Xác định Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập"

GS.TS. Phạm Tất Dong
15:08 - 15/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ tiêu chí khung đánh giá mô hình "Công dân học tập" sẽ được triển khai đại trà từ năm 2023 và tới đây, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ có hội nghị sơ kết việc thực hiện Bộ tiêu chí này vào cuối năm 2025.

Ngày 8/4/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 489/QĐ-TTg về thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư (10/5/2019), tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn sau 2020. Tại Quyết định này, Hội Khuyến học Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu và đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập".

Xác định Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" - Ảnh 1.

Tiêu chí về năng lực tự học, học tập suốt đời được quy định trong Bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" của Hội Khuyến học Việt Nam. Đồ họa: TTH

Hội Khuyến học Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học để được các nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục, các nhà quản lý giáo dục, các nhà sư phạm, các cán bộ chủ chốt của nhiều Hội khuyến học các tỉnh và thành phố đóng góp ý kiến về mục tiêu, phương pháp xây dựng mô hình, nội dung cần đặt ra, kinh nghiệm của một số quốc gia hoặc của từng cộng đồng quốc tế như khối OECD hay EU.

Trên cơ sở các tư liệu của những hội nghị và hội thảo khoa học, các chuyên gia giáo dục của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã dự thảo Bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập". Cuối tháng 11/2020, Bộ tiêu chí ban đầu đã được đưa vào thử nghiệm. 63 Hội khuyến học địa phương đã chọn ra hàng trăm xã để triển khai mô hình này. Quá trình làm thử phải tuân thủ các bước đi do Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam chỉ đạo.

Xác định Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" - Ảnh 2.

Kỹ năng sử dụng máy tính là kỹ năng quan trọng trong tiêu chí năng lực cốt lõi cần cho việc học tập suốt đời. Minh họa: IT

Xác định những năng lực cốt lõi cần cho việc học tập suốt đời

Trên thế giới, việc xây dựng các mô hình học tập đều do tổ chức UNESCO điều hành. Vì thế, UNESCO đã hướng dẫn các quốc gia hướng tìm kiếm những năng lực cốt lõi như sau:

Năng lực cốt lõi trong học tập phải là những năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của thế kỷ XXI.

Tùy từng điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước mà các quốc gia tự ấn định về loại hình cũng như số lượng năng lực cốt lõi cho công dân của mình.

Năng lực kỹ thuật số không thể thiếu được ở mỗi công dân bởi các cơ sở giáo dục từ phổ thông đến đại học, bao gồm các loại hình trường, lớp chính quy hay không chính quy đều phải tuân thủ yêu cầu chuyển đổi số.

Hội đồng Châu Âu đã đưa ra Khuyến nghị 2006 về các năng lực cốt lõi học tập suốt đời với mục đích cung cấp một khung tham chiếu để các hệ thống giáo dục Châu Âu có căn cứ đào tạo công dân học tập có sự hoàn thiện nhân cách, tinh thần công dân, gắn kết xã hội và có việc làm trong xã hội tri thức. Khung tham chiếu có 8 năng lực cốt lõi như sau: 

Xác định Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" - Ảnh 3.

Hội đồng Châu Âu đã đưa ra Khuyến nghị 2006 về các năng lực cốt lõi học tập suốt đời. Đồ họa: TTH

Đến năm 2018, Hội đồng Châu Âu đưa ra một Khuyến cáo, bổ sung và làm sáng tỏ hơn những năng lực trong khung năng lượng 2006, ví dụ với năng lực giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ, họ ghi rõ phải có năng lực hiểu, diễn đạt, sáng tạo để truyền đạt đầy đủ các cảm xúc, sự kiện, ý tưởng qua ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết, ngôn ngữ cử chỉ trong những ngữ cảnh khác nhau.

Khối OECD cũng nêu ra một khung với 3 nhóm năng lực, trong mỗi nhóm năng lực có những năng lực cốt lõi. Cụ thể là:

Nhóm năng lực sử dụng các công cụ tương tác, trong đó có 3 năng lực cốt lõi: Năng lực sử dụng ngôn ngữ nói và viết, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực sử dụng ngoại ngữ.

Nhóm năng lực giao tiếp trong những nhóm làm việc không đồng nhất. Trong nhóm này có 3 năng lực cốt lõi là: quan hệ tốt với người khác, hợp tác và làm việc theo nhóm, quản lý và xử lý tốt những xung đột.

Nhóm năng lực hành động tự chủ, với 3 năng lực cốt lõi là: Hành động trong bối cảnh chung, xây dựng dự án cá nhân và kế hoạch đời sống, xác định quyền, lợi ích, giới hạn và nhu cầu của chủ thể hành động.

Tham khảo mô hình "Công dân học tập" của Singapore, ta thấy họ xác định năng lực cốt lõi theo cách riêng, bởi quốc gia - thành phố này không có tài nguyên thiên nhiên, hướng phát triển chính là kinh doanh toàn cầu, cho nên họ chú trọng năng lực ngoại ngữ, năng lực tự học, năng lực tư duy toàn cầu, năng lực giao tiếp và hợp tác...

Ở Canada, các nhà giáo dục đề cao năng lực đổi mới và tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, năng lực sử dụng công nghệ số, tư duy phản biện, đạo đức và văn hóa công dân, hợp tác và giao tiếp.

Sau khi nghiên cứu kỹ mô hình "Công dân học tập" đã nói ở trên và của một số quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, một số chuyên gia giáo dục, khuyến học, nhà sư phạm, cán bộ nghiên cứu xã hội học, tâm lý học… đã thống nhất với nhau về việc chọn năng lực cốt lõi của công dân học tập Việt Nam, như sau:

Phải căn cứ vào trình độ dân trí và điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ sản xuất để xác định mức độ yêu cầu đối với việc học tập suốt đời cho công dân Việt Nam.

Phải đưa vào Bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" những yêu cầu về học tập thường xuyên mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra (Ở đây, trong giai đoạn 2021 - 2030, cần phải thể hiện trong mô hình một cách đầy đủ những yêu cầu học tập đối với người dân tại Quyết định 677/QĐ-TTg).

Trong giai đoạn 2021 - 2025, mọi người dân đều phải nâng cao năng lực số theo yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Vì vậy, cần tính đến những kỹ năng số nào là cơ bản mà người dân nhất thiết phải có (căn cứ vào Quyết định 749/QĐ-TTg do Thủ tướng ban hành).

Để toàn dân tham gia thi đua đạt danh hiệu "Công dân học tập" một cách hiệu quả, cần lựa chọn không nhiều những năng lực cốt lõi, nhưng cần thiết kế những chỉ số đo thật cụ thể, để đánh giá dễ dàng. Những chỉ số đo bao gồm những kỹ năng cơ bản và những phẩm chất mong muốn trong từng giai đoạn do Quyết định 677/QĐ-TTg quy định.

Bộ chỉ số đánh giá mô hình "Công dân học tập" có tính chất "khung". Khi triển khai Bộ tiêu chí này, các Bộ, ngành sẽ xây dựng Bộ tiêu chí cụ thể, phù hợp với đối tượng mà mình quản lý. Ví dụ, trong phong trào thi đua, chúng ta sẽ có những Bộ tiêu chí dành riêng cho nông dân, công nhân kỹ thuật, các cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu khoa học và công chức, viên chức có trình độ học vấn đại học…

Bộ tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" của Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025

Qua nhiều hội nghị và hội thảo khoa học, Bộ tiêu chí "khung" sẽ áp dụng trên các địa bàn dân cư trong cả nước được thiết kế như sau:

Có 3 năng lực cốt lõi được lựa chọn:

Năng lực tự học và học tập suốt đời

Trong năng lực này có 4 chỉ số đo là những kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho việc học tập suốt đời.

Năng lực sử dụng những công cụ học tập, làm việc

Trong năng lực này có 4 chỉ số đo là những kỹ năng và phẩm chất cần thiết cho việc đưa tri thức đã học vào hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ dựa vào việc làm chủ máy tính và công nghệ thông tin, ngoại ngữ, kỹ năng tính toán và tư duy phản biện với tư cách là công cụ tương tác với người khác và với máy móc.

Năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội

Trong năng lực này có 2 chỉ số đo về việc tạo quan hệ hợp tác, thân thiện, gắn bó với tập thể lao động. Đó là những kỹ năng mềm không thể thiếu được khi tham gia vào lao động sản xuất - kinh doanh hoặc dịch vụ.

Bộ tiêu chí khung đánh giá mô hình "Công dân học tập" sẽ được triển khai đại trà từ năm 2023 và sẽ có hội nghị sơ kết việc thực hiện Bộ tiêu chí này vào cuối năm 2025.

Xác định Bộ Tiêu chí đánh giá mô hình "Công dân học tập" - Ảnh 4.