Công nhận lễ hội Khai Hạ và lịch Tre của người Mường là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Quỳnh Giang
14:44 - 28/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tri thức lịch Tre (lịch Đoi) và lễ hội Khai Hạ của người Mường ở Hòa Bình đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở Hòa Bình

Ngày 26/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra hai Quyết định số 1756/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 1757/QĐ-BVHTTDL về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho tỉnh Hòa Bình.

Tri thức lịch lịch Tre và lễ hội Khai Hạ của người Mường được công bố Danh mục văn di sản hóa phi vật thể quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng của người dân xứ Mường tỉnh Hòa Bình.

Lễ hội Khai Hạ ở Hòa Bình

Lễ hội Khai Hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình hay còn gọi là lễ hội Khuống mùa. Đây là lễ hội truyền thống có từ rất lâu đời và là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của người Mường Hòa Bình. Lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp lúa nước, mang nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ.

Lễ hội là hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình là Bi, Vang, Thàng, Động.

Lễ hội Khai Hạ mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công lập đất, lập Mường và cầu mong vạn vật phát triển thuận lợi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, điều tốt đẹp đến với người dân, xóm bản.

le hoi khai ha.jpg

Màn rước kiệu Hoàng Bà đến vui hội Khai hạ Mường Bi năm 2020. Ảnh: Báo Hòa Bình

Lịch Tre của người Mường

Lịch Đoi (hay còn gọi là lịch Tre) là bộ lịch cổ tri thức dân gian của người Mường. 

Người Mường đã quan sát sự vận động của mặt trăng, dựa vào đặc tính của trăng trong chu kỳ tháng, cũng như sự vận chuyển của sao Đoi, để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm và chế định ra 12 thẻ tre "còn gọi là lịch tre". 

Để chào đón sự kiện này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình sẽ tổ chức Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình-Thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022, vào ngày 30-31/7. Đây là chương trình nghệ thuật độc đáo có sự kết hợp yếu tố văn hóa truyền thống đặc sắc của tỉnh Hòa Bình với tính hiện đại.

Mỗi thẻ tre là một tháng, trong đó có số ngày trong tháng, ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, cưới vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong Mường.

Lịch Đoi được người Mường xưa đúc kết từ nhiều đời rồi truyền lại cho con cháu. Hiện nay, chủ yếu lịch Đoi chỉ các ông mo và số ít người cao tuổi trong các vùng xem được. Việc bảo tồn, tránh mai một và phát triển lịch Đoi luôn được coi là giá trị văn hóa vô cùng quý giá. Cần tuyên truyền, nghiên cứu để đưa vào thực tiễn, truyền dạy để áp dụng trong đời sống nhân dân của người Mường ở Hòa Bình...

Công nhận Lễ hội Khai Hạ và lịch Tre của người Mường là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Ảnh 3.

Ông Bùi Thanh Bình, nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc Mường,

giới thiệu bộ lịch Tre tại Bảo tàng tư nhân văn hóa Mường. Ảnh: Báo Nhân dân

Hơn 700 loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở Hòa Bình

Theo báo Hòa Bình, kết quả khảo sát việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình từ năm 2018 đến tháng 4/2022 do Ban Dân tộc (Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình) tiến hành trong quý I năm 2022, toàn tỉnh này có 786 di sản văn hóa phi vật thể. Bao gồm 10 loại hình tiếng nói, chữ viết, 154 ngữ văn dân gian, 171 nghệ thuật trình diễn dân gian, 113 tập quán xã hội, 26 nghề thủ công truyền thống, 268 tri thức dân gian. 

Trước đó, tỉnh Hòa Bình đã có 2 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là mo Mường và nghệ thuật chiêng Mường.

Tỉnh Hòa Bình hiện có 6 dân tộc chính sinh sống là: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông. Các dân tộc thiểu số chiếm trên 74% dân số tại đây. Mỗi dân tộc có những bản sắc riêng biệt, trong đời sống còn lưu giữ được những nét cơ bản về phong tục, tập quán tín ngưỡng. 

Di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc được lưu giữ khá đa dạng, phong phú như về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết, tri thức dân gian, trang phục... tạo nên sự đa văn hóa. 

Nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông, trình tấu chiêng Mường, múa Mường, dân ca dân vũ... được tổ chức, nhất là cho thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc trong nhân dân.

Ngày 11/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TU về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. 

Nguồn: Tổng hợp