Thí sinh xét tuyển đại học khối A năm 2023 chịu nhiều thiệt thòi?

Phan Anh
21:26 - 22/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều trường đại học áp dụng một mức điểm chuẩn với một ngành dù xét tuyển nhiều tổ hợp khiến thí sinh xét tuyển khối A, nhất là khối A00 sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Thí sinh xét tuyển đại học khối A năm 2023 chịu nhiều thiệt thòi? - Ảnh 1.

Biểu đồ phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 khối A (Toán, Vật lí, Hóa học) cho thấy: Mức điểm từ 17.75 trở lên có 273,705 thí sinh (năm 2022: 274,867 thí sinh; năm 2021: 292,090 thí sinh; năm 2020: 252,505 thí sinh). Như thế, nguồn tuyển khối A năm 2023 tương đương năm 2022, thấp hơn một chút so với năm 2021 và nhiều hơn hẳn so với năm 2020.

Thế nhưng, mức điểm từ 22 trở lên, năm 2023 có 125,398 thí sinh (năm 2022: 40,840 thí sinh - nhiều hơn năm 2023 là 11%; năm 2021: 148,401 thí sinh - nhiều hơn 2023 là 16%; năm 2020: 142,900 thí sinh - nhiều hơn 2023 là 14%).

Mức điểm từ 24.5 điểm trở lên, năm 2023 có 31,295 thí sinh - giảm 31% so với năm 2022 (45,185 thí sinh); giảm 26% so với 2021 (42,501 thí sinh); giảm 40% so với 2020 (52,246 thí sinh). Mức từ 27 điểm trở lên, năm 2023 có 2,061 thí sinh. Mức từ 28.5 điểm, năm 2023 có 93 thí sinh. 

Như vậy, nếu tính mức từ 15-17.75 điểm trở lên, nguồn tuyển khối A năm 2023 tương đương năm 2022, thấp hơn một chút so với năm 2021 và nhiều hơn hẳn so với năm 2020.

Trong khi đó, nguồn tuyển khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) năm 2023 có khoảng 700,000 thí sinh đạt mức từ 15 điểm trở lên, tương đương các năm 2020, 2021, 2022. Có 357,177 thí sinh đạt mức từ 20 điểm trở lên; có 276,221 thí sinh đạt mức từ 21 điểm trở lên; có 201,902 thí sinh đạt mức từ 22 điểm trở lên; có 136,723 thí sinh đạt mức từ 23 điểm trở lên; có 82,084 thí sinh đạt mức từ 24 điểm trở lên.

Mức điểm từ 25-27 trở lên, nguồn tuyển năm 2023 cao hơn năm 2022 từ 19-23%. Mức từ 28 điểm trở lên có 97 thí sinh; mức từ 28.25 điểm trở lên có 22 thí sinh; mức từ 28.5 điểm trở lên có 7 thí sinh; mức từ 28.75 điểm trở lên có 1 thí sinh.

Hiện nay, nhiều trường đại học áp dụng một mức điểm chuẩn với một ngành dù xét tuyển nhiều tổ hợp. Kết quả so sánh phổ điểm khối A và khối D01 cho thấy, khối D01 cao vọt lên - là một lợi thế cho thí sinh sử dụng điểm thi khối D01 để xét tuyển vào đại học, và ngược lại, sẽ là bất lợi cho 3 khối thi còn lại, đặc biệt là khối A00.

Ví dụ, mức điểm từ 20 trở lên có 357,177 lượt thí sinh khối D01; khối A00 là 209,329 lượt thí sinh (lệch nhau 1,7 lần). Còn từ mức điểm từ 24 trở lên, số lượt thí sinh khối D01 cao gấp 1,8 lần so với số lượt thí sinh khối A00. Mức điểm từ 26 trở lên, số lượt thí sinh khối D01 cao gấp 1.87 lần khối A00. Như thế, cơ hội đỗ của thí có điểm cao tương đương khối D01 gấp 1.87 lần thí sinh khối A00 (trường hợp chỉ có một điểm chuẩn cho tất cả tổ hợp vào cùng một ngành).

Lí thuyết là vậy, nhưng thực tế đã có nhiều thí sinh đỗ đại học theo các phương thức khác như: Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; đánh giá năng lực của Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; đánh giá chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; kỳ thi riêng của nhóm An ninh - Công an; kỳ thi năng khiếu riêng của các nhóm Kiến trúc, Mĩ thuật, Âm nhạc,... Sử dụng các chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEFL, SAT, GMAT… và kết hợp đa dạng các phương thức trên để tuyển sinh đại học.