Mở đường khai trí từ giá sách giáo khoa

Phạm Thanh Khương
21:35 - 20/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trên chặng đường khai trí của toàn dân ta, nhiều tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân đã dốc lòng, dốc sức đầu tư tiền của, công sức nhằm khuyến học. Tất cả những hành vi chặn đường khai trí cần phải loại bỏ khỏi xã hội học tập.

Mở đường khai trí từ giá sách giáo khoa - Ảnh 1.

Những trang sách giáo khoa in sâu trong ký ức mỗi người.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa mới lớp 3, 7 và 10 ở hai bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống" và "Chân trời sáng tạo" áp dụng từ năm học 2022-2023. Theo đó, bộ sách lớp 3 có giá 177.000 đến 183.000 đồng trong khi bộ hiện hành giá 58.000. Sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn giá cũ 80.000 đồng. Sách lớp 10 giá 246.000 đến 301.000 đồng một bộ tuỳ tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 đến 140.000. Riêng bộ sách, "Cánh diều", do Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam và một số nhà xuất bản liên kết phát hành, cũng có giá cao, thậm chí cao hơn so với hai bộ trên. Các mức giá này chưa bao gồm sách tiếng Anh.

Khi lý giải vì sao giá sách cao hơn các năm trước, đăng đàn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã nói "rất rõ" do sách in khổ to và giấy tốt. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị phát hành cả bộ sách hiện hành và hai trong số ba bộ sách giáo khoa theo chương trình mới chỉ ra "lý do" giá sách cao hơn giá cũ bởi "nguồn vốn", chi phí nhuận bút, quy cách chất lượng sách và chi phí marketing.

Câu chuyện giá sách giáo khoa mới cao gấp nhiều lần giá cũ không phải bây giờ mới được đề cập. Đầu năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính đã đề nghị các đơn vị tham gia biên soạn, in ấn, phát hành phải kiểm soát chặt chẽ chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc cân đối giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo còn kiến nghị giá sách mới không vượt mức sách cũ đã bán ra thị trường trong năm học 2019 - 2020. 

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính phát ngôn là một chuyện, còn đại diện các nhà xuất bản vẫn khẳng định, giá sách không thể bằng hoặc thấp hơn sách cũ. Lý do dễ thấy nhất là "sách được thực hiện theo phương thức xã hội hóa". Và đương nhiên, người "è cổ" ra gánh giá sách không ai khác là phụ huynh và các học sinh.

Câu chuyện "trên nóng dưới lạnh" là của hoạt động quản lý và sự điều tiết của các cơ quan chuyên môn, nhưng đã tác động trực tiếp đến chủ trương "giáo dục là quốc sách" của Đảng. Nhiều gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên viễn, khoản tiền "tăng không đáng kể" trong giá sách là "gánh nặng" và có nguy cơ "chặn đường khai trí" của sự phát triển các vùng này. 

Vào năm học mới, tình trạng các thày cô giáo đến từng nhà, lên tận nương, vào trong rừng tìm học sinh về lớp là chuyện thường ngày ở vùng núi. Nhiều phụ huynh nói thẳng: không biết chữ không chết, không có ăn mới chết. Tình trạng giá sách cứ "cao lên giời" kiểu này, không ai dám chắc các bậc cha mẹ ở nông thôn, miền núi sẽ bỏ tiền mua sách cho con đi học.

Nghị quyết kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 thông qua chiều 16/6 nêu rõ: Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ hoặc trợ giá sách giáo khoa với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, miền núi, vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì họp với các Bộ, ngành về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, nhấn mạnh: Tính toán thận trọng lộ trình tăng học phí, nhất là đối với những cơ sở giáo dục công lập; nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật, đảm bảo mọi học sinh đều được tiếp cận sách giáo khoa với giá hợp lý.

Thời gian từ nay đến năm học mới còn rất ngắn, chỉ mong sao, đã có nghị quyết của Quốc hội, đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, các ban ngành có liên quan, trực tiếp Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương "ra tay" để giá sách giáo khoa trở về với chính giá thành của nó. 

Vẫn biết, ấn phẩm sách giáo khoa cũng là hàng hóa. Và đã là hàng hóa kinh doanh cần có lãi, nhưng không vì thế mà kiếm tiền bằng mọi giá. Việc chặn đứng "cơn lốc" giá sách giáo khoa không ai khác phải bắt đầu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đấy không chỉ là chức năng, nhiệm vụ mà còn là lương tâm, trách nhiệm, đạo đức người thày.

Sự học luôn bắt đầu từ những trang sách. Con đường khai trí cho mỗi công dân, cho sự phát triển của xã hội dài lâu cũng bắt nguồn từ sách. Chặn đường tương lai của dân tộc, đất nước chỉ vì lợi ích nhóm, cá nhân là tội ác. 

Bình luận của bạn

Bình luận