VN-Index giảm gần 32 điểm, thận trọng mua vào

Trần Quân
18:30 - 07/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước bối cảnh thanh khoản vẫn giảm sâu dù thị trường phát tín hiệu tích cực, chuyên gia khuyên nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế mở mua trên diện rộng và cần hành động theo hướng phòng thủ.

Chứng khoán tăng điểm, thanh khoản vẫn "rơi tự do"

Ngày 6/7 có lẽ là ngày giao dịch khiến các nhà đầu tư chứng khoán Việt đau đầu nhất thời gian qua khi sàn chứng khoán chốt phiên trong sắc đỏ. VN-Index giảm gần 32 điểm, chốt phiên tại 1.149,61 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất trong vòng hai tuần qua khi chỉ số này về mốc giá hồi tháng 2/2021.

Hàng loạt cổ phiếu có vốn hóa lớn như GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), VIC (Vingroup), VRE (Vincom Retail), DGC (Hóa chất Đức Giang), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam)... đứng trước áp lực bán gia tăng khiến chỉ số chứng khoán của sàn Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) lao dốc. 

Bên cạnh đó, trước cuộc bán tháo ồ ạt của các nhà đầu tư, giá hàng loạt cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), HDB (HDBank), BID (BIDV), CTG (Vetinbank), EIB (Eximbank)... cũng "rơi tự do".

Phòng thủ trước rủi ro từ thị trường chứng khoán  - Ảnh 1.

Thanh khoản sụt giảm mạnh trước những diễn biến bất ổn của thị trường chứng khoán. Ảnh: VNdirect

Sang đến chiều 7/7, tại thời điểm chốt phiên, VN-Index tăng gần 17 điểm lên mức 1,166.48. 250 mã cổ phiếu tăng, trong khi khoảng 180 mã giảm. 

Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy không xuất hiện như dự đoán. Thậm chí, thanh khoản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng qua, bất chấp việc các chỉ số có dấu hiệu cải thiện. 

Cụ thể, nếu chốt phiên hôm qua, thanh khoản thị trường đã giảm tới gần 1.300 tỉ đồng xuống chỉ còn xấp xỉ 12.570 tỉ đồng, thì hôm nay dòng tiền còn hao hụt nhiều hơn khi đã "bốc hơi" gần 3.500 tỉ đồng so với hôm qua.

Trên sàn HoSE hôm nay ghi nhận hơn 411 triệu cổ phiếu được bán với tổng giá trị giao dịch chưa đến 9.100 tỉ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh chiếm 7.800 tỉ đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020 (trước giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ và dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh).

Còn trên sàn chứng khoán Hà Nội, tình cảnh còn bi đát hơn khi tổng thanh khoản chưa đến 1.400 tỉ đồng.

Dòng tiền vẫn đổ chủ yếu vào cổ phiếu lĩnh vực tài chính (ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) với gần 2.500 tỉ đồng. Trong khi đó, dòng tiền tại các nhóm cổ phiếu trụ khác như bất động sản, công nghiệp, nguyên vật liệu đều sụt giả mạnh chỉ còn 700 - 1.000 tỉ đồng, tương đương giá trị giao dịch của một mã đứng đầu sàn cách đây ba tháng.

Động lực chính của thị trường chứng khoán hôm nay có lẽ chỉ dựa vào dòng tiền đến từ khối ngoại. Trái ngược với 4 phiên bán tháo những ngày trước, nhà đầu tư nước ngoài dường như đã trở lại gom hàng. Giá trị giải ngân đạt trên 1.100 tỉ đồng, trong khi bán ra chỉ 620 tỉ đồng. VNM, FPT và VHM là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất.

Tâm lý e dè bao trùm thị trường 

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến khó lường, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng, hạn chế mở mua trên diện rộng và cần hành động theo hướng phòng thủ trước rủi ro.

Theo các nhà phân tích của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, không chỉ Việt Nam, mà thị trường chứng khoán toàn cầu cũng đang rất bất ổn do chịu ảnh hưởng do gánh nặng từ nỗi lo lạm phát đình trệ toàn cầu, rủi ro tăng trưởng trì trệ, lạm phát cao, và lãi suất được kỳ vọng tăng trong thời gian tới.

Thanh khoản thấp trong một thời gian dài đã phần nào phản ánh tâm lý e dè của các nhà đầu tư. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đáng đối mặt với các vấn đề và rủi ro, cùng với việc điều tra vi phạm thao túng thị trường chứng khoán trong nước và Chính phủ bắt đầu siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ tháng 4, tâm lý của các nhà đầu tư cũng dễ hiểu. 

Dự báo về thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay, chuyên gia từ Mirae Asset dự đoán kịch bản xấu là VN-Index sẽ tiếp tục giảm điểm do tâm lý e ngại rủi ro và tìm thấy ngưỡng hỗ trợ mạnh ở mức 1.060 điểm. Kịch bản cơ sở  là VN-Index đã tìm thấy mức thấp nhất trong năm là 1.156 điểm và tăng trở lại mốc 1.300 điểm. Còn tích cực hơn cả, VN-Index có thể lấy lại mốc 1.530 điểm.

Bên cạnh đó, trong nỗ lực cải thiện thanh khoản của các cơ quan điều hành, vừa qua, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam thông tin đang tiến lấy ý kiến về dự thảo rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán. Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định việc này đã thể hiện nỗ lực cải thiện dòng tiền. Nhưng trong ngắn hạn, khó có thể đánh giá được hiệu quả của dự thảo này.


Nguồn: Tổng hợp