Gần 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, cần lưu ý gì cho các kì thi tới?

Phan Anh
21:33 - 22/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo kết quả thống kê ban đầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 toàn quốc đạt 98,88%.

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố phổ điểm Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, nhiều thầy cô giáo và chuyên gia cho rằng, cần điều chỉnh thêm nội dung đề thi các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (chủ yếu là môn Tiếng Anh), tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Gần 99% thí sinh đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, cần lưu ý gì cho các kì thi tới? - Ảnh 1.

Học sinh Trung học phổ thông Trần Phú, Hà Nội sau kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ảnh: Lam Linh

Môn Toán: Cần thêm các bài toán thực tiễn

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Toán của cả nước năm 2023 cho thấy: có 1,003,372 thí sinh tham gia thi bài thi Toán, trong đó điểm trung bình là 6.25 điểm, điểm trung vị là 6.6 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.6 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 123 (chiếm tỷ lệ 0.012%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 217,093 (chiếm tỷ lệ 21.64%).

Một giáo viên ở Hà Nội cho rằng đề thi môn Toán năm 2023 có khả năng phân loại thí sinh tốt hơn năm 2022. Thí sinh phải nắm rõ bản chất, quan sát tinh tế, tính toán tỉ mỉ và cẩn thận mới có thể đạt điểm giỏi.

Tuy vậy, thầy Nguyễn Xuân Minh, giáo viên môn Toán ở Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Trong quan niệm về dạy, học và ra đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Toán hiện nay vẫn nặng về lí thuyết thuần túy, tức là đi sâu vào kỹ thuật giải toán và lao vào giải những bài toán khó. Việc này đòi hỏi học sinh phải được trang bị những kiến thức chuyên sâu, những kỹ năng "độc", "lạ" mới làm được, và các bài toán ấy hầu hết không gắn gì với thực tế.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua vẫn ra theo lối cũ, ít gắn với thực tiễn. Như vậy chỉ phát hiện được những "thợ giải toán" thay vì lựa chọn ra những người có năng lực xử lý tình huống, ứng dụng toán học như công cụ để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. 

"Có lẽ vì thế mà ta không thiếu học sinh giỏi toán nhưng rất thiếu những nhà phát minh, người có ý tưởng mới mẻ, sáng tạo", thầy giáo Nguyễn Xuân Minh bày tỏ sự băn khoăn.

Môn Ngữ văn: Nội dung phần đọc hiểu dễ dãi, đáp án làm văn quá nhẹ nhàng

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn của cả nước năm 2023 cho thấy: có 1,008,239 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6.86 điểm, điểm trung vị là 7.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.0 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 92 (chiếm tỷ lệ 0.009%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 73,622 (chiếm tỷ lệ 7.3%).

Nhận xét về đề thi và đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023, thầy giáo Phan Anh, Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết nội dung phần đọc hiểu dễ dãi, còn đáp án nhẹ nhàng nên điểm thi chưa được phân hóa rõ nét.

Cụ thể, câu 1 (nhận biết) yêu cầu thí sinh xác định thể thơ. Thí sinh chỉ cần trả lời thể thơ tự do là được 0.75 điểm.

Câu 2 (nhận biết), yêu cầu thí sinh chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè trong những dòng thơ: "Tiếng sấm gõ trên bầu trời thật thấp/ gió từ đất thổi lên rát mặt/ Cát bay, lá bay, đá bay" (Đi qua cơn giông, Anh Ngọc) là quá dễ dãi. Thí sinh trả lời được 1 đến 2 từ ngữ, hình ảnh thì được 0,25 điểm; 3 đến 4 từ ngữ, hình ảnh được 0.5 điểm; 5 đến 6 từ ngữ, hình ảnh được 0.75 điểm.

Câu 3 (thông hiểu) chỉ yêu cầu thí sinh nêu tác dụng (thay vì phải chỉ ra trước) của biện pháp tu từ so sánh (Mưa ròng ròng như triệu ngón tay/ Lùa vào trong cổ/ Ngỡ như hành quân trở về tuổi nhỏ/ Những giọt mưa nhảy múa trước hiên nhà) là khá dễ, thí sinh dễ đạt mức từ 0,075 điểm/1 điểm.

Câu 4 (vận dụng ở mức thấp) yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lẽ sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong dòng thơ "Ai cũng đi qua cơn giông của riêng mình" là một câu hỏi mang tính phân loại nhưng chỉ chiếm 0,5 điểm. Thí sinh viết sơ sài hay sâu sắc, chỉ cần có ý: Trong cuộc sống, ai cũng trải qua khó khăn, thử thách. Từ đó, rút ra một bài học về lẽ sống phù hợp là được trọn điểm.

Môn Tiếng Anh: Thiếu kĩ năng nghe, nói, viết

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 876,102 thí sinh tham gia thi bài thi Tiếng Anh, trong đó điểm trung bình là 5.45 điểm, điểm trung vị là 5.2 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4.2 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 192 (chiếm tỷ lệ 0.022%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 392,784 (chiếm tỷ lệ 44.83%).

Mặc dù phổ điểm môn Tiếng Anh kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 cao hơn năm 2022 (5.15 điểm) nhưng các nhà giáo dục vẫn khẳng định cách dạy ngoại ngữ hiện nay vẫn lệch và lạc hậu là do phương pháp kiểm tra, đánh giá chưa phù hợp.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh chỉ kiểm tra kĩ năng từ vựng, ngữ pháp mà thiếu phần nghe, nói. Đó cũng là lí do khiến học sinh, sinh viên học bao nhiêu năm nhưng vẫn không thể giao tiếp thông thạo hoặc vận dụng vào công việc.

Liên quan vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã từng chia sẻ với truyền thông rằng, thông thường, người ta đánh giá mức độ thuần thục ngoại ngữ theo bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đề thi IELTS cũng được thiết kế như vậy, không có nội dung thi văn phạm và đây là cách làm của người Anh. Trong khi đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Tiếng Anh của ta thiếu hẳn 3 kỹ năng nghe, nói và viết, chỉ có đọc hiểu và bổ sung phần văn phạm.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng nói, thực tế, việc dạy ngoại ngữ theo cấu trúc câu, ngữ pháp sẽ dễ so với dạy kỹ năng vì chỉ cần đem textbook ra là dạy được. Đã dạy như thế thì thi kiểm tra cũng thế và cũng dễ chấm điểm. Vì thế, trẻ lớn lên… "mù kỹ năng". 

Và chính giáo viên môn Tiếng Anh cũng khó cải thiện kỹ năng tiếng Anh thực hành.

Môn Lịch sử: Đừng quá chú ý thời gian, sự kiện

Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Lịch sử của cả nước năm 2023 cho thấy: Có 683,447 thí sinh tham gia thi bài thi Lịch sử, trong đó điểm trung bình là 6.03 điểm (điểm trung bình năm 2022 là 6.34 điểm), điểm trung vị là 6.0 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 5.75 điểm. Số thí sinh có điểm <=1 là 38 (chiếm tỷ lệ 0.006%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 170,237 (chiếm tỷ lệ 24.91%).

Liên quan đến việc học và thi cử, kiểm tra đánh giá, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với truyền thông rằng, đổi mới phải đi vào nội dung của từng môn học.

Lấy ví dụ từ đề thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa qua có câu hỏi chưa chặt chẽ về thời điểm diễn ra sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Nếu dạy học Lịch sử mà chỉ có kiểm tra và thiên về số lượng hoặc như tổ chức họp ở đâu, họp năm nào, bao nhiêu người họp, thu được bao nhiêu súng, giết được bao nhiêu quân địch…, thì môn lịch sử sẽ không bao giờ hấp dẫn cả".

Những câu hỏi kiểm tra theo kiểu diễn ra ở đâu, năm nào… chưa phải là những điều mà môn Lịch sử cần đem lại về nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm… qua môn học và do vậy cần phải tiếp tục đổi mới.

Bình luận của bạn

Bình luận