Vật giá leo thang, sinh viên với trăm cách bươn chải làm thêm

Phạm Thuý Hằng
10:08 - 28/05/2024
Công dân & Khuyến học trên

Rời quê lên thành phố học đại học, nhiều sinh viên phải vật lộn với cuộc sống phố thị. Giá cả các mặt hàng tăng liên tục như hiện nay khiến cho khoản trợ cấp từ phía gia đình không đủ trang trải cho sinh hoạt. Bởi lẽ đó mà không ít sinh viên phải tất tả làm thêm kiếm tiền.

Vật giá leo thang, sinh viên với trăm cách bươn chải làm thêm- Ảnh 1.

Phương Nhung quản lý cả trang bán hàng online của shop quần áo mình làm thêm. Ảnh: NVCC

Sau khi vượt qua kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, rất nhiều sinh viên phấn khởi với niềm vui khi được đến với giảng đường đại học. Tuy nhiên, sau quá trình học tập và sinh sống tại thủ đô, nhiều bạn phải tất bật với cuộc sống nơi thành thị.

Trong thời buổi giá cả tăng vùn vụt, giá phòng tăng, giá điện không hề giảm, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, nhu cầu sống cũng tăng lên cộng thêm khoản chi phí bố mẹ gửi không đủ trang trải sinh hoạt phí, nhiều sinh viên phải vừa học, vừa làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống đắt đỏ.

Để có tiền trang trải thì các bạn sinh viên đã tìm đến những công việc phục vụ bàn, pha chế, lễ tân, phát tờ rơi…

3 tiếng làm thêm của sinh viên đổi được 1 bát phở

Bạn Phương Nhung, sinh viên trường Đại học Thương mại tâm sự: “Nhà mình làm nông, mình từ Nghệ An lên Hà Nội học. Kinh tế gia đình không quá khá giả, vì vậy, bây giờ một buổi lên lớp học, còn một buổi mình đi bán hàng quần áo thuê. Mỗi tháng, nếu mình làm đủ ngày thì được 1,7 triệu đồng/tháng. Số tiền này mình góp thêm vào số tiền bố mẹ cho để trang trải việc học”.

Sinh viên phải đi làm thêm vì số tiền bố mẹ cho không đủ trang trải cho ăn ở, học hành. Nếu như trước đây, từ 15.000 đồng - 20.000 đồng sinh viên có thể mua suất cơm bình dân thì giờ số tiền đó không đủ mua hộp cơm. Chính khó khăn về vật chất khiến cho nhiều bạn buộc phải làm thêm kiếm sống, trang trải phần nào cuộc học tập sinh hoạt nơi thủ đô.

Vật giá leo thang, sinh viên với trăm cách bươn chải làm thêm- Ảnh 2.

Bùi Quốc Khánh làm phục vụ quán cà phê và xem đây như một cách “lấy ngắn nuôi dài”. Ảnh: NVCC

Cũng là sinh viên tỉnh lẻ lên Hà Nội học Đại học, Bùi Quốc Khánh, sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội đã xin công việc phục vụ tại quán cafe tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) để san sẻ gánh nặng với bố mẹ.

Dù mới bắt đầu với cuộc sống sinh viên xa quê, cậu sinh viên năm nhất cũng thấu hiểu nỗi khó khăn của bố mẹ khi phải lo tiền học phí hằng tháng. Học phí mỗi kỳ của Quốc Khánh dao động từ 8.000.000 - 9.000.000 đồng. Do “ngại” xin thêm tiền bố mẹ, nam sinh quyết định đi làm thêm để giảm bớt phần nào cho gia đình.

Quốc Khánh cho hay, mức lương được trả là 20.000 đồng/giờ nếu làm làm ca 6 giờ và 22.000 đồng/giờ nếu làm ca 8 giờ/ngày. Thuận lợi là nhân viên quán đa phần đều là sinh viên nên chủ quán cũng linh động phân bổ lịch làm việc phù hợp lịch học của mỗi bạn. Mỗi tuần, Khánh đi học bốn ngày, ba ngày còn lại sẽ chọn làm “full ca” (8 giờ/ngày).

Nhưng với Quốc Khánh, làm phục vụ quán cà phê chỉ là cách “lấy ngắn nuôi dài”. Trong dự định, khi học được một thời gian và có chút kinh nghiệm, nam sinh viên sẽ sẽ chọn công việc làm thêm đúng ngành mà mình đang theo học.

"Tay làm, hàm nhai" - phong cách sống của sinh viên?

Rất nhiều sinh viên cho biết việc làm thêm giúp họ cải thiện được cuộc sống một cách đáng kể. Không những không phải xin tiền sinh hoạt của cha mẹ mà còn tạo dựng được cho các bạn một khoản thu nho nhỏ.

Bên cạnh những việc làm thêm thông thường của sinh viên như bán quần áo thuê, phục vụ quán cafe,... nhiều bạn trẻ năng động còn tận dụng ngành học của mình để kiếm thêm thu nhập.

Vật giá leo thang, sinh viên với trăm cách bươn chải làm thêm- Ảnh 3.

Mức lương của công việc sáng tạo nhân vật game đã giúp Thành Trung có một nguồn thu nhập ổn định. Ảnh: NVCC

Nguyễn Thành Trung, sinh viên trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tự tin là một trong những có thu nhập cao hơn so với bạn bè cùng trang lứa làm thêm. Học chuyên sâu về công nghệ nên Dũng có kinh nghiệm trong việc thiết kế các ấn phẩm truyền thông. Cậu sinh viên cho hay, thu nhập cứng mỗi tháng từ công việc thiết kế là 7.000.000 đồng.

“Rất nhiều các công ty truyền thông hiện nay cần tuyển sinh viên thiết kế ấn phẩm truyền thông, phần mềm game/học online,… Những công việc như thế không khó nên dân IT như chúng mình có thể làm được. Vừa kiếm thêm thu nhập lại có cơ hội luyện nghề sau này”, Thành Trung chia sẻ thêm.

Vật giá leo thang, sinh viên với trăm cách bươn chải làm thêm- Ảnh 4.

Tài xế công nghệ - một trong những công việc làm thêm được Đức Mạnh và nhiều sinh viên lựa chọn. Ảnh: NVCC

Khác với Thành Trung, Lê Đức Mạnh, sinh viên trường Đại học Thương mại lựa chọn công việc giao hàng vào những buổi không lên lớp. Tận dụng thời gian rảnh, cậu sinh viên này có thể dành một vài buổi được nghỉ học để đi làm thêm, kiếm tiền trang trải phí sinh hoạt, tiền ăn, tiền trọ... phụ giúp gia đình.

Đức Mạnh cho hay, lợi thế của bản thân là có phương tiện cá nhân. Đây là lý do để Mạnh mạnh dạn lựa chọn làm shipper bán thời gian để thuận tiện về giờ giấc và có thể sinh hoạt thoải mái hơn với mức thu nhập vừa đủ từ chạy xe.

Nam sinh viên Trường Đại học Thương mại cho hay: “Công việc làm shipper giúp mình tự trả tiền nhà 2.500.000 đồng/tháng và tiền ăn, uống, tiền sinh hoạt phí, xăng xe, điện thoại. Tiền bố mẹ cho, mình dành để đóng học phí”.

Thay vì phụ thuộc vào gia đình, hiện nay, nhiều sinh viên đã cố gắng tiết kiệm, đi làm thêm ngoài giờ học để xoay sở tiền nộp học phí cùng các khoản chi tiêu khác.

Đi làm thêm không những là cách để các bạn sinh viên tiếp cận với nhiều điều mới mẻ, mà còn giúp họ có một cách nhìn thực tế hơn, từ đó trưởng thành hơn trong cuộc sống.

Bình luận của bạn

Bình luận