Vì sao đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn gây tranh cãi?

Phan Anh
13:31 - 06/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023- 2024. Trong đó, đề thi môn Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm bình luận trái chiều của giáo viên và dư luận xã hội quan tâm đến môn thi này.

Vì sao đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn gây tranh cãi?- Ảnh 1.

Phân biệt tính thời sự và nghĩa vĩnh hằng của một tác phẩm văn chương có giá trị là khó đối với các thí sinh dự thi học sinh giỏi Ngữ văn. Minh hoạ: Free/images

Theo đó, một luồng ý kiến khẳng định, đề thi khó và đạt chất lượng, xứng tầm với một kì thi bậc trung học phổ thông. Tuy vậy, một luồng ý kiến khác lại cho rằng, nội dung câu nghị luận văn học của bản dịch chưa đạt, trúc trắc, gây khó hiểu cho thí sinh, kể cả giáo viên.

Nội dung câu nghị luận văn học như sau: "Các kiệt tác lớn là vô tận, mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình; như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có ý nghĩa khởi thuỷ, hay chủ ý của tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thuỷ ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện".

(Antoine Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết: Văn chương và cảm nghĩ thông thường, (Lê Hồng Sâm - Đặng Anh Đào dịch), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2018, trang 123)

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Phân biệt ý nghĩa nhất thời và lâu dài của một tác phẩm văn chương

Liên quan đến đề thi (câu nghị luận văn học) học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay được cho là hàn lâm, khó hiểu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân (một nhà nghiên cứu kiêm dịch giả uy tín) đã chia sẻ quan điểm trên trang Facebook cá nhân. Quan điểm này nhận được nhiều sự đồng tình của thầy cô giáo và các nhà khoa học.

"Nhiều người nói đoạn văn trích của câu 2 trong đề thi học sinh giỏi văn năm nay nghe trúc trắc, khó hiểu. Tôi đã tìm lại bản gốc tác phẩm "Le démon de la théorie" (Quỷ thần lý luận), nguyên bản tiếng Pháp của Antoine Compagnon, và thấy đoạn văn đó như sau:

"Les grandes œuvres sont inépuisables; chaque génération les comprend à sa manière: cela veut dire que les lecteurs y trouvent de quoi éclairer un aspect de leur expérience. Mais si une œuvre est inépuisable, cela ne veut pas dire qu'elle n'ait pas de sens originel, ni que l'intention de l'auteur ne soit pas le critère de ce sens originel. Ce qui est inépuisable, c'est sa signification, sa pertinence hors de son contexte d'apparition." (Sens n'est pas signification).

Tôi xin dịch lại cho mọi người cùng tham khảo: "Các tác phẩm văn học lớn không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa; mỗi thế hệ người đọc lại hiểu chúng theo cách riêng của mình: điều này muốn nói rằng người đọc tìm thấy ở chúng cái điều có thể soi sáng cho một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm có khả năng không bao giờ cạn kiệt ý nghĩa, thì điều đó cũng không có nghĩa rằng nó không có một nghĩa gốc, cũng như không có nghĩa rằng chủ ý của tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa gốc này. Cái không cạn kiệt chính là ý nghĩa của tác phẩm, là tính thích hợp không liên quan đến bối cảnh xuất hiện của nó." (Nghĩa không phải là ý nghĩa).

Có thể nhận thấy, bản dịch của Lê Hồng Sâm - Đặng Anh Đào là hơi khó hiểu vì cách diễn đạt hàn lâm, trừu tượng, cao siêu và có phần trúc trắc. Còn đọc bản dịch Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân thì mang tính phổ thông, ngôn từ gần gũi.

Bàn thêm về câu nghị luận văn học, một giáo viên nêu ý kiến: "Những ai ít nhiều có đọc lí thuyết tiếp nhận (câu nghị luận văn học bàn về tiếp nhận văn học – tác giả chú thích) thì dễ nhận ra đề xoay quanh chuyện... tiếp nhận và quá trình sinh/tạo nghĩa của tác phẩm nhất là những kiệt tác.

Tuy nhiên muốn nghị luận câu này thì không thể mang các lí thuyết khác mà áp vào. Ví như đọc thuộc lòng tác giả Hoài Thanh thì cũng bất khả. Học sinh lớp 11, 12 chưa được học lí thuyết này, không rõ các đội tuyển có được thầy cô giáo luyện không?

Lí thuyết tiếp nhận như tôi biết, kiểu ếch ngồi đáy giếng, là khó lắm. Tuy ở nơi sản sinh nó không còn mới nhưng ở ta thì... rất là tân thời.

Lí thuyết này liên quan với ngôn ngữ học hậu Ferdinand de Saussure (nhà ngôn ngữ học và ký hiệu học người Thụy Sĩ - tác giả chú thích), lại liên quan đến kí hiệu học của R. Barthe. Ở Việt Nam cũng rất ít nhà khoa học tiếp cận lí thuyết này. Và hầu như các nhà giáo dạy văn phổ thông cũng hoàn toàn xa lạ."

Còn Tiến sĩ Nguyễn Minh Thương (Hà Nội) cho rằng, cách diễn đạt "nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng nó không có ý nghĩa khởi thuỷ, hay chủ ý của tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thuỷ ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện" gây nhiễu về lô gíc, đem đến cảm giác khó hiểu, có lẽ là do văn dịch.

"Phải đọc cả đoạn trong sách mới hiểu được. Đặt trong toàn văn, có thể hiểu ý này nói đến hai loại nghĩa trong tác phẩm văn học: nghĩa theo chủ ý của tác giả và nghĩa do độc giả phát hiện ra và mối quan hệ giữa dụng ý mà tác giả gửi gắm với ý nghĩa mà độc giả phát hiện.

Cụ thể: "Nghĩa khởi thủy" lúc đầu khi cắt khỏi văn cảnh, mình hiểu là nghĩa ban đầu, có thể là nghĩa được tạo nên từ trực cảm, sự tiếp xúc đầu tiên của người đọc với văn bản, và điều đó không phụ thuộc vào ý đồ của tác giả.

Nhưng đọc toàn văn thì nên hiểu "nghĩa khởi thủy" là nghĩa trong thời điểm tác phẩm mới xuất hiện. Một tác phẩm vô tận về ý nghĩa, nhưng trong chuỗi vô tận về ý nghĩa đó, nó vẫn phải có ý nghĩa ban đầu, ý nghĩa ở thời điểm nó ra đời.

Có những tác phẩm không còn giải quyết vấn đề của chúng ta bây giờ nữa, chỉ giải quyết nhiệm vụ của một thời, nhưng những tác phẩm ấy vẫn có ý nghĩa, đặc biệt cần lưu ý điều này khi ta đánh giá một thời đại văn học đã qua, với những nhiệm vụ lịch sử cụ thể của nó.

Từ đây, có thể mở rộng bàn luận về mối quan hệ giữa ý nghĩa thời sự và ý nghĩa vĩnh hằng của một tác phẩm văn chương. Tính thích đáng ở bên ngoài bối cảnh tác phẩm xuất hiện có thể hiểu là sự tương thích với các bối cảnh mới của tác phẩm.

Chẳng hạn, các tác phẩm ra đời trong bối cảnh chiến tranh có thể tương thích với bối cảnh hòa bình không, có giải quyết được những vấn đề của người đọc thời bình? Khi tác phẩm không thể tương thích với bối cảnh mới và vấn đề của người đọc trong bối cảnh mới thì tác phẩm không thể chỉ có ý nghĩa một thời. Có khả năng thích ứng với những bối cảnh mới, vượt ngoài khung khổ thời đại của tác phẩm sẽ tạo nên tính vô tận, làm nên giá trị kiệt tác của văn chương", Tiến sĩ Nguyễn Minh Thương chia sẻ thêm về cách hiểu câu nghị luận văn học.