Vàng sẽ bị đưa vào quản lý chặt
Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 345/NHNN-QLNH gửi Bộ Tài chính và công văn 10035/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng.
Chính phủ chỉ đạo công tác quản lý thị trường vàng hiệu quả, ổn định
Trước tình hình giá vàng biến động "nhảy múa" trong những ngày cuối tháng 12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg ngày 27/12/2023 về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng.
Khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1/2024.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền, đề xuất cấp thẩm quyền biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định…
Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức...
Rà soát khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách liên quan đến quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức..., đồng thời tổng kết thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng để kịp thời đề xuất cấp thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, hoàn thành trong tháng 1/2024.
Mặc dù giá vàng hạ nhiệt nhanh sau công điện của Thủ tướng và thông điệp sẵn sàng can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, song những ngày đầu năm 2024, giá vàng vẫn diễn biến rất thất thường, liên tục tăng sốc, giảm sâu trong ngày bất chấp giá vàng thế giới gần như đứng im.
Tăng cường kiểm tra công tác sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh vàng
Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn số 345/NHNN-QLNH gửi Bộ Tài chính và công văn 10035/NHNN-QLNH gửi Bộ Công an về việc phối hợp trong công tác quản lý thị trường vàng.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định đối với việc phát hành, sử dụng hóa đơn, chứng từ trong hoạt động kinh doanh mua, bán vàng, đặc biệt là hóa đơn, chứng từ trong hoạt động mua, bán vàng nguyên liệu và vàng miếng đồng thời xử lý nghiêm minh các hành vi phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an, phối hợp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng giá vàng tăng cao để đầu cơ, trục lợi, nhập lậu vàng qua biên giới, gây xáo trộn thị trường. Bên cạnh đó, Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan trong việc đấu tranh, điều tra, xử lý các vi phạm pháp luật về kinh doanh vàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao tại Nghị định 24.
Thị trường vàng biến động mạnh do các yếu tố tác động, cần triển khai ngay các giải pháp bình ổn giá vàng
Theo Ngần hàng Nhà nước, thời gian gần đây, giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh do ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị, ngoại giao phức tạp trên thế giới. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, động thái chuẩn bị đổi chiều chính sách lãi suất USD của FED khiến nhu cầu đầu tư vào vàng tăng cao. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng mạnh do ảnh hưởng bởi giá vàng quốc tế tăng và tâm lý của người dân khi thấy giá vàng quốc tế tăng liên tục.
Trước diễn biến mới của thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng, chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý.
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu sửa nghị định đảm bảo các chính sách ổn định thị trường vàng
Trước đó, NHNN cho biết, trong tháng 1/2024 sẽ báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi.
Liên quan đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC theo quy định của Nghị định 24, Phó thống đốc cho hay, dù nhiều loại vàng hay không thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của 100 triệu dân. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.
"Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác. Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi", Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google