Việt Nam sẽ kiểm tra và xử lý mạnh tay TikTok, nếu có sai phạm

Quang Minh
09:52 - 05/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Dự kiến tháng 5/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra toàn diện mạng xã hội TikTok. Mạng xã hội này có gần 50 triệu người dùng Việt Nam và gần đây xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…

Việt Nam sẽ kiểm tra và xử lý mạnh tay TikTok, nếu có sai phạm - Ảnh 1.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kiểm tra toàn diện mạng xã hội TikTok trong tháng 5/2023. Ảnh: PL

Xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian gần đây, trên mạng xã hội TikTok xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan…

Việc kiểm tra dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành từ tháng 5, nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của nền tảng này trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam.

Nếu phát hiện sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xử lý nghiêm; đồng thời sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng áp dụng nhiều giải pháp mạnh tay, triệt để.

"TikTok, Facebook, YouTube đều là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới. Họ có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam. Việc tuân thủ pháp luật không chỉ bao gồm việc quản lý về nội dung mà còn cả nghĩa vụ về thuế, thanh toán, quảng cáo… để tổng hợp đồng bộ các giải pháp thì họ mới tuân thủ quy định tốt của Việt Nam", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết.

TikTok gợi ý nội dung cho người xem bằng thuật toán riêng do đơn vị này phát triển. Điều này cũng có nghĩa, các nội dung xấu, thông tin sai sự thật cũng có thể xuất hiện liên tục trước mắt người xem do gợi ý của thuật toán.

Australia cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ

Trong một tuyên bố ngày 4/4, Tổng Chưởng lý Australia - ông Mark Dreyfus cho biết quyết định cấm TickTock được đưa ra theo khuyến cáo của các cơ quan tình báo trong nước và sẽ bắt đầu có hiệu lực "ngay khi có thể". Trước đó, Pháp, Hà Lan và Ủy ban châu Âu cũng đã đưa ra quyết định tương tự.

Khi lệnh cấm trên được triển khai, Australia sẽ trở thành thành viên cuối cùng của liên minh an ninh tình báo Five Eyes (gồm cả Mỹ, Anh, Canada và New Zealand) thực hiện lệnh cấm TikTok trên các thiết bị công vụ.

Theo Tổng Chưởng lý Dreyfus, Chính phủ Australia sẽ phê duyệt một số miễn trừ đối với lệnh cấm này tùy theo từng trường hợp cụ thể, nếu "các biện pháp giảm thiểu nguy cơ an ninh được áp dụng một cách phù hợp".

Hiện TikTok và Văn phòng Thủ tướng Australia chưa đưa ra bình luận chính thức nào liên quan lệnh cấm trên.

TikTok - thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) - nổi tiếng với các video ngắn, vui nhộn. Ứng dụng này trước đó từng được nhiều cơ quan chính phủ tại Australia tận dụng làm cầu nối với nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi, vốn khó tiếp cận hơn thông qua các kênh truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo rằng TikTok có thể đã chia sẻ với bên thứ ba những dữ liệu mà ứng dụng này thu thập được từ hơn 1 tỷ người dùng thường xuyên trên toàn cầu.