Đề Văn khảo sát tỉnh Vĩnh Phúc: "giá trị của thất bại" giúp bạn trẻ cơ hội biết nhìn lại

Ly Hương
17:44 - 18/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội đề Ngữ văn khảo sát kiến thức chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh bàn về giá trị của thất bại.

Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc vừa tổ chức khảo sát kiến thức chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, trong đó có môn Ngữ văn. Nội dung đề khảo sát gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn, thời gian làm bài 120 phút. Cấu trúc đề Ngữ văn bám sát theo cấu trúc thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đáng chú ý là Đề thi Ngữ văn gợi mở một vấn đề khó: giá trị của thất bại trong đời người. 

Vĩnh Phúc: Đề Văn khảo sát đề cập giá trị của thất bại - Ảnh 1.

Câu nghị luận xã hội đề Ngữ văn khảo sát kiến thức chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 của tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu học sinh bàn về giá trị của thất bại.

Thành công quá sớm sẽ không biết kinh nghiệm của thất bại?

Phần Đọc hiểu của Đề thi Ngữ văn như sau:

"Công việc diễn ra suôn sẻ trước mắt có thể là một điều tốt, tuy nhiên, nó cũng khiến chúng ta không biết trân quý và xem nhẹ cuộc đời quá mức. Trong vũ trụ bao la không giới hạn này, Trái Đất chỉ nhỏ như một hạt bụi và những con người sinh sống trên đó cũng chỉ là những sinh thể vô cùng nhỏ bé. 

Chúng ta sinh ra đã được cha mẹ chăm lo cho từ tấm bé, lớn lên lại được chỉ bảo và học hỏi từ thầy cô và bạn bè. Ta cho rằng việc mình được ăn, mặc, ngủ nghỉ là lẽ đương nhiên, nhưng thực ra đó là nhờ vào sự vất vả của những người xung quanh. Nếu bạn dễ dàng giải quyết được mọi chuyện mà không gặp bất cứ khó khăn nào, bạn sẽ dễ nhầm tưởng rằng bạn làm được như vậy là nhờ bản thân tài giỏi. 

Tuy nhiên, nếu bạn phải đương đầu rồi cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình đi tới thành quả, thì bạn sẽ biết quý trọng giá trị của thành công. Bạn sẽ có được lòng biết ơn với những sự giúp đỡ và các mối quan hệ đã hỗ trợ bạn trong quá trình đó.

Trình Di - một triết gia Trung Quốc thời kì nhà Tống, đã nói rằng ''Thiếu niên đăng khoa nhất bất hạnh dã'', nghĩa là tuổi trẻ mà đỗ đạt cao là điều bất hạnh thứ nhất. Nếu thành công khi còn quá trẻ, bạn sẽ không có nhiều kinh nghiệm về sự thất bại. Bạn sẽ trở nên tự tin thái quá vào năng lực của bản thân hoặc chỉ trông chờ vào may mắn, để rồi sa vào tự mãn".

(Doyeon, Lê Kiều Trang dịch, "Đứng vững trong đơn độc", NXB Thanh niên, 2022, tr.34-35)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta "thành công khi còn quá trẻ"?

Câu 3. Anh/chị suy nghĩ như thế nào về nội dung của những câu văn sau: "Chúng ta sinh ra đã được cha mẹ chăm lo cho từ tấm bé, lớn lên lại được chỉ bảo và học hỏi từ thầy cô và bạn bè. Ta cho rằng việc mình được ăn, mặc, ngủ nghỉ là lẽ đương nhiên, nhưng thực ra đó là nhờ vào sự vất vả của những người xung quanh"?

Câu 4. Nhận xét những suy nghĩ của tác giả về ý nghĩa của việc "đương đầu rồi cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách trong quá trình đi tới thành quả".

Làm văn: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về giá trị của thất bại.

Gợi ý suy nghĩ về giá trị của thất bại

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính là nghị luận.

Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả cho rằng điều sẽ xảy ra nếu chúng ta "thành công khi còn quá trẻ" là: không có nhiều kinh nghiệm về sự thất bại; trở nên tự tin thái quá vào năng lực của bản thân hoặc chỉ trông chờ vào may mắn, để rồi sa vào tự mãn.

Câu 3. Hai câu văn khẳng định trong cuộc sống và quá trình trưởng thành của mỗi con người, chúng ta luôn nhận được sự chăm lo, chỉ bảo của cha mẹ, thầy cô, được học hỏi từ bạn bè; những nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ trong cuộc sống hàng ngày được đáp ứng một phần là nhờ vào sự vất vả của những người xung quanh.

Hai câu văn nói lên một sự thật hiển nhiên nhưng nhiều khi chúng ta vô tình không nhận ra hoặc không bận tâm đến. Từ đó, nhắc nhở mỗi người phải luôn ghi nhận, trân trọng những sự quan tâm, giúp đỡ, hy sinh mà những người xung quanh dành cho mình.

Câu 4. Những suy ngẫm của tác giả: Trong quá trình đi tới thành quả, nếu dám đương đầu và vượt qua được những khó khăn, thử thách thì chúng ta sẽ biết trân trọng hơn những thành công mà mình đạt được, biết tri ân những sự giúp đỡ, hỗ trợ từ những người xung quanh.

Nhận xét những suy ngẫm của tác giả. Có thể theo hướng: Đây là những suy nghĩ đúng đắn và có phần mới mẻ, có giá trị gợi mở những suy nghĩ sâu sắc của mỗi người về con đường đi tới thành quả.

Câu nghị luận xã hội: Thất bại là không đạt được kết quả, mục đích như dự định. (Hoặc không giành được phần thắng, phải chịu thua đối phương).

Giá trị của thất bại: Là cơ hội để mỗi người nhìn nhận lại chính mình, đánh giá về hiểu biết, năng lực, ưu - nhược điểm của bản thân, xem xét lại phương hướng, cách thức và những hành trang cần thiết để đi tới thành công.

Là cơ hội để tôi luyện thêm ý chí, bản lĩnh, tích luỹ kinh nghiệm, bồi đắp kĩ năng, là bước đệm để đạt tới những kết quả tốt đẹp sau này. Là cơ hội để chúng ta cảm nhận, đánh giá, biết trân trọng nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống như sự quan tâm, động viên, giúp đỡ của những người xung quanh hay ý nghĩa thực sự của thành công.

Bình luận của bạn

Bình luận