàng SCB và Cao Việt Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Tường Việt cùng nộp 200 triệu đồng mỗi bị cáo.

Một số bị cáo có thành tích xuất sắc trong công tác như: Nguyễn Văn Hưng, cựu Phó Chánh Thanh tra Phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước (Huân chương Lao động hạng Nhì); Nguyễn Văn Du, cựu quyền Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba); Nguyễn Cao Trí, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella (Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen)…

Một số bị cáo xuất thân trong gia đình chính sách, có công với cách mạng như Nguyễn Văn Thanh Hải, Võ Thành Tùng, Diệp Bảo Châu, Võ Văn Tường, Nguyễn Anh Thép… Riêng bị cáo Nguyễn Văn Thanh Hải còn là quân nhân phục vụ tại Campuchia.

Cạnh đó, Viện Kiểm sát xem xét về sức khỏe của các bị can bị bệnh, là người già, sức khỏe yếu như bị cáo Uông Văn Ngọc Ẩn, Nguyễn Thị Phương Loan, Võ Thành Hùng, Nguyễn Phi Long, Lưu Quốc Thắng.

Các bị cáo trong vụ án đều có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Nhiều bị cáo tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng, chống dịch, đóng góp cho cộng đồng như Dương Tấn Trước, Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí.

Với các tình tiết giảm nhẹ của các bị cáo chưa được ghi nhận trong cáo trạng, Viện Kiểm sát sẽ tiếp tục ghi nhận trong quá trình luận tội.

Đoàn Thanh tra, giám sát ngân hàng nhận hối lộ, bưng bít các sai phạm của Trương Mỹ Lan và SCB

Trước đó, sáng ngày 6/3, phiên tòa xét xử sơ thẩm tiếp tục diễn ra với phần công bố cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Trong số 86 bị cáo bị đưa ra xét xử, đáng chú ý có bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố tội "Nhận hối lộ" số tiền 5,2 triệu USD từ bị cáo Trương Mỹ Lan. Đến nay, bị cáo Nhàn đã khắc phục 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, quá trình Ngân hàng Nhà nước thanh tra tại Ngân hàng SCB, trong 2 lần thanh tra vào năm 2017 và 2018, kết quả thanh tra thực tế của Đoàn Thanh tra xác định thực trạng tài chính Ngân hàng SCB rất xấu, các chỉ số đều nằm trong báo động đỏ.

Để che giấu thực trạng đặc biệt yếu kém và các sai phạm tại SCB, bị cáo Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Trưởng đoàn Thanh tra là Đỗ Thị Nhàn; đồng thời chỉ đạo cựu Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn đưa cho bị cáo Nhàn 5,2 triệu USD. Bị cáo Lan cũng chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên Đoàn Thanh tra.

Trên cơ sở đó, bị cáo Nhàn chỉ đạo thành viên trong Đoàn Thanh tra báo cáo không trung thực, không đầy đủ về các sai phạm của SCB, cố tình che giấu, làm nhẹ sai phạm của SCB và kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho SCB được tái cơ cấu.

Ngoài Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ 5,2 triệu USD, cáo trạng xác định 16 bị cáo khác tại Ngân hàng Nhà nước nhận tiền, quà của Trương Mỹ Lan. Với hành vi phạm tội của mình, các bị can này bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Theo cáo trạng, nhóm cán bộ ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay, tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng Giám đốc, cán bộ giúp việc cho Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định; kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB và những người ở cấp đơn vị, chi nhánh tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan đều là những người lệ thuộc, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt; đều thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo SCB.

Với Nguyễn Phương Hồng (Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB), Cơ quan công tố xác định đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của ngân hàng, giúp cho bị cáo Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép của tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Nguyễn Phương Hồng và Nguyễn Tiến Thành đã chết nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, 86 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội danh gồm: "Tham ô tài sản"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"; "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Bộ luật Hình sự 2015 và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" theo Bộ luật Hình sự 1999.

Trong đó, bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố 3 tội danh: "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" theo quy định tại khoản 4 Điều 353, khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 với khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Ngoài tư cách bị cáo, Trương Mỹ Lan còn hầu tòa với tư cách bị hại trong vụ án bị cáo Nguyễn Cao Trí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Capella bị xét xử về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" vì có hành vi tìm cách chiếm đoạt của bị cáo Trương Mỹ Lan 1.000 tỷ đồng.

Phiên xử sáng mai, ngày 7/3 sẽ bắt đầu xét hỏi hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm, trừ bị cáo Nguyễn Cao Trí do hành vi phạm tội của bị cáo Trí là độc lập, không liên quan các bị cáo khác, nếu cần sẽ triệu tập sau.