Vì sao ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh khó tinh giản biên chế giáo viên?

Ly Hương
14:17 - 14/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu giai đoạn 2023-2026 tinh giản ít nhất 10% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2023.

Vì sao ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh khó tinh giản biên chế giáo viên?- Ảnh 1.

Biên chế giáo viên - chỗ thiếu vẫn thiếu, vẫn phải tinh giản biên chế thừa. Minh hoạ: unsplash

Nhiều năm qua, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đều có nhu cầu tuyển hàng ngàn giáo viên mầm non và phổ thông công lập nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, từ năm học 2023-2024, các trường sẽ triển khai tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Thiếu giáo viên vẫn phải tinh giản biên chế

Trung bình mỗi năm Thành phố Hồ Chí Minh cần tuyển thêm khoảng 5.000 giáo viên cho bậc mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ phổ thông.

Tuy vậy, số giáo viên trúng tuyển chỉ khoảng 50%, thậm chí có môn học không có ứng viên nào tham gia thi tuyển. Chưa kể, vẫn có một số giáo viên trúng tuyển nhưng không nhận nhiệm sở hoặc nghỉ việc ngang sau đó.

Mặc dù ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh không tuyển đủ giáo viên theo nhu cầu nhưng vẫn phải tinh giản biên chế theo quy định.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, giao trách nhiệm của trưởng phòng các phòng thuộc Sở phấn đấu giai đoạn 2023-2026 giảm ít nhất 5% biên chế công chức hành chính so với năm 2023.

Giao trách nhiệm và nhiệm vụ các hiệu trưởng (giám đốc) trực thuộc phấn đấu giai đoạn từ 2023-2026 giảm ít nhất 10% biên chế số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2023.

Nguyên tắc tinh giản biên chế phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.

Gắn tinh giản biên chế với sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với cơ chế tự chủ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm chi trả chế độ, chính sách tinh giản biên chế kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước.

Tinh giản biên chế là bài toán nan giải

Việc tinh giản biên chế sẽ giúp bộ máy nhà trường được tinh gọn, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhân viên để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, việc làm này xóa bỏ tâm lý chây ỳ, thụ động, ỷ lại của không ít giáo viên, nhân viên lâu nay, đó là viên chức cứ làm việc đến tuổi nghỉ hưu mà không phải lo lắng gì.

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, cuối năm 2023 lãnh đạo nhà trường đã rà soát giáo viên, nhân viên; năm 2024 sẽ tiến hành đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ từng người.

Trên cơ sở đó, năm 2025 sẽ tinh giản những đối tượng giáo viên và nhân viên không đạt tiêu chuẩn theo quy định chung.

Trước mắt, hiệu trưởng dự kiến sẽ học cách làm của một số trường trên địa bàn, đó là giảm số lượng người hưởng lương ngân sách là giáo viên, nhân viên đến tuổi về hưu hoặc chỉ còn vài năm công tác và chuyển sang hưởng lương theo hợp đồng lao động với trường.

Mặc dù dự kiến như thế nhưng hiệu trưởng trải lòng đây là bài toán nan giải. Bởi vì, giáo viên sắp về hưu có hệ số lương cao và thu nhập tăng thêm Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND lên đến hàng chục triệu đồng/quý (3 tháng) thì chẳng mấy giáo viên nào tự nguyện tinh giản biên chế.

Còn căn cứ vào Nghị định số 29/2023/NĐ-CP để tinh giản biên chế thì bậc trung học phổ thông rất khó giảm 10% biên chế số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giai đoạn 2023-2026.

Chẳng hạn, giáo viên bậc trung học phổ thông đều đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, thì làm sao để tinh giản biên chế.

Hoặc cũng hiếm có giáo viên nào có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế viên chức có 1 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ để tinh giản.

Đáng nói, khi ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới thì xảy ra một số bất cập như thừa thiếu giáo viên cục bộ. Đó là, có trường thì thiếu giáo viên môn tự nhiên, có trường lại thiếu giáo viên môn xã hội do học sinh được lựa chọn môn học.

Vậy nên, môn học này có thể năm này thừa giáo viên nhưng năm sau lại thiếu, kéo theo việc tinh giản biên chế nhưng các nhà trường cũng phải tuyển dụng mới nhân sự, vì nguyên tắc có học sinh thì phải có thầy cô giáo.

Một số giáo viên nêu ý kiến, để góp phần làm tinh gọn bộ máy ngành giáo dục thì Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh cần nghiên cứu sáp nhập những trường mầm non, tiểu học có quy mô nhỏ để giảm đội ngũ lãnh đạo, quản lí.

Cơ quan quản lí giáo dục cũng có thể kiến nghị luân chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu. Như thế, trường thiếu giáo viên thì không tuyển dụng mới, chỉ nhận giáo viên được thuyên chuyển đến.

Ngành giáo dục cũng cần tính đến việc một kế toán có thể làm việc ở 2, 3 trường học. Với những trường học có quy mô nhỏ nhưng biên chế một kế toán là rất lãng phí nhân lực.

Ngoài ra, những giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo hay hiệu trưởng có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật, chẳng hạn như lạm thu, thì nên cho ra khỏi ngành giáo dục.