Thảo luận chuyên đề: “Nói gì khi nói về giải thưởng văn học?” tại phố sách Hà Nội
Ngày 23/4, tại phố sách Hà Nội diễn ra thảo luận chuyên đề “Nói gì khi nói về Giải thưởng văn học?”. Các diễn giả đưa ra các quan điểm về văn hoá đọc rất bổ ích và ý nghĩa đối với độc giả.
Lạm phát giải thưởng văn học
Tại buổi thảo luận chuyên đề: "Nói gì khi nói về giải thưởng văn học?" tại phố sách Hà Nội, các diễn giả đã chia sẻ về tình trạng "lạm phát" giải thưởng ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Pháp là một đất nước có truyền thống giải thưởng văn học hay những "salon văn học" từ thế kỷ 17-18. Hằng năm, đất nước này có hơn 1.500 giải thưởng văn học. Tuy nhiên, trong số 1.500 giải thưởng đó chỉ có khoảng 5 đến 6 giải thưởng được xem là giải thưởng danh giá.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng nói thêm, ở Việt Nam, các hội văn học nghệ thuật từ trung ương đến địa phương đều có giải thưởng văn học với số lượng không ít. Điều đó đã khiến nhà phê bình "nghi ngại" về uy tín của các giải thưởng này.
Dịch giả Lê Quang cho biết, ở Đức, tính đến năm 2000 có tới 1.331 giải thưởng văn học và đến năm 2023 đã tăng lên 1.400 giải thưởng văn học.
Với kinh nghiệm từng học tập và làm việc tại nước Đức, dịch giả Lê Quang cũng chia sẻ thêm về việc văn học Việt Nam chưa có mặt ở đất nước này. Anh cho rằng, điều này là do cộng đồng người Việt ở nước ngoài chưa lan tỏa được văn học Việt Nam ra các quốc gia.
Quy trình trao giải thưởng văn học chưa chặt chẽ
Từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội từ năm 2010 -2017, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã chia sẻ về quy trình trao giải thưởng văn học.
Việc trao giải thưởng văn học diễn ra hằng năm. Các chuyên ngành được xét trao giải là: thơ, văn xuôi, văn học dịch và lý luận phê bình.
Qua tổ chức đọc vòng loại nghiêm túc, với nhiều cuộc họp bàn luận dân chủ, hội đồng sơ khảo các chuyên ngành sẽ đề cử lên hội đồng chung khảo các tác phẩm. Hội đồng chung khảo sẽ đánh giá, phân tích, thảo luận kỹ lưỡng từng tác phẩm. Sau cùng, hội đồng mới bỏ phiếu quyết định chọn ra tác phẩm để tôn vinh.
Thảo luận về vấn đề này, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên trăn trở về tình trạng số lượng khổng lồ tác phẩm gửi về để ứng cử giải thưởng. Điều này dẫn đến việc đọc được hết những tác phẩm tiêu biểu từ các tác giả lớn và phát hiện những tác phẩm độc đáo từ các tác giả trẻ là một thách thức đối với ban giám khảo.
Tiến sĩ Nguyễn Quyên cho biết việc không đọc tác phẩm mà đã trao giải không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất phổ biến.
Giải thưởng văn học có nên là "chiếc la bàn" để độc giả chọn tác phẩm mà mình sẽ đọc hay không?
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng giải thưởng đặt ra là để thu hút người đọc. Đó là những tác phẩm có uy tín. Bởi dù sao mọi hạng mục giải thưởng đều được chọn lọc, trải qua thẩm định. Do đó, coi giải thưởng văn học là tiêu chí để chọn lựa tác phẩm hay để đọc là một điều bình thường.
Dịch giả Lê Quang cũng đồng ý với quan điểm này. Tuy nhiên, anh nói thêm, nếu xem giải thưởng là tiêu chí để chọn và đọc tác phẩm thì độc giả cần tìm hiểu một số vấn đề liên quan đến giải thưởng như: Ban giám khảo là ai? Giải thưởng được trao với mục đích gì và theo tiêu chí gì? Bởi mỗi một giải thưởng có một tiêu chí riêng, mỗi một giám khảo lại có những "màu sắc" khác nhau.
Để giải thưởng văn học được nâng tầm, Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhấn mạnh vai trò, sự cống hiến của các "cây bút", tác giả lớn. Đồng thời, ông cũng đề cao năng lực nhận diện, sự công tâm của hội đồng thẩm định chuyên môn. Hoàn thành được sứ mệnh đó, giải thưởng văn học mới trở thành một tiêu chí chất lượng để độc giả có thể nhìn vào và lựa chọn tác phẩm để đọc.
Tiến sĩ Nguyễn Quyên đưa ra thông điệp ý nghĩa: Quá trình đọc là sự tương tác giữa cá nhân độc giả với tác phẩm. Giải thưởng chỉ là phần cộng thêm giá trị cho tác phẩm.
Tiến sĩ Nguyễn Quyên hy vọng bạn đọc không hâm mộ quá đà một giải thưởng nào đấy. Thay vào đó, độc giả nên giữ thái độ lành mạnh, tinh thần tham khảo khi lựa chọn tác phẩm để đọc. Bởi không phải cứ tác phẩm đạt giải thưởng thì mới có giá trị.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google