Văn học biểu đạt và chữa lành nỗi đau tinh thần của con người
Bạn suy nghĩ gì về cách văn học biểu đạt nỗi đau tinh thần của con người? Theo bạn, văn học sẽ chữa lành những nỗi đau tinh thần như thế nào?
"Văn học biểu đạt và chữa lành nỗi đau tinh thần của con người".
Thầy giáo Trần Lê Duy, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, hướng dẫn cách làm bài câu nghị luận văn học - văn học biểu đạt và chữa lành nỗi đau tinh thần của con người" - được gợi ra từ câu nói của Raul Hilbert.
Raul Hilbert đã nói về công việc ghi chép lịch sử Holocaust: "Bây giờ tôi được thông báo rằng tôi thực sự đã thành công. Và đó là nguyên nhân gây ra một số lo lắng, […] điều đó có nghĩa là ngày nay một số người có thể đọc những gì tôi đã viết với niềm tin sai lầm rằng ở đây, trên những trang in của tôi, họ sẽ tìm thấy sự thực tối hậu về Holocaust như nó đã thực sự xảy ra".
Ý kiến trên gợi ra rằng những loại ngôn ngữ được xem là chính xác (như ngôn ngữ lịch sử) chỉ ghi lại được sự kiện nhưng không thể ghi lại nỗi đau tinh thần của con người, điều mà ngôn ngữ văn học có nhiều ưu thế để thực hiện. (Theo Trauma and Literature – Cambridge Critical Concepts)
Đoạn trích trên gợi cho bạn suy nghĩ gì về cách văn học biểu đạt nỗi đau tinh thần của con người? Theo bạn, văn học sẽ chữa lành những nỗi đau tinh thần như thế nào? Viết bài văn trình bày suy nghĩ của bạn.
Hướng dẫn viết bài văn biểu đạt văn học có thể chữa lành nỗi đau tinh thần
1. Giải thích
Nhận định của nhà sử học Raul Hilbert (về việc ghi chép lịch sử Holocaust): Những ghi chép bằng ngôn ngữ chính xác (như lịch sử) chỉ ghi lại được sự kiện mà không ghi được tinh thần, trong đó có nỗi đau của con người.
Chốt vấn đề nghị luận: (1) cách văn học biểu đạt nỗi đau của con người; (2) cách văn học chữa lành nỗi đau.
2. Bàn luận – chứng minh
Luận điểm 1: Ngôn ngữ lịch sử (hay các loại ngôn ngữ chính xác khác) chỉ biểu đạt được sự kiện nhưng bất lực trước nỗi đau tinh thần của nhân loại.
Lí lẽ: Bởi vì nỗi đau tinh thần không thể diễn đạt trọn vẹn và chính xác bằng ngôn ngữ:
- Có những nỗi đau làm người ta chết lặng, không thể nói thành lời.
- Có những nỗi đau thẳm sâu trong tâm hồn với những khúc mắc, chiều sâu giấu kín, không dễ gì biểu đạt thành lời.
- Có những nỗi đau mà bản thân mỗi người cũng không thể hiểu hết, không thể biểu đạt.
Luận điểm 2: Khác với ngôn ngữ lịch sử, văn học có những ưu thế trong việc thể hiện nỗi đau tinh thần của nhân loại:
Vì sao văn học có thể biểu đạt được nỗi đau tinh thần của con người?
Lí lẽ 1: Vì chất liệu của văn học là ngôn từ, có tính phi vật thể. Ngôn từ văn học giúp kiến tạo nên thế giới hình tượng. Cho nên văn học có thể biểu đạt những thứ vô hình, trừu tượng, và đặc biệt là thế giới nội tâm như nó đang diễn ra. Văn học thể hiện thế giới của nỗi đau thông qua các hình tượng.
Lí lẽ 2: Vì đọc văn học là việc thâm nhập vào thế giới hình tượng, nhìn qua "đôi mắt của kẻ khác". Cho nên văn học giúp chúng ta trải nghiệm nỗi đau tinh thần một cách chân thực, bồi đắp khả năng thấu cảm.
Lí lẽ 3: Vì văn học có những khoảng lặng đầy ý nghĩa, "ý tại ngôn ngoại", những điều chưa nói trong văn bản văn học như một vũ trụ ý nghĩa mở ra nhiều suy ngẫm, cảm xúc. Cho nên văn học có thể biểu đạt nỗi đau thông qua sự im lặng.
Lí lẽ 4: Vì thế giới của văn học là thế giới hình tượng, thế giới tinh thần có quy luật vận động riêng, độc đáo, khác thường đôi khi trái ngược với quy luật đời sống. Cho nên văn học có thể biểu đạt gián tiếp nỗi đau thông qua các thế giới nghệ thuật mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ.
Luận điểm 3: Không chỉ biểu đạt nỗi đau, văn học còn mang đến những tiềm năng chữa lành, minh định những nỗi đau.
Lí lẽ 1: VÌ văn học giúp cho những nỗi đau được cất lời, Cho nên văn học giúp con người cảm thấy được đồng cảm, được an ủi, được sẻ chia nỗi đau tinh thần.
Lí lẽ 2: Vì văn học giúp con người đối diện với nỗi đau, Cho nên mỗi người có thể tìm và hiểu nỗi đau đó. Chấp nhận và vượt qua nỗi đau.
Lí lẽ 3 vì (tất cả những điều trên), cho nên văn học có thể đưa ra cho con người giải pháp hành động để đối diện với nỗi đau.
Lí lẽ 4 vì văn học tìm đến cái cao cả, cái thẩm mĩ. Cho nên thanh lọc tâm hồn con người và cho họ sức mạnh vượt lên nỗi đau.
3. Tổng kết
Khẳng định lại vấn đề: Như một quy luật, văn học và nỗi đau của con người có sự gắn bó không thể tách rời. Nhờ văn học, nỗi đau được bày tỏ, và nhờ những nỗi đau, các vấn đề triết lí trong văn học được soi tỏ.
Văn học có thể phản ánh và chữa lành nỗi đau của con người trên nhiều cấp độ: (1) Nỗi đau của chủ thể sáng tạo như một cách minh định chính mình, (2) Nỗi đau của nhân vật như một cách biểu đạt để hiểu về chấn thương tinh thần của nhân loại, (3) khơi gợi nỗi đau của người đọc để đồng cảm, thấu hiểu, chữa lành.
Mở rộng: Tự thân văn học không thể chữa lành nỗi đau, cần có sự chủ động, tích cực, đồng hành, cam kết,… từ phía chủ thể sáng tạo và người tiếp nhận như những "tri âm, tri kỉ", "đồng bệnh tương lân".
Bài học cho nhà văn và bạn đọc trong quá trình sáng tác và tiếp nhận.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google