Vụ Vạn Thịnh Phát: Thủ đoạn "rút ruột" SCB của Trương Mỹ Lan và đồng phạm

Hồng Ngọc
00:03 - 21/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng; lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng trái phiếu.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Thủ đoạn "rút ruột" SCB của Trương Mỹ Lan và đồng phạm- Ảnh 1.

Bà Trương Mỹ Lan. Ảnh: Bộ Công an

Trương Mỹ Lan chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng; gây thiệt hại hơn 415 nghìn tỷ đồng cho SCB

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 86 bị can trong vụ án liên quan đến Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và các đơn vị có liên quan. Trong số này, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị đề nghị truy tố 3 tội: "Đưa hối lộ"; "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng" và "Tham ô tài sản". 

Nhóm bị can còn lại bị đề nghị truy tố về các tội: "Tham ô tài sản"; "Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo kết luận điều tra, Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, sở hữu hệ sinh thái với hơn 1.000 doanh nghiệp, các công ty con, công ty liên kết; giao cho người nhà, người thân tín điều hành, quản lý.

Trong số này có nhóm công ty "ma" tại Việt Nam, được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công.

Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia "thiên đường thuế" để phục vụ hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài hoặc sử dụng danh nghĩa "nhà đầu tư nước ngoài" đầu tư vào Việt Nam có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan ở nước ngoài.

Tại SCB, mặc dù không trực tiếp giữ chức vụ, nhưng với việc nắm giữ trên 90% cổ phần, Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngân hàng, dùng SCB làm "kênh huy động vốn" cho cá nhân mình; cùng đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn để rút tiền trong SCB - vốn là tiền người dân, khách hàng gửi vào.

Kể từ khi SCB sáp nhập 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập một số lượng lớn các hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn sử dụng vào mục đích cá nhân.

Đây đều là các khoản vay khống, do vậy, khi đến hạn không trả được nợ, bà Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt ngày càng nhiều, số tiền thiệt hại ngày càng lớn.

Trong đó, từ ngày 9/2/2018 đến 7/10/2022, Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn rút tiền chiếm đoạt của SCB, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 304.000 tỉ đồng.

Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng. Như vậy, Trương Mỹ Lan đã gây thiệt hại tổng cộng hơn 415 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian từ ngày 1/1/2012 đến ngày 31/12/2017, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo hợp thức hồ sơ vay vốn để SCB giải ngân cho 304 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay 368 khoản, tính đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ hơn 132.000 tỉ đồng, không có khả năng thu hồi.

Cơ quan điều tra xác định thiệt hại là hơn 64.000 tỉ đồng. Hành vi này phạm vào tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Đặc biệt, để che giấu thực trạng tài chính yếu kém và các sai phạm của SCB, đồng thời để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Ngân hàng Nhà nước, đồng thời là trưởng đoàn thanh tra.

Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc với SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa tiền cho Đỗ Thị Nhàn và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Ngoài 3 tội danh đã bị đề nghị truy tố, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc phát hành trái phiếu, nhưng hiện Cơ quan điều tra đã tách vụ án để xử lý sau.

Trong hành vi này, bước đầu cơ quan chức năng xác định, từ năm 2018-2020, các nghi phạm có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.

Từ các hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo hơn 30.000 tỉ đồng của 42.000 nhà đầu tư.

Do số lượng bị hại trong vụ án này rất lớn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ủy thác cho Cơ quan điều tra Công an các địa phương làm việc với các nhà đầu tư đã mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

Thu giữ 589 tỉ đồng, gần 15 triệu USD và hàng nghìn bất động sản, siêu xe, du thuyền… của các bị can

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã rà soát, xác minh, truy thu dòng tiền phạm tội và các tài khoản, tài sản đứng tên các bị can để thu hồi, kê phiên, phong tỏa, đảm bảo khắc phục hậu quả vụ án.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ tổng số tiền 589 tỉ đồng và gần 15 triệu USD và hàng nghìn bất động sản, siêu xe, du thuyền… Phong tỏa hơn 1.800 tỉ đồng của các bị can tại các ngân hàng.

Đối với Trương Mỹ Lan, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ 1.266 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kê biên 1.237 bất động sản tại Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An…; kê biên 857 triệu cổ phần SCB của Trương Mỹ Lan và các cá nhân đứng tên hộ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kê biên 22 tài sản là phương tiện, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô của Trương Mỹ Lan và em gái. Số phương tiện này, Trương Mỹ Lan nhờ nhiều người đứng tên.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng kê biên 61 bất động sản và ngăn chặn giao dịch 8 bất động sản của các bị can trong vụ án.

Cựu Cục trưởng nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bưng bít cho sai phạm của Trương Mỹ Lan

Tại vụ án này, Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Với vai trò, trách nhiệm được giao là Trưởng đoàn thanh tra nhưng bà Nhàn không báo cáo trung thực với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ về sai phạm, vi phạm của SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu so với kết quả thanh tra mà đề xuất theo hướng giảm nhẹ sai phạm và kiến nghị tạo điều kiện cho ngân hàng này tiếp tục được tái cơ cấu.

Kết quả điều tra xác định, cựu Cục trưởng Đỗ Thị Nhàn với tư cách là Trưởng đoàn thanh tra đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít cho các sai phạm của Trương Mỹ Lan và SCB.

Hành vi làm trái công vụ, trái quy định pháp luật thanh tra của Đỗ Thị Nhàn để giúp đỡ Trương Mỹ Lan, tạo điều kiện cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB thực hiện những hành vi sai phạm nối tiếp sai phạm.

Nguyên Tổng Giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn - "cánh tay phải" của Trương Mỹ Lan khai gì?

Theo lời khai của bị can Võ Tấn Hoàng Văn - nguyên Tổng Giám đốc SCB thì về bản chất "Trương Mỹ Lan mới thực sự là chủ của SCB".

Kết luận điều tra cho biết, Võ Tấn Hoàng Văn vào làm việc tại SCB từ tháng 7/2013 với chức vụ Phó Tổng giám đốc SCB. Đến tháng 12/2013, sau khi Tổng Giám đốc là Lê Khánh Hiền nghỉ, Võ Tấn Hoàng Văn được Trương Mỹ Lan đưa lên làm Tổng Giám đốc SCB và được xem là "cánh tay phải" của Trương Mỹ Lan tại SCB.

Bị can Võ Tấn Hoàng Văn khai nhận, các khoản cho vay với các khách hàng thuộc hệ thống sinh thái Vạn Thịnh Phát chiếm tỷ trọng phần lớn số tiền mà SCB cho vay. Mỗi khi cần tiền để sử dụng, Trương Mỹ Lan sẽ gọi điện cho Văn. Sau đó, Võ Tấn Hoàng Văn nắm được chủ trương và thực hiện các bước để giải ngân. Bị can Văn biết các khoản vay đứng tên cá nhân, pháp nhân trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực chất là để Trương Mỹ Lan dùng vào các mục đích khác, không đúng với phương án vay vốn trong hồ sơ vay.

Các khoản vay đều có điểm chung là chỉ ký khống thủ tục, hợp thức hồ sơ cho vay để giải ngân, rút tiền khỏi SCB theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan. Thực tế, SCB không thẩm định khách hàng, không thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn, bỏ qua quy trình cho vay thông thường.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Thủ đoạn "rút ruột" SCB của Trương Mỹ Lan và đồng phạm- Ảnh 3.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn trước khi bị bắt. Ảnh: VOV

Làm việc với cơ quan điều tra, Võ Tấn Hoàng Văn thừa nhận đã ký các tờ trình thẩm định, Biên bản họp Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở đồng ý cho vay đối với nhóm khách hàng Vạn Thịnh Phát là hành vi vi phạm pháp luật.

Từ ngày 18/11/2013 đến ngày 25/7/2020, Võ Tấn Hoàng Văn với vai trò là Tổng giám đốc SCB đã ký 575 tờ trình tái thẩm định, 547 biên bản họp hội đồng kinh doanh và đầu tư hội sở, 390 tờ trình Tổng giám đốc và rất nhiều giấy tờ khác để đồng ý cho 402 khách hàng là các cá nhân, pháp nhân thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan vay 638 khoản tiền.

Số nợ khổng lồ này có dư nợ đến ngày 17/10/2022 là 271.308 tỷ đồng nợ gốc, 133.801 tỷ đồng nợ lãi/phí. Tổng số nợ là hơn 405.110 tỷ đồng (405 nghìn 110 tỷ đồng).

Hành vi của tỉ phú Chu Lập Cơ - chồng Trương Mỹ Lan

Theo tài liệu điều tra, ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric, người gốc Hong Kong) là chồng Trương Mỹ Lan và đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Đầu tư Times Square. Ở vụ án này, ông Chu Lập Cơ bị đề nghị truy tố tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Vụ Vạn Thịnh Phát: Thủ đoạn "rút ruột" SCB của Trương Mỹ Lan và đồng phạm- Ảnh 4.

Ông Chu Lập Cơ (Chu Nap Kee Eric). Ảnh: VOV

Qua trao đổi với Trương Mỹ Lan, ông Chu Lập Cơ được đề nghị lấy tài sản Dự án Times Square để đảm bảo cho các khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do Trương Mỹ Lan chỉ định tại SCB. Tại cơ quan điều tra, ông Chu Lập Cơ thừa nhận ký các thủ tục đảm bảo khoản vay theo đề nghị của Lan. Cơ không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, không có nhu cầu vay nhưng vẫn ký các thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ vay vốn cho Lan.

Từ chuỗi hành vi này, tháng 12/2012 đến tháng 12/2014, Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân tại SCB, Tập đoàn VTP và Công ty Times Square thực hiện các thủ tục lập hồ sơ vay vốn khống để giải ngân cho 73 khoản vay, với tổng số tiền 29.441 tỷ đồng.

Đến năm 2017, các khoản nợ đã đến hạn nhưng không thể trả được, do phương án vay vốn là lập khống.

Ngoài hành vi trên, vợ chồng Chu Lập Cơ, Trương Mỹ Lan còn bị khởi tố để điều tra về tội "Rửa tiền" nhưng việc này được tách hồ sơ, xử lý ở giai đoạn sau vụ án.

Nguồn: TTXVN, Báo Chính phủ, VOV