"Vua phóng sự" Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ chuyện nghề, chuyện đời
CDKH - "Thời gian một chiều, cuộc đời tôi không có gì ngoài đi, yêu và viết" - lý tưởng nghề làm báo được nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, một trong những cây bút phóng sự hàng đầu chia sẻ trong buổi lễ ra mắt hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" mới đây của ông.
Những trải lòng của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân về "40 năm đi, yêu và viết"
Huỳnh Dũng Nhân nhen nhóm ý định viết một hồi ký về những năm tháng làm báo ngay từ khi bắt đầu nghỉ hưu, với mong muốn lưu giữ những kỷ niệm, những bài học kinh nghiệm có được sau hơn 4 thập kỷ làm báo của mình. Đồng thời, ông muốn sản xuất một cuốn sách đầy câu chuyện thực tiễn cho các nhà báo trẻ và cho sinh viên báo chí các thế hệ sau. "Vua phóng sự" Huỳnh Dũng Nhân đã cho ra đời cuốn hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" như thế.
"Đơn giản chỉ là tôi muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm qua của mình. Biết đâu cũng có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Tại lễ ra mắt hồi ký "40 năm đi, yêu và viết", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho hay, từ khi bước vào nghề cầm bút, ông đã tự tặng cho mình câu khẩu hiệu: "Thời gian một chiều. Đi, yêu và viết. Không có gì ngoài cả cuộc đời".
"Nằm lòng" câu khẩu hiệu đó để rồi hơn 40 năm qua, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã hối hả thực hiện "đi, yêu và viết" sao cho không hoàn hảo nhất thì cũng không để bản thân thất vọng.
Nghỉ hưu từ năm 2015, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã bắt đầu cho phép mình đo đạc, kiểm định, dọn dẹp, thu nhặt những gì đọng lại trên quãng đường hơn nửa thế kỷ làm báo của mình. Để rồi nhận thấy rằng, vốn liếng gia tài quý báu nhất của ông chính là gia đình, bè bạn, đồng nghiệp và sự nghiệp.
Lớn lên trong một gia đình nhà báo sống ở khu tập thể báo Nhân dân ở ngõ Lý Thường Kiệt (Hà Nội) - nơi hàng chục gia đình toàn bộ cán bộ công nhân viên của báo Nhân dân sinh sống. Có lẽ, chính môi trường đó đã tạo cho Huỳnh Dũng Nhân tư duy, cảm xúc và góp phần tạo nên sự đa dạng phong cách báo chí sau này, khi ông là tác giả của 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại phóng sự, truyện ngắn, thơ, hồi ký, truyện thiếu nhi và giáo trình.
Hơn nữa, một điều thú vị là, theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, gia đình ông đã có lúc từng có tới 9 người đã và đang làm báo. Đó là cha mẹ ông, gia đình anh trai gồm 5 người và người vợ của ông - đều là những người theo nghề "cầm bút".
Vậy nên, đối với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, sinh ra trong một gia đình có 3 thế hệ làm báo là một điều hiếm, đáng tự hào và cũng là một thuận lợi đối với ông trên con đường đến với nghề báo.
Là một nhà báo nổi tiếng nhưng ít ai ngờ rằng, Huỳnh Dũng Nhân từng bị trượt khi lần đầu tiên đi phỏng vấn tuyển dụng vào một tòa soạn báo.
"Đó là lần tôi đi phỏng vấn, xin về báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Trong buổi phỏng vấn hôm đó, nhà thơ Bảo Định Giang đã hỏi tôi hai câu: Vì sao chọn nghề báo và vì sao lại chọn một tờ báo văn học nghệ thuật? Không biết tôi trả lời thế nào mà sau cuộc phỏng vấn đó không có chút hồi âm vọng lại", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ tại sự kiện.
Cũng theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, sau lần trượt phỏng vấn đó, ông may mắn được chọn đi học thêm tại Trường Tuyên giáo Trung ương tại Hà Nội (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã được 5 tờ báo muốn ông "đầu quân" vì thời điểm đó ông đã viết bài cộng tác cho rất nhiều tòa soạn báo.
Huỳnh Dũng Nhân với những lần "liều" trong 40 năm làm báo đầy thăng trầm
Chính thức làm báo từ tháng 6 năm 1983 đến nay, có người nhận xét rằng, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không chỉ đi nhiều, viết khỏe mà còn có "máu liều".
Thật vậy, nhìn lại quãng thời gian "cầm bút" của mình ở độ tuổi sắp chạm 70, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã mượn câu nói của danh hài Charlie Chaplin để nói về sự nghiệp của ông "40 năm có cả nụ cười và nước mắt".
Đối với Huỳnh Dũng Nhân, 40 năm làm báo là 40 năm với nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn xót xa, vinh quang có mà tủi nhục cũng có.
Nhớ lại những lần liều lĩnh nhất của mình khi làm nghề, những chuyến tác nghiệp đầy hiểm nguy với một người chuyên viết phóng sự đòi hỏi phải dấn thân để mở rộng thông tin, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã có những trải lòng đầy xúc động.
Đó là bài phóng sự đầu tiên "Hai giờ dưới lòng đất" ghi lại việc tác giả chui xuống lò Mông Dương (Quảng Ninh) - hầm mỏ lò giếng sâu nhất nước ta, âm hơn 100 mét so với mặt nước biển để viết bài về đời sống của công nhân mỏ than dưới hầm lò.
Theo tác giả, thời điểm đó đã có rất nhiều người viết về mỏ than, nhưng hầu như chưa có mấy ai dám xuống tận nơi công nhân làm việc dưới đáy lò than. Vì vậy, để khỏi "đụng hàng", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã chọn cách tác nghiệp dấn thân, nhập cuộc trong tâm thế chưa hình dung được sự hiểm nguy rình rập phía trước.
Tiếp đó là lần chết hụt khi viết bài về vụ tai nạn máy bay rơi ở Ô Kha (Khánh Hòa) vào năm 1993.
"Tôi ra Nha Trang, biết có một chiếc trực thăng chở 7 người ra hiện trường để tìm kiếm máy bay bị nạn ở vùng rừng núi cao hiểm trở, tôi đã ra tận chân thang máy bay trực thăng xin đi theo thì một vị cán bộ ngành Hàng không đã kiên quyết xua tay và nhất quyết không cho nhà báo đi cùng, chỉ ưu tiên tổ cứu nạn đi thôi", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân kể.
Đành đứng lại dưới sân bay nhìn theo cánh trực thăng quay phành phạch bay đi, về đến nhà khách một tiếng sau thì nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hay tin chiếc trực thăng đó cũng bị rơi, cả 7 người trên chiếc trực thăng xấu số đó đều tử nạn.
Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, câu chuyện chết hụt đó là một kỷ niệm đáng nhớ nhất và lời từ chối lúc đó là điều khiến Huỳnh Dũng Nhân cảm thấy biết ơn nhất trong cuộc đời.
Trên đây chỉ là một vài câu chuyện mà nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ về những lần liều lĩnh của mình khi đi tác nghiệp, viết bài với tôn chỉ "là người viết phóng sự, phải đi săn tìm, quan sát, lắng nghe, phỏng vấn và viết bằng cảm nhận của mình".
Ngoài ra, khi đang bắt tay vào soạn bản thảo cho cuốn hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" thì tháng 4 năm 2021, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bất ngờ bị bệnh, phải ngưng công việc lại một thời gian, ông chỉ đánh máy tính được bằng những ngón tay phải. Song, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân dí dỏm cho rằng, với suy nghĩ "năm nay tôi gần 70 tuổi, tôi viết kẻo không kịp", ông đã quyết tâm thực hiện cuốn sách này trên giường bệnh, thậm chí có lúc tranh thủ "đôi ba dòng" trên điện thoại.
Với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, hành trình chông gai cho ra đời "đứa con tinh thần" này cũng là một trong những lần liều của ông.
"Nhà báo già, họa sĩ trẻ" Huỳnh Dũng Nhân
"40 năm cầm bút tôi chỉ có 30 đầu sách. Còn 1 năm cầm cọ tôi vẽ được hơn 1.000 tấm chân dung", nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Có lẽ bởi thế nên trong buổi ra mắt "40 năm đi, yêu và viết" nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã có cảm nhận rằng, có nhiều người trong một con người mang tên Huỳnh Dũng Nhân. Để diễn đạt ý này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói một cách chơi chữ rằng: "Ngũ Nhân nhất diện - Huỳnh Dũng. Ít nhất tôi thấy Ngũ Nhân là: Nhân - báo, Nhân - văn, Nhân - họa, Nhân - tình và Nhân - hành".
"Nhân - báo", "Nhân - văn" ý muốn nói Huỳnh Dũng Nhân là một người đã có khiếu văn chương nghệ thuật bộc lộ từ nhỏ, khi đang còn là học sinh phổ thông đã có thơ, có tranh đăng báo, có truyện in sách. Rồi sau này trở thành một nhà báo nổi tiếng, được những người mến mộ mệnh danh là "vua phóng sự".
Và khi đã gắn mình với phóng sự thì "Nhân - báo" lại được sự cộng hưởng của "Nhân - văn" để mỗi bài viết của Huỳnh Dũng Nhân vừa có chất báo lại thêm chất văn mang sức hút lôi cuốn người đọc.
"Nhân - hành" để nói về một cuộc đời làm báo dám dấn thân, "dám vào hang bắt cọp" của Huỳnh Dũng Nhân để tự tìm tư liệu riêng viết nên những bài phóng sự khẳng định nên tên tuổi.
Đi và viết, "Nhân - tình" cũng là lẽ tất nhiên. Tình với những nơi Huỳnh Dũng Nhân đến, những người ông gặp. Để rồi phả cái tình đó vào từng trang viết phóng sự, tạo sự cộng hưởng tình của người viết - người đọc.
"Nhân - họa" cũng chính là để nói về đường đời đi về chặng cuối, Huỳnh Dũng Nhân đã "bộc phát" ra thêm nghề vẽ.
Để kỷ niệm tuổi 68 của mình sau khi tạm phục hồi sau cơn bệnh tai biến 2 năm về trước, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã tập vẽ chân dung như một "cuộc rong chơi với sắc màu" bên cạnh làm thơ, viết truyện ngắn.
Coi vẽ như một biện pháp chống trầm cảm, để phục hồi sức khỏe, cho vui vẻ và để kỷ niệm là chính, chỉ sau 1 năm, số lượng chân dung mà "họa sĩ" Huỳnh Dũng Nhân vẽ cũng đã đến con số cả ngàn tấm. Đó là những bức chân dung về bạn bè văn nghệ sĩ, nhà báo, thậm chí cả những sinh viên – học sinh của ông.
Thành công trong nghề báo còn do độc giả quyết định, vì vậy theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người làm báo cốt lõi phải viết bằng cái tâm, làm cho bạn đọc rung động bằng sự việc mình nêu và cách nhìn vấn đề của mình chứ không phải chỉ nằm ở kỹ thuật viết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google