Vụ Việt Á: 38 bị can hầu tòa, phiên xét xử dự kiến diễn ra trong 20 ngày

Hồng Ngọc
18:50 - 03/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 3/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị, tổ chức có liên quan. Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 20 ngày.

Vụ Việt Á: 38 bị can hầu tòa, phiên xét xử dự kiến diễn ra trong 20 ngày- Ảnh 1.

Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: TTXVN

Xét xử sơ thẩm đại án Việt Á

Tại vụ án Việt Á, 38 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí"; "Đưa hối lộ"; "Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Trong đó, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Liên quan đến kit test Việt Á, Phan Quốc Việt vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 25 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật.

6 bị cáo bị truy tố tội “nhận hối lộ” gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ, Hùng vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 15 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật);

Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế); Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế); Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế); Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương).

Bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

3 bị cáo bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”: Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng); Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương); Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương).

Theo cáo trạng, khi dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ giao các đơn vị khoa học chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Với mục đích để Công ty Việt Á được tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu kit test, sau đó chiếm đoạt, biến test thành sản phẩm của công ty để sản xuất, tiêu thụ, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) đã thông đồng với Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Bộ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) để Việt Á được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tham gia phối hợp Học viện Quân y thực hiện đề tài.

Phan Quốc Việt sau đó đề nghị Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế)... can thiệp, tác động, chỉ đạo để Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, đăng ký lưu hành chính thức kit test COVID-19.

Khi Việt Á sản xuất thương mại, bán 200.000 kit xét nghiệm cho Bộ Y tế, Việt đã nâng khống cơ cấu đơn giá nhưng vẫn được Bộ Y tế hiệp thương, xác định giá 470.000 đồng/kit test không có căn cứ.

Phan Quốc Việt đã đã đưa hối lộ Nguyễn Thanh Long 2,25 triệu USD (51 tỷ đồng), Nguyễn Huỳnh (thư ký của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long) 4 tỷ đồng, Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế) 300.000 USD (6,9 tỷ đồng), Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD (8 tỷ đồng); Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng).

Ngoài ra, Phan Quốc Việt còn chi tiền "cảm ơn" cho bị cáo Nguyễn Văn Trịnh (cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ) 200.000 USD và cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh 200.000 USD (khoảng 4,6 tỷ đồng).

Nhiều người được triệu tập vắng mặt trong ngày đầu xét xử sơ thẩm vụ Việt Á

Trong phần thủ tục phiên tòa, bị cáo Trần Thị Hồng (sinh năm 1995, nhân viên Công ty Việt Á), có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do vừa sinh con nhỏ. Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng bị cáo Hồng vắng mặt có lý do chính đáng và không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận cho bị cáo Hồng vắng mặt.

Để xét xử vụ án, Tòa cũng triệu tập 39 nhân chứng, 140 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và 24 nguyên đơn dân sự (Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC), Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Tuy nhiên, nhiều người trong số này vắng mặt, như đại diện CDC tỉnh Hà Giang, Nam Định, Trà Vinh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận và đại diện một số bệnh viện…

Do phiên tòa kéo dài nhiều ngày, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Thị Hồng biết rõ việc các cơ sở y tế công lập ứng kit xét nghiệm sử dụng trước rồi thông đồng hợp thức thủ tục đấu thầu thanh quyết toán sau theo giá Công ty Việt Á đưa ra là trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Hồng vẫn thực hiện chỉ đạo của Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, hợp thức các thủ tục, hồ sơ để Công ty Việt Á trúng thầu, được thanh quyết toán trái quy định.

Trần Thị Hồng đã giúp sức cho Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu tại 11 tỉnh gồm: Hải Dương, Bắc Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Ninh Thuận, Hà Nội, Hà Giang, Bình Dương, Nghệ An, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 254 tỷ đồng. Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Chiều 3/1, sau khi Viện Kiểm sát công bố xong bản cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Việt Á), Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.

Là người đầu tiên đứng lên bục khai báo, Phan Quốc Việt, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á khai về mối quan hệ với loạt quan chức thời điểm đó như bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ); Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế); Nguyễn Huỳnh (cựu Thư ký của cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long)...

Với bị cáo Huỳnh, Việt khai quen biết cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 2017 trong một dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó hai người giữ mối quan hệ thân thiết. Phan Quốc Việt quen bị cáo Nguyễn Thanh Long khi tham gia khánh thành trạm y tế ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại tòa, Phan Quốc Việt thừa nhận đưa Huỳnh 2 triệu USD và 4 tỷ đồng, sau đó Huỳnh đưa ông Nguyễn Thanh Long hơn 2 triệu USD.

Với số tiền lớn như trên, Việt cho biết phải vay bạn bè vì có thời gian công ty không có nguồn thu. Chủ tịch Việt Á di chuyển bằng máy bay, mang tiền ra Hà Nội để đưa cho các bị cáo khác.

Phan Quốc Việt khai đưa Trịnh Thanh Hùng 2 lần, tổng 350.000 USD. Tương tự, Chủ tịch Việt Á cũng khai đưa bị cáo Nguyễn Văn Trịnh, cựu cán bộ Văn phòng Chính phủ 2 lần, mỗi lần 100.000 USD vì "Trịnh rất nhiệt tình giúp đỡ, tinh thần Á Đông chia sẻ với nhau". Phan Quốc Việt thừa nhận có nhờ Trịnh tác động để kit xét nghiệm của Việt Á nhanh được cấp phép, "còn tác động như thế nào thì bị cáo không rõ".

Tại tòa, bị cáo Phan Quốc Việt cũng khai về việc "cảm ơn" cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh 200.000 USD, đưa cựu Thứ trưởng Phạm Công Tạc 50.000 USD. Tuy nhiên, khi Hội đồng xét xử hỏi lại, ông Phạm Công Tạc khai chỉ nhận 100 triệu đồng, Phan Quốc Việt trình bày: "Bị cáo đưa tiền cảm ơn nhiều người nên có thể không nhớ".

Đối với CDC Hải Dương, Việt khai quá trình bán kit xét nghiệm đã đưa Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) 27 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử chất vấn lý do Việt chuyển khoản vào tài khoản cá nhân của Phạm Duy Tuyến chứ không phải CDC Hải Dương, Phan Quốc Việt khai nhận "bị cáo hiểu hối lộ là sai nhưng chia sẻ lợi nhuận là không sai, nếu biết sai bị cáo không chuyển khoản".

Nguồn: VTC News, TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận