Viết nên sử Dao (phần 1)
Tháng 9 năm 2018, tôi về dự lễ hội Bàn Vương ở xã Hồ Thầu trong tuần văn hóa du lịch "Qua miền di sản Ruộng bậc thang" trên vùng núi Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang.
Nhìn những họ người Dao hội tụ về đây bái lễ tổ tiên, trời đất trước những bức tranh thờ nhiều màu sắc vẽ hình các vị thần Đạo Giáo, những điệu múa của các thầy mo cùng với những cuốn sách cúng ghi bằng thứ chữ tượng hình Nôm Dao, tôi không khỏi băn khoăn: Vị Bàn Vương, thủy tổ của người Dao là ai? Các họ người Dao khởi nguồn từ đâu, có quan hệ thế nào với lịch sử người Việt?
- Bàn Cổ khai thiên lập địa
Người Dao là một tộc người đông đúc sinh sống ở Trung Quốc và Việt Nam. Địa bàn cư trú ban đầu của bà con ở vùng quanh hồ Động Đình ở trung lưu sông Trường Giang. Người Dao ở nhiều nơi có tín ngưỡng thờ Bàn Hồ hay ông Bàn Cổ, là người đã khai thiên lập địa ra trời đất và con người theo quan niệm của dân tộc Dao. Sách cúng người Dao nói là "Bàn Cổ xuất thế Trường Sa quốc". Trường Sa nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, là quê hương gốc của người Dao.
Truyền thuyết về Bàn Cổ sáng thế được ghi chép lại từ rất sớm trong Sơn Hải kinh, là cuốn sách cổ từ thời trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng thần thoại Bàn Cổ của Trung Hoa có xuất phát từ truyền thuyết Bàn Hồ của người Dao. Người Dao còn có những truyền thuyết về thần Phục Hy cùng với bà Nữ Oa đội đá vá trời, là những thần thoại tối cổ của Trung Hoa. Như vậy, những vị thủy tổ đầu tiên của dân tộc Dao cũng là thủy tổ của Trung Hoa. Vậy người Dao có liên hệ như thế nào với tộc người gốc của Trung Hoa cổ đại?
- Long Khuyển Bàn Hồ ngũ sắc thời Cao Tân thị
Tất cả dân tộc Dao đều tôn thờ Bàn Vương là thủy tổ của mình. Ghi chép sớm nhất về Bàn Vương người Dao là truyện Bàn Hồ trong Hậu Hán thư, như sau:
Ngày trước thời họ Cao Tân có giặc Khuyển Nhung, trong lúc Đế bị bệnh bèn xâm phạm, mà chinh phạt vẫn không khắc chế được. Bèn chiêu mộ hỏi khắp thiên hạ, người có thể lấy được đầu tướng Khuyển Nhung là Ngô tướng quân, sẽ ban cho ngàn dật vàng ròng, phong ấp vạn nhà, gả con gái cho. Vừa lúc đó Đế có con chó, lông năm sắc, tên gọi Bàn Hồ.
Sau khi lệnh ban xuống, Bàn Hồ đã tha được đầu người đến dưới cửa khuyết, quần thần kinh ngạc xem kỹ, thì chính là đầu của Ngô tướng quân. Đế rất mừng… đem con gái gả cho Bàn Hồ… Bàn Hồ được cô gái, cõng lên mà chạy vào Nam Sơn… Qua ba năm, sinh được mười hai người con, sáu nam sáu nữ… Con cháu của họ ngày càng sinh sôi… Ngày nay là họ người man ở Trường Sa, Vũ Lăng.
Một điểm hết sức đáng chú ý là Bàn Hồ được xác định xuất hiện ở thời Đế Cao Tân, là vị Đế thứ ba trong Ngũ đế Trung Hoa, sau Hoàng Đế và Đế Chuyên Húc. Theo truyện kể dân gian, thần tích và các truyện thơ Dao, đặc biệt là trong Quá sơn bảng văn, sách cổ của người Dao về nguồn gốc và sự di cư của dân tộc Dao, thì Bàn Hồ là con Long Khuyển được Bình Vương gả con gái và phong là Bàn Vương sau khi có công lớn giết được Cao Vương. Vợ chồng Bàn Hồ sinh được 12 người con (6 con trai, 6 con gái) đều được ông là Bình Vương ban sắc thành 12 họ là: Bàn, Lan, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu, như các họ của người Dao ngày nay.
So sánh với chính sử Trung Hoa, Trúc thư kỷ niên, cuốn Biên niên sử viết trên thẻ tre từ thời Chiến Quốc, chép: Cao Tân thị có người vợ tên là Giản Địch, vào tiết xuân phân, khi chim huyền điểu tới thì đang theo Đế đi làm lễ tế giao để cầu tự, bấy giờ cùng người em gái của mình tắm ở sông Huyền Khâu. Có con chim huyền điểu ngậm quả trứng mà đánh rơi, trứng ấy có năm màu rất đẹp, hai người tranh nhau đi lấy, rồi dùng giỏ ngọc úp lên. Giản Địch lấy được trứng trước, bèn nuốt vào bụng, thế rồi mang thai, sau đấy xẻ ngực mà sinh ra Tiết. Tiết lớn lên rồi làm chức Tư đồ cho vua Nghiêu, vì có công với dân mà được nhận phong ở đất Thương. Trải qua mười ba đời sinh ra Chủ Quý. Vợ của Chủ Quý tên là Phú Đô, nhìn thấy có luồng khí trắng vắt ngang mặt trăng trong lòng rung cảm, thế rồi sinh ra Thang vào ngày Ất, bởi thế mới có hiệu là Thiên Ất.
Truyền thuyết "huyền điểu sinh Thương" cho biết nhà Thương là dòng dõi từ Đế Cao Tân từ thời Đế Nghiêu, vợ là Giản Địch do nuốt trứng ngũ sắc của chim huyền điểu mà sinh ra ông Tiết. Dòng dõi 14 đời của ông Tiết là vua Thành Thang. Đối chiếu truyền thuyết của người Dao với truyền thuyết Trung Hoa có thể thấy người Dao có tổ tiên chính là ông Tiết, dòng dõi họ Cao Tân. Ông Tiết là tổ của nhà Thương, nên người Dao cũng là thành phần dân tộc gốc của nhà Thương, khởi dựng từ Thiên Ất Thành Thang.
Trúc thư kỷ niên chép về Thành Thang: Thang đi về phía Đông tới bên bờ sông Lạc, ngắm nhìn đàn tế của Đế Nghiêu, lại ném ngọc bích xuống sông, lùi ra phía sau mà đứng. Sau đấy một cặp cá màu vàng nhảy vọt lên, một con chim đen theo đó mà đậu xuống dưới đàn tế, hóa thành hắc ngọc. Lại có con rùa đen xuất hiện, trên lưng có hoa văn màu đỏ sắp thành chữ, nói là Hạ Kiệt vô đạo, Thành Thang sẽ thay thế hắn. Có vị thần Đào Ngột xuất hiện ở núi Bi. Có vị thần dắt theo con sói trắng, miệng ngậm cái móc, đi vào triều đình nhà Thương.
Những điềm báo Thành Thang làm thiên tử trong Trúc thư kỷ niên mô tả Ngũ sắc: cá vàng, chim đen, rùa mai đỏ, thần ở núi (xanh), sói trắng. Ngũ sắc là biểu tượng của Ngũ hành. Người có Ngũ sắc nghĩa là người nắm được Ngũ hành, hay nắm được thiên hạ. Con sói trong chuyện của Thành Thang cùng với Ngũ sắc cho thấy sự tương đồng với truyện Long Khuyển Bàn Hồ của người Dao. Vị Bàn Vương (Long Khuyển Bàn Hồ) đã diệt Cao Vương, lấy con gái của vua mà sinh ra 12 họ người Dao chính là Thành Thang, người đã diệt Hạ Kiệt, lên ngôi thiên tử của nhà Thương.
Ghi nhận khác của người Xá, là một tộc người rất gần với người Dao có thờ Bàn Hồ, kể rằng: Thời Đế Cao Tân, trong cung có một bà già tai to bị đau tai. Trăm chim vào chầu, quan ngự y cắt ra thì xuất hiện Long Khuyển. Đó là Kim Long giống tằm, nuôi được tám tháng, Kim Long thân dài 8 thước, cao 5 thước, toàn lông ngũ sắc, bèn ban hiệu là Bàn Hồ.
Trong truyền thuyết Việt có dòng theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá vùng đồng bằng ven biển ở phía Đông. Ban đầu đó là nhà Hạ Trung Hoa. Nhà Thương nối tiếp nhà Hạ, vẫn lấy Rồng làm biểu tượng, nhưng lại gọi là Long Khuyển. Khuyển hay Khang là tính chất của hướng Tây. Cẩu (chó) cũng là cửu, chỉ hướng Tây. Long Khuyển nghĩa là tộc người dòng Rồng ở phía Tây, bởi phần hướng Đông là nhà Hạ.
- Bàn Canh vượt Trường Giang
Người Dao tôn thờ Bàn Vương là tổ. Nhà Thương cũng có vị vua tổ là Bàn Canh, nổi tiếng bởi những cuộc thiên di liên tục, 5 lần dời đô, lập nên nhà Ân Thương, tức là nhà Thương thứ hai. Kinh Thư có 3 thiên Bàn Canh thượng, trung và hạ nói đến việc vua Bàn Canh dời đô. Các vua Thương dời đô nhiều lần đến mức… dân gian có cụm từ "lang thang", chỉ sự di cư bất định như các vị vua (lang) nhà Thương (thang).
Sách cúng người Dao còn kể: Vào năm Dần Mão, nạn hạn hán xảy ra, con cháu người Dao rơi vào cảnh thiếu đói, cơ cực nên phải thiên di vượt biển tìm nơi sinh sống. Với sự che chở của Bàn Cổ đại vương, 12 tộc họ người Dao vượt biển thành công. Để lưu truyền cho đời sau, họ đã viết sách "Quá Sơn Bảng Văn" kể lại quá trình thiên di đầy gian khổ, ca ngợi Bàn Vương.
Câu chuyện Bàn Vương đã qua núi, vượt bể này là như nhắc tới một cuộc thiên di của người Dao từ thời rất xa xưa. "Vượt bể" ở đây là vượt sông lớn, chứ người Dao vốn không sinh sống ở bên bờ đại dương để có thể vượt biển. Có thể thấy truyền thuyết Bàn Vương vượt bể của người Dao là nói đến vua Bàn Canh, người đã dẫn một bộ phận dân nhà Thương vượt qua sông Trường Giang, lập nên đất Ân ở vùng phía Bắc sông này.
Một trong những kinh đô của nhà Ân Thương được biết là di chỉ khảo cổ Bàn Long Thành, là một tòa thành đất trên một khu vực khai quật rộng tới 1 km2, nay ở tỉnh Hồ Bắc, ngay phía Bắc sông Dương Tử. Di chỉ có hàng trăm ngôi mộ cổ với nhiều hiện vật đồ đồng, đồ gốm, đồ ngọc có niên đại vào đầu và trung kỳ thời Ân Thương. Đây là dấu ấn rõ ràng nhất của sự kiện Bàn Canh dẫn dân Thương vượt hà. Long là từ chỉ vua nên Bàn Long Thành tức là thành của Bàn Vương.
Hậu Hán thư kể chú chó Bàn Hồ đi về Nam Sơn, sinh ra 6 người con trai và 6 người con gái, thành tổ tiên của 12 họ người Dao. Hướng Nam xưa nay là hướng Bắc nay, tượng bởi quẻ Cấn - núi. Số 6 là con số chỉ hướng Nam xưa (Bắc nay) trong Hà thư. Chi tiết Bàn Vương (hay Bàn Hồ) đã dẫn người Dao bơi 7 ngày bảy đêm trên đại dương để đến nơi ở mới cũng tương đồng với việc nhà Thương đã năm lần bảy lượt di cư.
Tín ngưỡng thờ Bàn Hồ của người Dao đã cho thấy bà con là một bộ phận người dân đã lập nên nhà Thương Ân, triều đại được truyền thuyết Việt xếp vào dòng những người con theo cha Lạc Long Quân xuống khai phá miền biển hướng Đông Nam xưa.
(Còn nữa)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google