VNG biến động nhân sự, thay người ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị

PV
20:22 - 25/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ông Lê Hồng Minh sẽ thôi giữ vai trò Tổng giám đốc và trở lại làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm đại diện pháp luật của VNG.

VNG biến động nhân sự, thay người ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị- Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Minh sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện pháp luật của VNG. Ảnh: VNG

Ông Lê Hồng Minh trở lại vị trí Chủ tịch VNG 

Ngày 25/11, Công ty cổ phần VNG (VNG) thông báo về việc ông Võ Sỹ Nhân đã chính thức từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNG từ ngày 22/11/2024 theo nguyện vọng cá nhân.

Ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập VNG, sẽ kế nhiệm vị trí này và đảm nhiệm vai trò người đại diện pháp luật của công ty.

Đồng thời, nhằm tuân thủ quy định hiện hành đối với công ty đại chúng, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VNG cũng đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lê Hồng Minh. 

Trước đó, ông Võ Sỹ Nhân được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG từ tháng 12/2022. Ông hiện đang là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành quỹ GAW NP Capital.

Ông Lê Hồng Minh sáng lập Vinagame (tiền thân của VNG) vào năm 2004. Ông từng được vinh danh là một trong 10 nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất đến Internet Việt Nam (2007-2017).

Tình hình hoạt động của VNG

Thành lập năm 2004, VNG sở hữu hệ sinh thái kĩ thuật số hàng đầu tại Việt Nam, với danh mục sản phẩm dịch vụ đa dạng thuộc 4 nhóm chính: Trò chơi trực tuyến, Zalo, Zalopay và Doanh nghiệp số. Hiện nay, VNG có gần 3.600 nhân viên đang làm việc tại 11 thành phố trên toàn cầu.

Quý 3 năm 2024, VNG tiếp tục lỗ sau thuế 11 tỉ đồng nhưng giảm mạnh so với con số 649 tỉ đồng ở cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, VNG ghi nhận lợi nhuận gộp tăng hơn 450 tỉ đồng (tăng hơn 90% so với cùng kỳ) và chi phí bán hàng giảm gần 215 tỉ đồng (giảm gần 30% so với cùng kỳ). Như vậy, quý 3 vừa qua là quý thứ 12 liên tiếp VNG báo lỗ.

9 tháng đầu năm 2024, VNG ghi nhận doanh thu lũy kế đạt 6.982 tỉ đồng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau điều chỉnh đạt 202 tỉ đồng, đóng góp ngân sách Nhà nước hơn 700 tỉ đồng. Thua lỗ trong công ty liên kết gần 76 tỉ đồng, lợi nhuận khác báo lỗ 31 tỉ đồng. VNG báo lỗ sau thuế gần 597 tỉ đồng.

Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của VNG là 10.441 tỉ đồng, tăng gần 9% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 4.628 tỉ đồng, giảm gần 16%, chủ yếu đến từ việc tiền và các khoản tương đương tiền giảm hơn 20%, xuống 3.054 tỉ đồng, tương ứng giảm gần 800 tỉ đồng.

Nợ phải trả của VNG là 8.687 tỉ đồng, tăng gần 2.000 tỉ đồng. Nợ ngắn hạn là 6.166 tỉ đồng, tăng 15%. Trong đó, nợ và nợ thuê tài chính là 2.228 tỉ đồng.

Dù trải qua 12 quý liên tục thua lỗ nhưng thị giá cổ phiếu VNZ chốt phiên giao dịch ngày 25/11 ở mức 369.000 đồng/cổ phiếu. Hồi đầu tháng, thị giá cổ phiếu của VNG ghi nhận giao dịch quanh mức 401.500 đồng/cổ phiếu, cao nhất sàn chứng khoán. Giá kỷ lục của VNG ghi nhận từng đạt được mức 1.434.700 đồng/cổ phiếu.

Công ty cũng ghi nhận hiệu quả tốt từ các dịch vụ giá trị gia tăng và sản phẩm AI, đồng thời tăng trưởng doanh thu tích cực từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và các thị trường quốc tế.

VNG từng có kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán quốc tế. Cuối tháng 8/2023, công ty này nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), dự kiến chào bán ra công chúng cổ phiếu phổ thông loại A trên Nasdaq Global Select Market. Tuy nhiên, đầu năm nay, VNG quyết định chưa chào bán cổ phiếu ra công chúng, xin SEC rút hồ sơ IPO.

Bình luận của bạn

Bình luận