Thịnh hành lối sống “du mục kỹ thuật số” thời kì hậu COVID-19
Những người "du mục kỹ thuật số" có thể làm việc ở quán cà phê, trên bãi biển, thậm chí ở nước ngoài, chỉ cần có kết nối của Internet.
Về khái niệm "Du mục kỹ thuật số"
"Du mục kỹ thuật số" chỉ những người thường xuyên xê dịch, làm việc từ xa qua các thiết bị công nghệ và không bị phụ thuộc vào địa điểm cố định.
Khái niệm "du mục kỹ thuật số - digital nomad" đã xuất hiện lần đầu trong cuốn "The Digital Nomad" xuất bản năm 1997. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, mô hình hoạt động của các công ty thay đổi, xu hướng này mới thực sự phổ biến và được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới. Lãnh đạo của nhiều công ty trên toàn thế giới xem xét áp dụng chế độ làm việc từ xa cho tất cả hoặc một phần lực lượng lao động của mình. Trong đó, hai "ông lớn" truyền thông xã hội Twitter và Meta, sàn thương mại điện tử Shopify có trụ sở tại Canada còn áp dụng chế độ làm việc từ xa vĩnh viễn.
Khác với những người làm việc tự do (freelancer) chỉ tham gia dự án độc lập trong thời gian ngắn, "du mục kỹ thuật số" thường có công việc ổn định, nhưng họ không phải lên văn phòng thường xuyên, có thể đi du lịch quanh năm và kiếm được hàng nghìn USD mỗi tháng nếu có kỹ năng vững vàng. Đây thường là những người trẻ làm việc trong các ngành kỹ thuật số, truyền thông như marketing, thiết kế đồ họa, công nghệ thông tin...
Tháng 2/2022, Tạp chí du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đã công bố top 10 điểm đến thích hợp nhất cho thế hệ "du mục kỹ thuật số" xét trên các yếu tố như hòa bình, chi phí sinh hoạt, con người, công nghệ, điều kiện sống và giải trí.
Danh sách bao gồm các quốc gia: Serbia, Colombia, Đức, Estonia, Sri Lanka, Iceland, Mexico, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan.
Theo ước tính của Tổ chức MBO Partners, hiện nay trên toàn cầu có khoảng 30 triệu người có lối sống "du mục kỹ thuật số", riêng Mỹ chiếm 15 triệu. Trong đó, thế hệ Millennial (sinh từ năm 1981 đến 1996) và thế hệ Z (sinh từ năm 1997 đến 2012) chiếm đến 50%.
Khảo sát của website Upwork cho thấy: 92% những người trở thành "du mục kỹ thuật số" cảm thấy thoả mãn với cuộc sống hơn, 59% có thu nhập cao hơn, 79% cảm thấy năng suất làm việc cao hơn công việc bàn giấy, văn phòng. Ngoài ra, 82% số người được hỏi cho biết, làm việc qua Internet giúp họ cảm thấy chủ động và đáng sống hơn thay vì phải làm theo guồng máy của các công ty, tập đoàn truyền thống.
Chính sách hỗ trợ những người "du mục kỹ thuật số"
Xu thế du mục này đang phát triển mạnh mẽ khi ngày càng có nhiều người chọn để làm việc bên ngoài môi trường văn phòng. Tuy nhiên, do phải sống và làm việc với thời gian dài hơn một du khách thông thường, việc xin thị thực trở thành nỗi băn khoăn của nhiều người khi lựa chọn trở thành "du mục kỹ thuật số".
Hiện nay, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã và đang có những chính sách hỗ trợ nhằm thu hút những người vừa làm việc vừa du lịch, giúp phục hồi du lịch và tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Chính sách thị thực "du mục kỹ thuật số" là giải pháp khắc phục cho những vướng mắc về chính sách nhập cảnh và cư trú trên khắp thế giới.
Indonesia đang cân nhắc cấp thị thực đặc biệt cho những người "du mục kỹ thuật số" không tạo thu nhập trong nước và miễn thu thuế đối với họ. Nước này cũng tăng cường quảng bá Bali như một nơi nghỉ ngơi tinh thần giữa bối cảnh sự chuyển đối số đang diễn ra nhanh chóng. Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno cho biết, chương trình du lịch sinh thái, sự kiện thể thao và chính sách thị thực 5 năm cho người lao động làm việc từ xa dự kiến đưa 3,6 triệu du khách quay trở lại Bali. Điều này sẽ giúp tạo ra hơn 1 triệu việc làm cho người dân.
Tương tự, Bồ Đào Nha hiện cung cấp thị thực cư trú thời hạn hai năm cho những người lao động có thể chứng minh rằng họ làm việc từ xa trong thời gian lưu trú.
Từ năm 2020, Estonia cung cấp e-Residency (cư trú điện tử), cho phép công dân quốc tế được "định danh và cư trú kỹ thuật số” hợp pháp tại đây.
Các quốc gia khác cung cấp hình thức thị thực "du mục kỹ thuật số" còn có Úc, Cộng hòa Séc, UAE, Đức, Thái Lan, Ý, Tây Ban Nha, Brazil... Các chương trình thị thực thường có lệ phí khoảng 1.000 USD, đi kèm yêu cầu chứng minh thu nhập, việc làm từ xa, bảo hiểm du lịch…
Nam Phi cũng dự định cấp thị thực cho người "du mục kỹ thuật số", nhưng vẫn đang thảo luận chi tiết.
Nhìn chung, "du mục kỹ thuật số" không chỉ thúc đẩy sự phát triển du lịch, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ địa phương, mà còn góp phần tạo ra các trung tâm giao thoa công nghệ trên khắp thế giới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google