Vắng bóng vai trò phản biện đề thi thời gian qua do đâu?

Ngọc Trân
12:00 - 23/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Khép lại 2 kì thi quan trọng của năm 2023 mới thấy việc ra đề thi có nhiều "sạn" khiến công chúng dấy lên nhiều lo ngại. Vậy, khi đề thi có sai sót, trách nhiệm của người phản biện đề đến đâu?

Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 ở các địa phương, thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay luôn được các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem trọng, đầu tư rất lớn trong tất cả các khâu từ việc lựa chọn nhân sự ra đề; in sao đề; coi thi; chấm thi nhằm đảm bảo quyền lợi đối đa cho thí sinh dự thi.

Trong rất nhiều khâu thực hiện của mỗi kỳ thi, khâu nào cũng quan trọng nhưng có lẽ các chuyên gia, các thầy cô giáo, thí sinh, phụ huynh dễ nhìn nhất, dễ thấy nhất là đề thi của mỗi kỳ thi sau khi kì thi kết thúc. 

Nếu đề thi sai sót, có những hạn chế không chỉ quyền lợi thí sinh bị ảnh hưởng mà uy tín của cấp tổ chức cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Trong đó có việc xét tuyển đại học, quyền lợi của thí sinh trong việc học lên cao. 

Đề thi tuyển sinh 10, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có sai sót đều xuất phát từ tổ ra đề thi. Những giáo viên được điều động tham gia phản biện đề đã không phát hiện ra những sai sót, hạn chế đáng tiếc.

Vắng bóng người phản biện đề thi thời gian qua do đâu? - Ảnh 2.

Kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2023. Ảnh: Ngọc Ánh

"Sạn" trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Dư luận đang nói nhiều về những tính chính xác trong đề thi môn Lịch sử khi có một câu hỏi bị sai dữ kiện nên đã liên quan đến các câu trong các mã đề: câu 15 - mã đề 301; câu 22 - mã đề 303; câu 13 - mã đề 305; câu 17- mã đề 307; câu 16 - mã đề 309; câu 10 - mã đề 311; câu 9 - mã đề 313; câu 19 - mã đề 315; câu 7 - mã đề 317; câu 17 - mã đề 319; câu 13 - mã đề 321; câu 8 - mã đề 323. 

Tuy nhiên, khi trả lời về sự việc này, ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Ban ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cho biết: "Câu hỏi chưa chặt chẽ nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh".

Nhưng, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 không chỉ riêng môn Lịch sử có "câu hỏi chưa chặt chẽ" mà một số đề thi cũng khiến dư luận băn khoăn, lên tiếng và phản ánh. 

Đó là môn Tiếng Anh mắc lỗi ngôn ngữ dẫn đến việc Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 quyết định điều chỉnh đáp án môn Tiếng Anh. Cụ thể, đáp án câu 50, mã đề 409 (thứ tự câu này có thể thay đổi theo các mã đề khác nhau) của môn Tiếng Anh có hai phương án đúng là B và C. Thí sinh lựa chọn một trong hai đáp án này đều được công nhận là chọn đúng đáp án.

Rồi đề thi môn Ngữ văn thì phần tập làm văn (câu 5,0 điểm) trùng với đề thi thử lớp 12 của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cũng tạo ra những ý kiến trái chiều từ dư luận xã hội. Đề thi Hóa học, đề thi Địa lý, đề thi Giáo dục công dân cũng có những câu hỏi gây tranh cãi. Thậm chí, đề môn Địa lý có câu mà giảng viên đại học Đồng Nai lên tiếng không có đáp án đúng.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì nhưng để xảy ra đề thi mà có những câu "chưa chặt chẽ"; trùng đề; 2 đáp án đúng; không có đáp án đúng… như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thừa nhận hoặc dư luận lên tiếng rõ ràng rất đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho các kì thi tới đây.

"Sạn" trong đề thi tuyển sinh lớp 10 ở một số địa phương?

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được các Sở Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức nhưng kỳ thi năm nay cũng đã có những điều khiến dư luận chưa thực sự yên tâm. Đó là nghi án lộ đề tiếng Anh ở Kon Tum khiến cho 12 thí sinh phải thi lại lần 2; đề thi môn Toán của Hà Nội lại mắc lỗi in ấn, khiến cho một số thí sinh dự thi hiểu nhầm, dẫn đến việc phụ huynh phải làm đơn kiến nghị lên Sở.

Bên cạnh đó, một số đề thi môn Ngữ văn cũng nhận được những ý kiến trái chiều của dư luận. Chẳng hạn, một số đề thi lấy đoạn ngữ liệu trong bài thơ Bếp lửa của Bằng Việt và đã hỏi: "Lời bà dặn cháu (người bà) đã vi phạm phương châm hội thoại nào, vì sao? Câu hỏi tạo nên sự phản cảm cho người đọc vì đã làm mất đi nét đẹp, sự tần tảo, hy sinh của người bà - người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp.

Điều đáng tiếc nữa là có đề thi Ngữ văn lớp 10 của một tỉnh phía Nam đã ra vào chương trình giảm tải từ 3 năm qua, đó là kiến thức của bài "Xưng hô trong hội thoại". Thế nhưng, không hiểu sao người ra đề lại lấy ngữ liệu liên quan đến kiến thức xưng hô trong hội thoại và có tới 3 câu hỏi (2,5 điểm) liên quan đơn vị kiến thức Tiếng Việt này.

Trong khi, ngày 27/8 năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, năm học 2020-2021.

Bước sang năm học 2021-2022, Bộ ban hành Công văn số 4040/BGDĐT-GDTrH, ngày 16/09/2021,hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, năm học 2021-2022 thay thế cho Công văn 3280.

Ngày 22/8/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023 đối với các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006: "Thực hiện dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2020 về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Chính vì thế, nhiều đơn vị kiến thức của chương trình 2006 đã được giảm tải xuyên suốt cả 3 năm học vừa qua. Thế nhưng, đối với đề thi tuyển sinh lớp 10 cho năm 2023-2024 vẫn có địa phương ra đề vào kiến thức đã được giảm tải, cụ thể là bài Xưng hô trong hội thoại ở lớp 9.

Trách nhiệm của người phản biện đề thi ở đâu?

Thông thường, đối với đề thi trung học phổ thông sẽ có một nhóm tác giả ra đề cho mỗi môn thi và mỗi đề thi như vậy cũng sẽ có một nhóm giáo viên phản biện. Đề thi tuyển sinh lớp 10 có phần đơn giản hơn nhưng thường cơ cấu 3 người, 1 người ra đề và 2 người phản biện.

Tuy nhiên, đề thi năm 2023 này đã có một số đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đề thi tuyển sinh 10 của một số địa phương để xảy ra những sai sót, hạn chế - đó là một điều tối kị khi ra đề và phản biện đề thi vì nó liên quan đến quyền lợi từ vài ngàn thí sinh đến hàng triệu thí sinh.

Vẫn biết rằng việc ra đề thi bao giờ cũng khó và căng thẳng nhưng cũng vì thế mà đội ngũ ra đề, phản biện đề luôn được triệu tập từ rất sớm, được các cấp tổ chức lựa chọn nhân sự cẩn thận và đương nhiên các bộ phận này cũng nhận được chế độ đãi ngộ cũng tương xứng.

Thế nhưng, sai sót ở một số đề đã xảy ra. Sai sót của người ra đề đã đành nhưng sai sót của người phản biện mới đáng trách hơn. Trách nhiệm của người phản biện là làm đọc, dò kĩ, làm thử đề thi xem có chỗ nào sai sót, chưa phù hợp để phản biện người ra đề. Từ đó, đi đến thống nhất một đề thi hoàn chỉnh cho kỳ thi.

Nếu người phản biện có chuyên môn vững vàng, làm hết trách nhiệm, dám nói, dám lên tiếng, dám tranh luận thì có lẽ đề thi sẽ không có những sự cố đáng tiếc. Tuy nhiên, những gì chúng ta đã thấy về một số đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông; một số đề thi tuyển sinh 10 năm nay phản ánh những hạn chế không chỉ là đối với người ra đề mà ngay cả với những người phản biện đề. Trong đó, trách nhiệm của người phản biện đề không hề nhỏ khi để xảy ra những sai sót, hạn chế.

Bình luận của bạn

Bình luận