Vì sao nhiều học sinh lớp 10 muốn thay đổi môn học lựa chọn?

Phan Anh
09:48 - 10/10/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học sinh chuyển trường đi hay chuyển trường đến có thể không thực hiện được nguyện vọng của mình trong việc chọn tổ hợp môn là một trong những lí do khiến các em xin chuyển đổi môn học lựa chọn.

Vì sao nhiều học sinh lớp 10 muốn thay đổi môn học lựa chọn? - Ảnh 1.

Nhiều học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn. Ảnh: Ngọc Ánh

Kết thúc năm học 2022-2023, theo ghi nhận, nhiều học sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở phía Nam đều có nhu cầu chuyển đổi môn học lựa chọn. Sau một năm học, các học sinh cảm thấy việc lựa chọn môn học không phù hợp và các em muốn thay đổi bằng môn khác nhưng mọi việc không hề dễ dàng.

Vì sao học sinh trung học phổ thông muốn thay đổi môn học lựa chọn?

Thứ nhất, đầu năm học, ngoài 8 môn học bắt buộc, học sinh lựa chọn thêm 4 môn tự chọn để theo học cho đến khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cũng là định hướng nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên sau một năm học, nhiều em cảm thấy không phù hợp và muốn thay đổi.

Có tình trạng học sinh đầu năm lớp 10 chọn môn học một cách ngẫu nhiên, chọn theo bạn bè hoặc bị tác động từ gia đình, người thân, vì vậy trong quá trình học các em không theo kịp chương trình.

Thứ hai, định hướng nghề nghiệp trong tương lai của học sinh thay đổi sau một năm học cũng là nguyên nhân khiến các em thay đổi môn học. Có học sinh chỉ xin đổi một môn học nhưng cũng có em quyết định đổi cả tổ hợp, chẳng hạn đổi từ tổ hợp khoa học tự nhiên sang xã hội.

Một nhóm học sinh lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lúc đầu các em chọn khoa học tự nhiên vì sau này muốn theo ngành công nghệ thông tin, nhưng bây giờ thì quyết định trở thành... đầu bếp nên chọn tổ hợp xã hội cho dễ học.

Thứ ba, một số học sinh xin chuyển sang trường khác, lại có các học sinh từ trường khác xin chuyển về. Thế nhưng, học sinh chuyển đi hay học sinh chuyển đến đều không thể thực hiện được nguyện vọng của mình nên buộc phải thay đổi tổ hợp.

Việc triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 năm học vừa qua cho thấy, các nhà trường thường cho học sinh lựa chọn khoảng vài ba tổ hợp vì thừa thiếu giáo viên cục bộ nên không thể nào đáp ứng hết các nguyện vọng lựa chọn tổ hợp môn của các em.

Thứ tư, Một số học sinh lớp 10 cả hệ công lập và tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có đơn xin chuyển đổi tổ hợp môn chia sẻ, đa số các em học lệch năm lớp 9 để thi tuyển sinh nên lúc lên lớp 10 thiếu sự cân nhắc trong việc lựa chọn môn học.

Học sinh lớp 9 chủ yếu luyện thi 3 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (đa số học môn Tiếng Anh) nên các em bỏ bê các môn học khác. Tình trạng học lệch ở bậc trung học cơ sở đối với học sinh lớp 9 cũng là bài toán khó trong việc lựa chọn tổ hợp môn học.

Đổi tổ hợp môn cuối năm - thuận lợi cho trường nhưng khó khăn cho trò

Có thể nhận thấy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định học sinh trung học phổ thông được phép đổi tổ hợp môn vào cuối năm học là giúp các nhà trường ổn định việc dạy và học. Nếu học sinh được phép chuyển đổi môn học vào giữa kỳ, cuối kỳ sẽ gây ra nhiều xáo trộn trong biên chế lớp học và sắp xếp thời khóa biểu.

Cùng với đó, việc phân công giáo viên giảng dạy sao cho phù hợp với nhân sự của từng trường cũng không phải là chuyện dễ. Bên cạnh đó, học sinh được phép đổi môn lựa chọn vào cuối năm học thì giáo viên mới có thời gian giảng dạy cho các em. Học trong thời gian dài, các em sẽ nắm bài chắc hơn và làm bài kiểm tra đạt yêu cầu theo quy định.

Tuy vậy, học sinh chỉ được phép đổi tổ hợp môn vào cuối năm học cũng gặp những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, học sinh có nhu cầu đổi 3 môn học thì các em phải học liên tục trong kì nghỉ hè và sau đó là làm bài kiểm tra đánh giá nên rất áp lực.

Ví dụ, học sinh A xin đổi 3 môn học cũ bằng 3 môn học mới là Vật lí, Hóa học và Sinh học thì em phải hoàn thành chương trình và hoàn tất các cột điểm kiểm tra cho mỗi môn như sau:

Điểm đánh giá thường xuyên: 3 cột; điểm đánh giá định kì: 1 cột giữa kì và 1 cột cuối kì. Môn học có cụm chuyên đề thì phải thêm 1 cột đánh giá thường xuyên nữa. Học sinh phải làm hàng chục bài kiểm tra cho 3 môn học mới theo quy định.

Như vậy, sẽ có 2 trường hợp xảy ra: học sinh làm bài kiểm tra môn học đạt mức trên trung bình thì được chuyển đổi tổ hợp môn học; ngược lại, nếu kiểm tra không đạt thì phải tiếp tục học môn cũ.

Với học sinh được chuyển đổi tổ hợp môn, khả năng rất ít em sẽ học khá, giỏi môn học mới do việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế so với các bạn đã có định hướng đúng đắn từ đầu. Với học sinh không được chuyển đổi tổ hợp môn, các em phải theo học môn cũ của năm lớp 11, 12 cũng rất mệt mỏi, tâm lí căng thẳng.

Ngoài ra vẫn có trường hợp học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh trước khi có nguyện vọng xin đổi môn học vào cuối năm thì phụ huynh phải tham khảo sĩ số ở lớp học mới. Chỉ những lớp có sĩ số dưới 45 học sinh/lớp thì nhà trường mới giải quyết chuyển đổi.

Cũng có trường yêu cầu, khi học sinh có nguyện vọng xin chuyển đổi môn học thì phụ huynh phải làm đơn và cam kết cho các em tự bổ sung kiến thức của môn học mới. Học sinh có 6 tuần (tháng 6 và nửa tháng 7) để bổ sung kiến thức và sau đó là làm bài kiểm tra đánh giá.

Nhìn chung, việc học sinh xin đổi môn học lựa chọn cuối năm lớp 10 ở Thành phố Hồ Chí Minh không phải cứ muốn là được mà cần phải đáp ứng đủ điều kiện như đã nêu.

Vậy nên, để có môn học lựa chọn phù hợp khi bước vào lớp 10, học sinh cần biết được năng lực của mình thế nào, có thế mạnh về khoa học tự nhiên hay xã hội. Các học sinh không nên chọn môn theo cảm tính, hoặc chọn bừa khi chưa thực sự yêu thích mà cần tham khảo ý kiến của các thầy cô, cha mẹ để đưa ra những quyết định đúng đắn.