Xây dựng "chuẩn ASEAN" cho du lịch Thừa Thiên Huế như thế nào?
Trước thềm Festival Huế 2023, việc áp chuẩn ASEAN cho du lịch đang được Thừa Thiên Huế thực hiện với mục tiêu đưa Huế trở thành "điểm đến chất lượng" của khu vực. Các doanh nghiệp đang chạy đua đến hạng mục giải thưởng Du lịch ASEAN 2023 tiêu chuẩn mới.
Chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025 ưu tiên phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa, thống nhất và hiệu quả. Cộng đồng Du lịch ASEAN đã ban hành bộ 8 tiêu chí về du lịch xanh, trong đó có các tiêu chí liên quan đến khách sạn, cơ sở lưu trú, thể hiện tầm nhìn, sự thống nhất và là hành động cụ thể của ASEAN hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng.
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, việc thực hiện bộ tiêu chí du lịch ASEAN vừa là cam kết vừa là hành động nhằm cân bằng, giảm thiểu tác động trong quá trình phát triển du lịch Việt Nam.
Bộ tiêu chuẩn Du lịch ASEAN, gồm các tiêu chí về: Thành phố du lịch sạch, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay, điểm du lịch MICE (hình thức du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), nhà vệ sinh công cộng, spa và khách sạn xanh.
Trong những năm qua, Huế đã đạt được khá nhiều hạng mục Giải thưởng Du lịch ASEAN.
Áp vào tiêu chuẩn du lịch ASEAN, có thể kể đến giải thưởng “Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN - Du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn; giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN - Khách sạn nghỉ dưỡng Làng Hành Hương; giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN - thành phố Huế; giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN - Khách sạn nghỉ dưỡng Vedana Lagoon Resort & Spa; giải thưởng địa điểm tổ chức MICE ASEAN - Khách sạn Silk Path Huế; giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN với sản phẩm tham quan Huế - 1 điểm đến 5 di sản.
Bước vào khâu chuẩn bị cho Festival Huế 2023, việc rà soát đánh giá lại tiêu chuẩn du lịch ASEAN đối với trung tâm du lịch cố đô là cần thiết. Hơn thế nữa, sau thời gian dài bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, ngành du lịch các quốc gia ASEAN đều phải đối diện với những thách thức mới. Không chỉ cạnh tranh nội địa, ngành du lịch phải nâng cao lợi thế cạnh tranh du lịch trong nước và quốc tế.
Mặt khác, đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, việc rà soát và triển khai áp dụng chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực và quốc tế, khẳng định thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Nhằm khai thác thị trường truyền thống và tiềm năng khu vực ASEAN, Thừa Thiên Huế đang vận động và phối hợp các doanh nghiệp chuẩn bị tham gia giải thưởng du lịch ASEAN 2023. Giải thưởng năm nay sẽ tập trung vào các hạng mục giải thưởng Homestay ASEAN, giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN, giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN và giải thưởng dịch vụ Spa ASEAN.
Trong số này, qua khảo sát, Thừa Thiên Huế đánh giá là khó đạt được tiêu chuẩn về nhà vệ sinh cộng cộng. Đây là điểm yếu suốt nhiều năm qua. Dù đã được nhìn nhận và có những thay đổi về ý thức đến đầu tư, cách vận hành, nhưng cả số lượng và chất lượng vẫn không đảm bảo. Kể cả ở những điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, hệ thống di tích, các điểm dừng chân… chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách ở khâu vệ sinh.
Một giải pháp cần triển khai tốt hơn nữa là đẩy nhanh chuyển đổi số gắn với hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn Du lịch ASEAN. Tốc độ tích hợp các thông tin liên quan đến việc hướng dẫn thực hiện và quy trình đánh giá tiêu chuẩn Du lịch ASEAN chưa đạt yêu cầu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google