Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần có là phù hợp?
Dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20 giờ/tuần, đây là một quy định được dư luận quan tâm.
Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Việc làm sửa đổi thay thế Luật Việc làm 2013 có quy định việc học sinh, sinh viên làm thêm giờ.
Theo đó, dự thảo đề xuất học sinh, sinh viên từ đủ 15 tuổi trở lên được nhận việc làm bán thời gian, nhưng không quá 20 giờ 1 tuần trong kỳ học, và không quá 48 giờ của tuần trong kỳ nghỉ. Quy định được dự thảo trong Điều 30, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đề xuất quy định về việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên.
Bên cạnh điều khoản về độ tuổi lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được làm việc và phải thực hiện quy định của pháp luật về lao động, thì quy định về tiền công của học sinh, sinh viên cũng được quy định rõ việc thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động và căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Học sinh, sinh viên tham gia việc làm bán thời gian được bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật Việc làm sửa đổi cũng đề xuất quy định người lao động là công dân Việt Nam có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp lao động chưa thành niên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần có là quá nhiều?
Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần có thể phù hợp trong một số trường hợp, nhưng cũng cần xem xét kỹ lưỡng các yếu tố liên quan tới việc ưu tiên học tập của học sinh, sinh viên. Nếu công việc làm thêm được quy định không ảnh hưởng đến tình hình học tập và kết quả chất lượng học của sinh viên, đảm bảo được yếu tố an toàn, sức khỏe thì mới có thể duy trì việc làm thêm ngoài giờ.
Có thể nói, việc tận dụng khoảng thời gian rảnh rỗi để học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động lao động sản xuất, đóng góp giá trị kinh tế cho xã hội, đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm và kiếm thu nhập để bảo đảm cuộc sống và chi trả cho việc học cũng là một điều khoản phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Tuy nhiên, các bạn học sinh, sinh viên trước khi tham gia các công việc làm thêm cũng cần đặt mục tiêu và kế hoạch cụ thể để lựa chọn các loại hình công việc phù hợp vừa đảm bảo có thêm thu nhập, vừa phù hợp với ngành học, nghề học và những định hướng phát triển cá nhân trong tương lai. Điều này cũng sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn đối với việc làm thêm.
Trên thế giới, tại các quốc gia học tập, việc làm thêm ngoài giờ với các bạn học sinh sinh viên không còn là chuyện hiếm. Thậm chí, hiện nay nó còn trở nên khá phổ biến, đặc biệt đối với các bạn học sinh, sinh viên học nghề, năm cuối... Tuy nhiên, đối với các quy định có tính pháp lý để đảm bảo cho việc làm thêm giờ được triển khai, rất cần thêm những đóng góp thiết thực phù hợp từ phía các chuyên gia, cha mẹ và chính các bạn học sinh, sinh viên.
Các cơ quan chức năng, soạn thảo, đề xuất cũng cần kiểm, đối chiếu, tham khảo mô hình của các nước trong khu vực và thế giới để có những quy định pháp lý phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google