Thi học sinh giỏi quốc gia 2024: Môn Ngữ văn bàn về tuổi trẻ và mạng xã hội

Phan Anh
16:07 - 05/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Câu nghị luận xã hội yêu cầu thí sinh bàn luận về việc tuổi trẻ vội vàng chia sẻ thông tin, quan điểm lên mạng xã hội phải chăng để khẳng định bản thân.

Thi học sinh giỏi quốc gia 2024: Môn Ngữ văn bàn về tuổi trẻ và mạng xã hội- Ảnh 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023- 2024. 

Trong đó, nội dung đề thi môn Ngữ văn nhận được nhiều sự quan tâm bình luận của học sinh, giáo viên và dư luận xã hội. Theo đó, nội dung đề thi như sau:

Câu 1. Nghị luận xã hội (8 điểm)

Trải nghiệm - ghi lại - tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?

Câu 2. Nghị luận văn học (12,0 điểm)

"Các kiệt tác lớn là vô tận, mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ. Nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng, nó không có nghĩa khởi thủy, hay chú ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy. Cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện."

Bằng hiểu biết và trải nghiệm văn học, anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu nghị luận xã hội gần gũi, nghị luận văn học diễn đạt còn phức tạp

Sinh viên Võ Minh Quân (Khoa Ngữ văn, Hà Nội) nhận xét: "Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn năm nay cũng giống mọi năm tôi thi, vẫn phong cách mấy năm gần đây: không khó, không đánh đố, dung lượng đẹp. Nhưng mà đề dễ lại khó để các bạn viết tốt. Năm nay đã đỡ hơn, câu 2 có màu sắc mới một chút nên không bị nhàm chán. Nói cho cùng, các bạn học sinh giỏi vẫn mong muốn một cái đề khó hơn thế này! Nhưng nếu cho quá khó thì sẽ dễ bị xem là đánh đố. Lại gây tranh cãi!".

Cô giáo Đỗ Thuý Dương (giáo viên Ngữ văn ở Bà Rịa – Vũng Tàu) bình luận: "Câu Nghị luận xã hội yêu cầu trả lời câu hỏi. Ngữ liệu, vấn đề theo đúng định hướng chương trình giáo dục phổ thông 2018 - tuổi trẻ; gần gũi với đề thi 2022-2023 (2022-2023: cách thể hiện bản thân, 2023-2024: phương cách khẳng định giá trị).

Câu hỏi này tương đối nhẹ nhàng. Hầu như học sinh nào cũng sẽ viết được nhưng để viết hay, sâu không đơn giản. Các em sẽ cần thêm các chiêm nghiệm về phương cách khẳng định giá trị muôn đời trong tương quan với đặc trưng bối cảnh thời đại ngày nay, đi sâu nội hàm giá trị (gắn với đặc trưng lứa tuổi). Thời đại ngày nay gần gũi với các em nhưng để cô đặc vào một vài từ khóa cho phù hợp với vấn đề cũng là một thách thức.

Câu nghị luận văn học đề cập đến tính vô tận

Câu Nghị luận văn học yêu cầu quen thuộc. Ngữ liệu quan niệm được diễn đạt tương đối phức tạp, nhưng tạm thời có thể thấy: Gồm 2 vế, theo cấu trúc A nhưng B, theo đó thì cái B sẽ có phần quan trọng hơn.

Ở vế A (các kiệt tác lớn là vô tận, mỗi thế hệ hiểu chúng theo cách của mình như vậy có nghĩa là các độc giả tìm thấy ở đó điều gì rọi sáng một phương diện trải nghiệm của họ): cấu trúc x là y (x: kiệt tác lớn, y: vô tận) để định nghĩa về kiệt tác lớn, mà ở đó cho thấy khả năng mở nghĩa ứng với từng độc giả (cùng tầm đón đợi/khao khát đọc riêng tư) câu hỏi này liên quan chủ yếu tới lí luận về tiếp nhận và tố chất của nhà văn lớn (người tạo ra kiệt tác lớn).

Ở vế B: 2 câu, 1 câu phủ định (nhưng nếu như một tác phẩm là vô tận, điều đó không có ý nói rằng, nó không có nghĩa khởi thủy, hay chú ý tác giả không phải là tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy ấy), 1 câu khẳng định (cái vô tận, là ý nghĩa của nó, là tính thích đáng của nó ở bên ngoài bối cảnh nó xuất hiện). Câu phủ định: không có nghĩa là không có nghĩa khởi thủy (mà tác giả không phải tiêu chuẩn của nghĩa khởi thủy). Mẫu số chung của mọi tiêu chuẩn, có thể hiểu là các chuẩn mực nhân văn phi không gian phi thời gian.

Câu khẳng định: tiếp tục đưa ra định nghĩa về vô tận (tính thích đáng ở ngoài bối cảnh nó xuất hiện - khả năng vượt khỏi cái nhất thời của thời đại để chạm tới những giao nối vĩnh viễn)

Hội hợp của cả hai câu, vế B sẽ nhấn mạnh, làm rõ ngộ nhận về tính vô tận và khắc sâu bản chất của nó, tạm hiểu là những ý nghĩa vượt mọi lằn ranh khu định.

Nhiều giáo viên nhận xét, nhìn chung, đề thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn năm nay hay, khó, xứng tầm và có tính phân loại cao.

Bình luận của bạn

Bình luận