Vụ án cô giáo Lê Thị Dung: Quy chế chi tiêu nội bộ ở trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện thế nào?

Ly Hương
16:10 - 10/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên do cô giáo Lê Thị Dung làm Giám đốc đã được xây dựng, phê duyệt và ban hành đúng pháp luật.

Một trong những cơ sở quan trọng nhất để Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An buộc tội cô giáo Lê Thị Dung "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là giáo viên này đã không gửi quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị cho Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phê duyệt. 

Vụ án cô giáo Lê Thị Dung: Quy chế chi tiêu nội bộ ở trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan điều tra thi hành lệnh khám xét phòng làm việc cô giáo Lê Thị Dung. Ảnh: Công an Nghệ An

Cô giáo Lê Thị Dung đã phủ nhận cáo buộc này vì cho rằng không cần phải gửi cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Yêu cầu nào về việc phải gửi Quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo?

Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV quy định như sau:

Điều 7. Phân cấp quản lý

1. Ủy ban Nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên theo thẩm quyền.

Chia sẻ về quy chế chi tiêu nội bộ ở trường học, nhà giáo L.T.T., nguyên giáo viên bậc trung học phổ thông ở tỉnh Bình Phước bình luận:

"Theo quy định của Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV chỉ dẫn, rõ ràng, cơ quan quản lý trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là Ủy ban Nhân dân cấp huyện. Còn Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ quản lý về chuyên môn. 

Vì vậy, việc cô giáo Lê Thị Dung chỉ gửi quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình cho Kho bạc Nhà nước cấp huyện và Phòng Tài chính huyện mà không gửi cho Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đúng pháp luật. Cũng có nghĩa là không thể buộc tội cô giáo Lê Thị Dung là "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" được, thầy giáo L.T.T. nêu quan điểm.

Bàn thêm về bản án của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) buộc tội cô giáo Lê Thị Dung, để bảo vệ quan điểm buộc tội của mình, Tòa lập luận rằng, vì trong các năm mà bị cáo Lê Thị Dung đạt thành tích xuất sắc thì đều được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua, nên kết luận rằng không gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo là vi phạm pháp luật!

"Lý lẽ của phiên tòa không thuyết phục. Giáo viên đạt thành tích về chuyên môn thì đương nhiên phải do Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng, chứ chẳng lẽ lại do phòng Tài chính và Kho bạc cấp huyện khen thưởng?", thầy giáo L.T.T. đặt vấn đề.

Như vậy, theo thầy giáo L.T.T., cũng có thể nhận định rằng, quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên do cô giáo Lê Thị Dung làm giám đốc đã được xây dựng, phê duyệt và ban hành đúng pháp luật.

Việc Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên căn cứ vào việc cô giáo Lê Thị Dung không gửi quy chế này cho Sở Giáo dục và Đào tạo phê duyệt là "lợi dụng chức vụ quyền hạn" trở thành một căn cứ sai. Tức là, không còn mang nghĩa "lợi dụng" nữa nhưng vẫn ấn định là "lợi dụng". 

Thêm nữa, các Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Công văn 6120/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ Giáo dục và Đào tạo vốn không phải là văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, kế toán. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng không phải là cơ quan quản lý về vấn đề này, nên việc yêu cầu phải gửi quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục và Đào tạo là không dựa trên căn cứ nào cả. 

Quy chế chi tiêu nội bộ ở trung tâm giáo dục thường xuyên hiện nay được thực hiện thế nào?

Trung tâm Giáo dục thường xuyên là một đơn vị sự nghiệp công lập có thu, tức là có thể hoạt động với tính chất như một doanh nghiệp. Với đơn vị kiểu này, tiền vào gồm 2 nguồn: là ngân sách rót về hàng năm theo định mức (dùng để chi trả lương và các hoạt động "xương sống" của một cơ quan Nhà nước) và tiền thu được từ các hoạt động chức năng của đơn vị. 

Riêng tiền ngân sách thì là khoản cố định, rót về định kỳ để chi lương cán bộ, nhân viên không bao giờ có dư thừa để mà "chi tiêu nội bộ". Chỉ còn món tiền thứ 2 - khoản thu về từ các chức năng khác trong hoạt động giáo dục thường xuyên mới cần một "quy chế" nội bộ để phân bổ nó.

Cái quy chế chi tiêu nội bộ này, vì thế trước hết là một thỏa ước của các thành viên trong nội bộ các trung tâm giáo dục thường xuyên về việc phân bổ vào các hoạt động khác nội bộ và chia sẻ lợi nhuận cho cán bộ nhân viên trung tâm nếu "làm ăn có lãi". 

Đây là lý do trả lời cho câu hỏi vì sao quy chế chi tiêu nội bộ lại cần được cả tập thể cùng nhau xây dựng, thống nhất, thông qua (bằng hội nghị viên chức hằng năm).

Trên thực tế, phần lớn các Trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động bết bát do tuyển sinh không đủ, không có liên kết đào tạo - dạy nghề, và chẳng có các hoạt động khác "làm ra tiền" sinh lợi nhuận nên dù vẫn luôn phải có quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định, nhưng làm gì có tiền để mà chi tiêu!

Vì sao công chúng chờ đợi phiên phúc thẩm vụ án cô giáo Lê Thị Dung?

Trong vụ án cô giáo Lê Thị Dung, phải thấy rằng Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên "làm ăn" hiệu quả cho nên tất cả các thành viên trong Trung tâm đều được chia sẻ thành quả lao động ấy. Việc hưởng lợi từ quy chế chi tiêu nội bộ cho toàn thể cán bộ nhân viên chứ không riêng cô Dung.

Trước đó, cô giáo Lê Thị Dung từng bị tố cáo tuyển sinh vượt chỉ tiêu và chính giáo viên này bị huyện Hưng nguyên kỷ luật. Cô đã khiếu nại, và cả Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khi đó cũng thừa nhận rằng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên mà tuyển sinh vượt chỉ tiêu được là "rất tốt". Tức là đáng được khen thưởng. 

"Quy chế chi tiêu nội bộ của một đơn vị sự nghiệp có thu (hoạt động như doanh nghiệp) như Trung tâm Giáo dục thường xuyên thì trước hết đó là câu chuyện của nội bộ liên quan đến các thành viên trong đơn vị. Cho nên, nếu có "chi tiêu sai" thì chỉ cần các thành viên ấy đề nghị cân đối lại bằng một cuộc họp/hội nghị cán bộ-viên chức, rồi ra một quy chế mới, chứ không phải là hình sự hóa nó như cách mà huyện Hưng Nguyên đang làm" - nhà giáo thầy giáo L.T.T. phân tích.

Theo nhận thức pháp luật và chuyên môn giáo dục của thầy giáo L.T.T., câu chuyện của cô giáo Lê Thị Dung và Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hưng Nguyên chỉ là một vấn đề hành chính hết sức thông thường và hoàn toàn có thể giải quyết được bằng một cuộc họp nội bộ. 

Tuy nhiên, thực tế sự việc đã trở thành vụ án hình sự đi tới mức án 5 năm tù dành cho cô giáo Lê Thị Dung với cáo buộc "chi sai" 45 triệu đồng với cơ sở buộc tội "lợi dụng chức vụ - quyền hạn" vốn đã mất giá trị. Dư luận hiện đang cho rằng, đằng sau vụ việc đẩy lên thành án hình sự, có nhiều uẩn khúc mà trực tiếp ảnh hưởng là một nhà giáo lâu năm trong nghề như cô giáo Lê Thị Dung và cả đội ngũ giáo viên đang theo đuổi nghề. 

"Cá nhân tôi cho rằng, cô giáo Lê Thị Dung cần được "thay đổi biện pháp ngăn chặn" (thả tự do), để đợi một phiên phúc thẩm nhìn lại vấn đề một cách chính xác, thấu tình đạt lý hơn. Đó mới là bản án đúng pháp luật và hợp lòng dân cả nước, đáp ứng mong đợi của đội ngũ giáo viên", thầy giáo L.T.T. nêu ý kiến.