StockX và hàng loạt chiêu trò lừa đảo trên thị trường chứng khoán

18:17 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Với những lời hứa hẹn lãi suất 200%, thậm chí 600%, nhiều nạn nhân đã "sập bẫy" lừa đảo của ứng dụng StockX. Tuy nhiên, đây không phải là chiêu thức lừa đảo duy nhất trên thị trường chứng khoán.

Mới đây, VTV đã phản ánh câu chuyện về ứng dụng StockX kêu gọi người tham gia đầu tư chứng khoán, dù không hề được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực này. 

Thủ đoạn của ứng dụng này thường là các môi giới của StockX sẽ mời gọi người chơi chứng khoán thông qua các nhóm Zalo, Telegram. Chúng hứa hẹn cho phép nhà đầu tư giao dịch T+0, nghĩa là mua bán trong ngày, hay được mua cổ phiếu với giá ưu đãi thấp hơn thị trường, lợi nhuận cao tới hàng trăm %/năm.

Cụ thể, theo thông tin từ một nạn nhân của StockX, vì thua lỗ nặng, anh liều chuyển 250 triệu đồng sang đầu tư chứng khoán tại StockX mong gỡ gạc. Anh được tư vấn hứa hẹn lãi "tối thiểu là 200%, có thể 600% hoặc hơn nữa". 

Tuy nhiên, khi anh muốn rút tiền, ứng dụng lại không cho rút. Lliên hệ với các môi giới của ứng dụng StockX, nạn nhân được yêu cầu nạp thêm 20% tiền phí thì mới rút được tiền.

Lần mò lại hợp đồng nhượng cổ phiếu được môi giới ứng dụng StockX gửi cho trước đây, tên bên chuyển nhượng là Công ty TNHH Sequoia hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học, không có liên quan gì đến lĩnh vực chứng khoán.

Đến lúc này, nạn nhân mới phát giác mình bị lừa. Nhưng theo các chuyên gia, sẽ rất khó để họ có thể lấy lại được tiền, khi không rõ ai là chủ của ứng dụng.

StockX và hàng loạt chiêu trò lừa đảo trên thị trường chứng khoán - Ảnh 1.

Nhiều nhà đầu tư mất hàng trăm, thậm chí đến hàng tỉ đồng vì tham gia ứng dụng StockX.

Thực tế, với các nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên sàn chứng hoán, những dấu hiệu bất thường của StockX không khó để nhận ra. Tuy nhiên, không ít người vẫn vì những lời dụ dỗ lãi suất khủng, suy nghĩ có thể làm giàu nhanh chóng "che mờ mắt" và bị mất tiền oan.

Lợi dụng tâm lý trên, môi giới của ứng dụng StockX vẫn hàng ngày hoành hành trên khắp Zalo, Telegram nhằm lôi kéo thêm các nạn nhân mới. Trong khi các nạn nhân cũ không lấy lại được tiền, chỉ còn cách gửi đơn lên cơ quan chức năng.

Bên cạnh StockX, trên thị trường chứng khoán hai năm trở lại đây đã xuất hiện rất nhiều chiêu thức lừa đảo. Nhiều công ty chứng khoán như FPTS, TVSI, HSC, VND… đều từng lên tiếng cảnh báo khách hàng về tình trạng một số đối tượng mạo danh công ty chứng khoán để lừa đảo.

Chiêu thức chung là hướng dẫn khách hàng tải các phần mềm giao dịch, nộp tiền vào tài khoản cá nhân, tham gia trò chơi. Khi khách hàng tham gia nhiều hơn, với số tiền lớn hơn, các đối tượng sẽ xóa liên hệ, cắt đứt liên lạc.

Các đối tượng còn giả mạo con dấu và tên người đứng đầu để ký kết hợp đồng ủy thác giao dịch tiền ảo, yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân, tổ chức. 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến cáo các nhà đầu tư cần cẩn trọng, cân nhắc khi tham gia vào các hội nhóm trên các không gian mạng xã hội, tránh bị lôi kéo, dẫn dắt dẫn tới thiệt hại không đáng có.

Trước khi giao dịch, nhà đầu tư nên tìm hiểu, kiểm chứng thật kỹ lưỡng thông tin dựa trên các kênh chính thống của các cơ quan chức năng, từ các đơn vị có chức năng tư vấn, môi giới chứng khoán được cơ quan quản lý cấp phép.

Nguồn: PV (Tổng hợp)