Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết)

Minh Xuân
06:03 - 20/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trong bài trước, chúng ta đã biết người Dao là một bộ phận chính của nhà Thương Ân, có nguồn gốc từ thời Đế Cao Tân. Sang thời Chu, vùng đất quanh trung lưu sông Trường Giang là nước Sở nên đây cũng là đất nước của người Dao vào thời này. Các vua Sở mang họ Hùng, mà trong tiếng Dao nghĩa là Vương.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 1.

Dụng cụ của thầy cúng người Dao có ghi Thiên phủ, Địa phủ, Dương phủ, Thủy phủ.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 2.

Hổ đồng thời Ân Thương.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 3.

Lôi đồng thời Thương Chu ở Lào Cai.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 4.

Tranh Tam Quan của người Dao.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 5.

Tranh thờ Tam Thanh phối Tam Từ của người Dao.

Văn hóa Dao và nhà Thương Ân

Trúc thư kỷ niên cho biết, năm thứ 32 đời vua Vũ Đinh nhà Ân "chinh phạt người Quỷ Phương, đóng trú ở đất Kinh". Sự kiện Ân Cao Tông phạt nước Quỷ Phương, nhưng lại đóng quân ở đất Kinh Sở tại Hồ Nam – Hồ Bắc cho thấy vùng đất này nằm trong đất của nhà Ân. Có thể nói, đất Kinh vốn là địa bàn gốc của nhà Thương từ vua Thành Thang, trước khi Bàn Canh thiên di lên phía Bắc lập Ân.

Nước Quỷ Phương hay Cửu Phương, nghĩa là nước nằm về phía Tây lãnh thổ nhà Ân Thương. Cửu là số 9, chỉ hướng Tây của Hà thư. Nước Quỷ Phương là khu vực Tứ Xuyên, ứng với nền văn hóa Tam Tinh Đôi của thời kỳ này. Chỉ có vùng Tứ Xuyên với nền văn minh Kim Sa rực rỡ giàu có từ hơn 1.000 năm trước Công nguyên mới có thể khiến Cao Tông nhà Ân Thương khổ cực suốt 3 năm trời mới chiếm được.

Đặc trưng của các đồ đồng đúc dưới thời Ân Thương là những hình vẽ các loài vật đầy thần bí, như hình con Quỳ (rồng một chân), hình chim Cú, Ve sầu, mặt Thao thiết. Một chiếc bình đồng có niên đại quãng thời đầu Tây Chu được phát hiện ở thành phố Lào Cai, trên đó trang trí bởi biểu tượng Ve sầu như gặp trên đồ đồng thời Thương. Lào Cai cũng là địa bàn sinh sống của nhiều người Dao với văn hóa Dao đậm nét, nhất là văn hóa tín ngưỡng. Cách thực hành các nghi thức tế lễ của người Dao luôn toát lên vẻ thần bí của một nền văn hóa lâu đời từ quá khứ.

Năm 1989 tại thị trấn Đại Dương Châu, huyện Tân Can, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã phát hiện một ngôi mộ cổ thời Thương với số hiện vật tìm thấy lên đến hơn 1.500 đồ vật. Điều đáng ngạc nhiên là bởi các đồ vật thời Thương sớm lại tìm thấy ở một địa điểm ở phía Nam sông Dương Tử. Đây là bằng chứng khảo cổ cho việc xác định nhà Thương vốn ban đầu xuất phát từ phía Nam sông Trường Giang.

Trong số 480 món đồ đồng tìm thấy ở Đại Dương Châu có một đồ vật được xếp hạng là quốc bảo của Trung Quốc, đó là con hổ đồng hai đuôi. Con hổ đồng được chế tác tinh xảo, toàn thân hổ được trang trí bởi hoa văn uốn cuộn như rồng. Trên lưng hổ có hình một con chim nhỏ đang ngồi một cách yên bình. Con "long hổ" hai đuôi này như gợi nhắc tới truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao.

Thời nhà Thương, chữ tượng hình bắt đầu trở nên phổ biến, hình thành một thể chữ khá chín muồi mà nay gọi là Giáp Cốt văn, do chúng thường được khắc trên yếm rùa và xương động vật. Giáp cốt văn tự được coi là khởi nguồn của các loại chữ tượng hình Trung Hoa sau này. Người Dao cũng có tục cúng Rùa với nghi lễ diễn xướng trang trọng trong các dịp lễ tết. Về chữ viết, cho tới nay người Dao là dân tộc vẫn sử dụng chữ Nho, cho dù nó được gọi là chữ "Nôm Dao", bởi có tới hơn 85% chữ Dao đồng nhất hoàn toàn với chữ Nho. Các sách cúng, sách bói, lịch, sớ… của người Dao đều được ghi bằng chữ Nho một cách nguyên sơ nhưng thuần thục. Chắc chắn người Dao là một trong những bộ phận dân tộc chính đã làm nên chữ viết tượng hình Trung Hoa.

Người Dao ăn Tết riêng theo lịch Dao, mà như Thanh Hóa gọi là ăn "Tết năm cùng". Tết này được bắt đầu vào cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng. Tương tự, người Mông cũng có tục ăn Tết Mông vào cùng thời gian đầu tháng 12 âm lịch. Tết Nguyên đán ngày nay lấy tháng Dần làm tháng Giêng, gọi là lịch Kiến Dần. Đây là lịch ban đầu của thời nhà Hạ, sau tới nhà Hán lấy lại và từ đó không thay đổi. Còn nhà Thương khi lập nên vương triều đã lấy tháng Sửu (trước tháng Dần 1 tháng) làm tháng Giêng. Tết của người Dao và người Mông vào đầu tháng 12 âm lịch cho thấy nhóm người Miêu Dao vốn dùng lịch Kiến Sửu của nhà Thương. Đây là một dẫn chứng nữa cho thấy người Dao là thành phần chính của dân nhà Thương Ân.

Người Dao có tín ngưỡng thờ Tam Nguyên. Tranh thờ Tam Nguyên, dùng trong lễ cấp sắc và các lễ hội của người Dao thể hiện các vị quan là Thượng Nguyên Thiên Quan tứ phúc cúng vào rằm tháng Giêng, Trung Nguyên Địa Quan xá tội cúng vào rằm tháng Bảy, Hạ Nguyên Thủy Quan giải ách cúng vào rằm tháng Mười. Khái niệm Tam Nguyên hay Tam Quan tương tự như tín ngưỡng Tam phủ của người Kinh. Trên chiếc chày gỗ là dụng cụ của các thầy cúng người Dao cũng có khắc hình các vị thần của Thiên phủ, Địa phủ, Thủy phủ và Dương phủ. Đặc biệt, vị vua của Địa phủ đã được Truyện Giếng Việt trong Lĩnh Nam chích quái ghi nhận là Ân Vương, người đã chết trong trận chiến với Thánh Dóng. Ngày rằm tháng 7 cúng Địa Quan Xá Tội Đại vương cũng là một ngày tiết lễ lớn trong năm của người Dao.

Truyền thuyết Bàn Vương của người Dao có đoạn cuối kể rằng Bàn Vương đi săn sơn dương, chẳng may bị sơn dương húc chết, người Dao vô cùng thương tiếc, làm lễ cúng tế Bàn Vương… Sự việc này là nói tới chuyện Ân Trụ Vương đi săn "con hươu" của thiên hạ không thành, đã nhảy vào ngọn lửa ở Lộc Đài tại kinh đô Triều Ca để tự kết thúc trong cuộc chiến giữa nhà Chu và vua Ân. Lộc là hươu, là sơn dương, cũng là Lục, nghĩa là đất đai hay Địa phủ.

Viết nên sử Dao (tiếp theo và hết) - Ảnh 6.

Các thầy cúng người Dao trong lễ hội Bàn Vương.

Múa Bắt Rùa của người Dao ở Hoàng Su Phì.

Hùng Vương nước Sở

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia chép: "Tổ tiên nước Sở xuất phát từ đế Chuyên Húc Cao Dương. Cao Dương là cháu nội của Hoàng Đế, con của Xương Ý. Cao Dương sinh ra Xứng, Xứng sinh ra Quyển Chương, Quyển Chương sinh Trùng Lê. Trùng Lê làm Hảo chính cho đế Cốc Cao Tân, rất có công, có thể chiếu sáng cho thiên hạ, đế Cốc ban cho danh hiệu Chúc Dung". Tổ tiên các vua nước Sở vốn bắt đầu dưới thời Đế Cao Tân, tương tự như truyền thuyết Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao và xuất xứ của vua Thành Thang nhà Thương Ân.

Sử ký Tư Mã Thiên, Sở thế gia kể tiếp: "Lục Chung sinh được 6 người con, đều do người phải bị nứt mổ mà sinh ra. Con trưởng là Côn Ngô; thứ hai là Sâm Hồ; thứ ba là Bành Tổ; thứ tư là Hội Nhâm; thứ năm là Tào Tính; thứ sáu là Quý Liên, họ Mị, hậu duệ của ông chính là nước Sở. Côn Ngô thị, thời nhà Hạ từng làm hầu bá, thời vua Kiệt bị Thành Thang diệt. Bành Tổ thị, thời nhà Ân từng làm hầu bá, cuối đời Ân, Bành Tổ thị bị diệt. Quý Liên sinh Phụ Tự, Phụ Tự sinh Huyệt Hùng. Con cháu nửa chừng suy vi, có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước Man di, không sao ghi chép được các đời".

Sự hình thành 6 người con hay 6 họ nước Sở từ Lục Chung cũng khá tương đồng với truyền thuyết 12 họ người Dao. Các họ này "có người ở vùng Trung nguyên, có người ở nước Man di". Điều này cũng rất khớp với sự kiện vua Bàn Canh dẫn một nửa số dân Thương vượt sông lập nên nhà Ân. Những người nhà Thương ở lại quanh khu vực sông Trường Giang rõ ràng sau đó thuộc về phạm vi nước Sở.

Sở thế gia cho biết: "Thời Chu Văn Vương, con cháu của Quý Liên là Chúc Hùng. Con của Chúc Hùng thờ Văn Vương, mất sớm. Con của Chúc Hùng là Hùng Lệ. Hùng Lệ sinh Hùng Cuồng. Hùng Cuồng sinh Hùng Dịch. Hùng Dịch vào thời Chu Thành Vương, Thành vương cất nhắc hậu duệ các bề tôi cần mẫn có công thời Văn Vương và Vũ Vương, rồi phong cho Hùng Dịch ở Sở Man, phong tặng ruộng đất cho con trai Hùng Dịch, lấy họ Mị, sống ở Đan Dương".

Người Sở còn gọi là Man. Còn người Dao cũng gọi là người Mán. Thậm chí có chỗ Bàn Vương được gọi là Hùng Vương, nên có những thông tin cho rằng người Dao cũng thờ Hùng Vương. Điều này càng khẳng định thêm nhận định rằng thành phần chính của nước Sở của Chúc Hùng là người Miêu Dao.

Tín ngưỡng người Dao mang màu sắc Đạo giáo một cách sâu sắc, chứng tỏ đây là tôn giáo gốc của dân tộc Dao. Cũng như Đạo giáo của Trung Hoa, trong hầu hết các lễ cúng người Dao đều phải có tranh thờ Tam Thanh, ba vị thần có quyền lực tối thượng cai quản ở 3 nơi, là Ngọc Thanh, Thượng Thanh và Thái Thanh. Ba vị này có khi được vẽ độc lập trong từng bức tranh, nhưng cũng có khi được vẽ chung với nhau, hoặc các vị này được vẽ hòa cùng với hàng loạt các vị thần linh khác.

Những thực hành cúng lễ, nhảy múa, hầu đồng của người Dao như trong các ngày Tết nhảy, lễ Bàn Vương, lễ cấp sắc... phảng phất một nguồn gốc tín ngưỡng đa thần như ở nước Sở, mà tới nay còn được biết qua tác phẩm Sở từ, phần Cửu ca của Khuất Nguyên.

Qua những so sánh trên, có thể nhận định rằng, dân tộc Dao vốn là thành phần chính của nhà Ân Thương. Cũng giống như người Việt thờ 18 đời Hùng Vương, tín ngưỡng Bàn Vương của người Dao nói đến nhiều thời đại các vị vua tổ của mình. Đó là ông Bàn Cổ khai thiên lập địa, là ông Tiết con của Cao Tân Thị thời Đế Nghiêu, là Thành Thang cầm búa lớn mở ra nhà Thương với 12 họ người Dao, là Bàn Canh quá sơn vượt Trường Giang lập Ân, là Ân Trụ Vương chết làm vua Địa phủ, là các vua Sở họ Hùng. Sự thiếu khuyết của truyền thuyết Việt cho giai đoạn mở nước về phía Đông Nam của Lạc triều từ Long Quân được bổ sung bằng truyền thuyết Bàn Vương của người Dao.

Bình luận của bạn

Bình luận