Vì sao Myanmar cấm nam giới ra nước ngoài làm việc?

Lam Linh
13:19 - 05/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự bắt buộc, chính quyền quân sự Myanmar đã đình chỉ việc cấp giấy phép cho nam giới ra nước ngoài làm việc.

Vì sao Myanmar cấm nam giới ra nước ngoài làm việc?- Ảnh 1.

Hơn 4 triệu công dân Myanmar đã ra nước ngoài làm việc vào năm 2020. Ảnh: EPA-Yonhap

Thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự, nam giới Myanmar không được cấp giấy phép ra nước ngoài 

Trước đó, vào tháng 2, chính quyền quân sự Myanmar cho biết sẽ thi hành Luật Nghĩa vụ quân sự bắt buộc, kêu gọi tất cả nam giới phục vụ trong quân đội trong ít nhất 2 năm.

Theo truyền thông Myanmar, Luật Nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã khiến hàng nghìn người xếp hàng xin visa tại các đại sứ quán nước ngoài ở thành phố Yangon nhằm tìm cách rời đất nước. Trong khi những người khác tìm cách vượt biên sang nước láng giềng Thái Lan nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Bộ Lao động Myanmar hôm 2/5 thông báo "tạm thời đình chỉ" việc nhận đơn đăng ký xin đi làm việc ở nước ngoài của các nam công dân. Cơ quan này giải thích đây là biện pháp cần thiết để có thêm thời gian xác minh quy trình đi làm và nhiều vấn đề khác.

Tổ chức Lao động Quốc tế trích dẫn số liệu từ chính phủ Myanmar cho biết, hơn 4 triệu công dân nước này đã ra nước ngoài làm việc vào năm 2020. Các nhà phân tích cho rằng con số thực tế còn cao hơn.

Luật Nghĩa vụ quân sự được chính quyền Myanmar trước đó soạn thảo vào năm 2010 nhưng chưa bao giờ có hiệu lực thi hành. Theo luật này, quân đội có quyền gọi nhập ngũ tất cả nam giới ở độ tuổi từ 18-35 tuổi và nữ giới từ 18-27 tuổi để phục vụ quân đội trong ít nhất 2 năm.

Trong tình trạng khẩn cấp, thời gian tại ngũ có thể kéo dài tới 5 năm và những người chống đối có thể bị bỏ tù trong thời gian tương đương. 

Người trẻ Myanmar xếp hàng bên ngoài đại sứ quán Thái Lan ở Yangon để xin visa rời đất nước sau khi có lệnh nghĩa vụ quân sự bắt buộc hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Người trẻ Myanmar xếp hàng bên ngoài đại sứ quán Thái Lan ở Yangon để xin visa rời đất nước sau khi có lệnh nghĩa vụ quân sự bắt buộc hồi tháng 2. Ảnh: AFP

Khoảng 13 triệu người Myanmar trong diện được gọi nhập ngũ 

Sau khi đảo chính vào năm 2021, chính quyền quân sự Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, và vừa gia hạn tình trạng này thêm 6 tháng.

Chính quyền này cũng đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ các cuộc nổi dậy đẫm máu do liên minh các nhóm vũ trang sắc tộc thực hiện.

Theo các tài khoản Telegram ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar cho biết vài nghìn tân binh đã được huy động trong đợt nhập ngũ đầu tiên theo luật mới.

Một phát ngôn viên của chính quyền Myanmar nói quy định bắt buộc nhập ngũ là cần thiết với tình hình hiện nay của đất nước. Bởi quân đội Myanmar đang chật vật đối phó với các nhóm phiến quân, lực lượng đã tấn công và kiểm soát nhiều khu vực chiến lược.

Theo quy định mới, khoảng 13 triệu người Myanmar đủ điều kiện nhập ngũ, dù quân đội nước này chỉ có thể huấn luyện 50.000 người mỗi năm.

Nguồn: The Korea Times