Vì sao tác giả không phải là chủ thể trữ tình trong tác phẩm văn học?
Thầy giáo Trần Lê Duy, tác giả sách giáo khoa bộ Chân trời sáng tạo giải thích vì sao tác giả không phải là chủ thể trữ tình trong tác phẩm văn học. Và vì sao không nên đồng nhất tác giả và chủ thể trữ tình.
Thầy giáo Trần Lê Duy đã đưa một hình ảnh so sánh thú vị để nói về việc đọc tác phẩm văn học trong chia sẻ của ông về: "Tác phẩm hư cấu có thể thay đổi thực tại như thế nào?".
Khi đọc tác phẩm văn học, ta giống như lên một chiếc thuyền để đến thế giới trong văn bản. Ở trong thế giới ấy, ta bắt gặp rất nhiều dấu chân sẵn có, nhưng ta không lần theo một dấu chân nào mà khám phá thế giới ấy bằng cách "đi vào đôi giày của nhân vật".
Hình ảnh so sánh này đã diễn tả rất sinh động tính chất đặc biệt của việc đọc tác phẩm văn học.
Thứ nhất, đó không phải là quá trình đọc để lấy thông tin đơn thuần, mà đó là quá trình khám phá vào một thế giới hình tượng, một thế giới tồn tại trong trí tưởng tượng của người đọc.
Thứ hai, ta khám phá thế giới ấy không phải như kẻ ngoài cuộc, không phải như một người khách tham quan bảo tàng, đến rồi đi, mà ta khám phá thế giới ấy như một người dấn thân, một người trải nghiệm, qua góc nhìn của các nhân vật.
Việc này cũng giống như xem tóm tắt truyện, hay đọc lướt chỉ để biết diễn biến câu chuyện, thì chưa phải là đọc một tác phẩm văn học.
Tính chất đặc biệt của việc đọc tác phẩm văn học cũng nhắc ta cẩn trọng khi làm việc với văn bản văn học. Nếu đã xác định là làm về mảng văn học, thì cần đối xử với văn bản văn học trong đúng tính chất đặc biệt của nó.
Nghĩa là không đọc văn học như xem một bộ phim tài liệu, một báo cáo xã hội học, một áp phích tuyên truyền vận động thay đổi xã hội,…
Nếu đọc văn học qua lăng kính giới, thì không phải là chê Tú Xương gia trưởng kém hiểu biết nữ quyền, hay đòi người đàn bà hàng chài của Nguyễn Minh Châu phải thức thời lên và tự cứu lấy mình, mà quan trọng là phải nhìn nhận được các quan niệm về tính nam hay tính nữ đã chi phối việc xây dựng hình tượng như thế nào, các góc nhìn về giới và tiếng nói về giới cất lên trong văn bản ra sao, sau cùng để thấy được những tư tưởng về phái tính sẽ tác động đến người đọc như thế nào.
Nếu đọc văn học qua lăng kính sinh thái, thì không phải biến tác phẩm thành áp phích bảo vệ môi trường, hay cổ động tuyên truyền lối sống xanh bảo vệ thiên nhiên, mà trước hết cần thấy được cách xây dựng hình tượng thiên nhiên và con người đã khắc hoạ như thế nào về mối quan hệ của hai đối tượng này, tự nhiên có được tồn tại trong giá trị tự thân của nó hay chỉ là một sự gán ghép các giá trị từ mắt nhìn của con người,… để từ đó xác định tư tưởng triết lí về sinh thái trong tác phẩm.
Nếu đọc tác phẩm qua "văn hoá tâm linh", thì không phải liệt kê ai cúng ai, cúng bao nhiêu nén nhang, bói toán thế nào, nhập thánh ra sao, mà quan trọng là phải thấy được từ các chi tiết có tính biểu tượng ấy, văn bản gợi ra ý nghĩa gì, các chi tiết tâm linh hiện ra qua góc nhìn của ai, và từ góc nhìn ấy thì ý nghĩa hình tượng, ý nghĩa thẩm mĩ gợi ra như thế nào.
Không thể phủ nhận tác dụng của việc đọc văn bản văn học để lấy thông tin lịch sử, xã hội, tâm lí, nhưng mấu chốt ở đây là từ khoá "xác định làm về văn học".
Nói tất cả những điều trên, để hiểu rằng tác phẩm văn học tồn tại dưới dạng đặc biệt (hiện tượng tinh thần trong trí tưởng tượng của chúng ta). Đọc tác phẩm văn học là một cách đọc đặc biệt (khám phá thế giới hình tượng như một cách dấn thân, trải nghiệm). Và sự đặc biệt ấy nhắc ta nhớ: thế giới trong tác phẩm không phải và không minh hoạ cho thế giới thực tại này.
Câu chuyện phân biệt chủ thể trữ tình (nhân vật trữ tình) và tác giả ngoài đời cũng vậy thôi.
Tôi hay hình dung mối quan hệ giữa hai đối tượng này giống bộ phim Avatar. Người Trái Đất, do không thể sống được trên môi trường hành tinh Pandora, đã tạo ra những avatar – những "cỗ máy sinh học" mang mọi đặc điểm của người Navi, nhưng do một bản thể người Trái Đất điều khiển. Dưới sự điều khiển của người trái đất, avatar có suy nghĩ, hành động, nói năng, cảm xúc không khác gì bản thể. Nhưng dù giống mấy, người ở Trái Đất đang điều khiển và cỗ máy avatar trên hành tinh Navi vẫn là hai thực thể khác nhau.
Nhà thơ ngoài đời thật bằng xương bằng thịt không thể tự mình tồn tại trong thế giới tinh thần của tác phẩm, vì vậy cần phải tạo ra một "avatar" để đại diện mình bày tỏ cảm xúc trong thế giới ấy. Chủ thể trữ tình chính là "avatar" của nhà thơ.
Dù chủ thể trữ tình gần với nhà thơ ngoài đời thực cách mấy, dù nhà thơ có tận mắt chứng kiến các câu chuyện ngoài đời mà lấy nguyên mẫu, cảm hứng sáng tác thơ, thì chủ thể trữ tình vẫn không bao giờ là một với nhà thơ bằng xương, bằng thịt.
Thông qua chủ thể trữ tình, ta hiểu điều nhà thơ gửi gắm và cảm nhận được một phần mảnh tâm hồn nhà thơ, nhưng chẳng ai trên đời đủ thực tế mà lại tuyên bố, chỉ cần hiểu chủ thể trữ tình là đã hiểu hết tất cả mọi ngóc ngách tắm tối sâu kín của con người bằng xương, bằng thịt tạo ra nó.
Việc phân định chủ thể trữ tình – nhà thơ bằng xương bằng thịt là quan trọng, bởi nó liên quan đến việc hình thành tư duy đọc văn học theo đúng bản chất của nó.
Trước đây, ta chỉ giảng văn, học sinh thuộc lời ta giảng rồi làm bài thi để tái hiện lại, việc nhập nhằng hai khái niệm này không ảnh hưởng gì đến chuyện thi cử.
Nhưng giờ đây, học sinh của chúng ta cần khái niệm công cụ để tự đọc hiểu văn bản văn học, việc nhầm lẫn này sẽ gây ra hai sự rất đáng tiếc.
Đáng tiếc thứ nhất là một thế giới hình tượng đầy phong phú, hấp dẫn sẽ không được khám phá, cảm thụ đúng cách.
Đáng tiếc thứ hai là những người đọc văn nhưng không được trang bị tư duy và công cụ để khám phá thế giới hình tượng trong trang văn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google