Vẫn còn 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông

Quỳnh Giang
15:02 - 17/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Từ nay đến tháng 2/2023, trên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong số đó, có khoảng 3-5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Đề phòng bão có hướng di chuyển phức tạp

Theo bản tin cập nhật về hiện tượng ENSO và nhận định xu thế khí tượng thủy văn thời hạn mùa từ tháng 9/2022 đến tháng 2/2023 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: Từ nay đến tháng 2/2023, trên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong số đó, có khoảng 3-5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Đặc biệt, cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp và mưa lớn dồn dập tại khu vực miền Trung trong các tháng cuối năm 2022. Không ngoại trừ khả năng tháng 1/2023 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Đồng thời, tại khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, độ cao sóng lớn nhất từ 5-8m với vùng biển ngoài khơi và từ 4-6m tại vùng ven bờ. Trong nửa cuối tháng 8 và tháng 9/2022, độ cao sóng lớn nhất trong các đợt gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh có thể lên tới 4m trên vùng biển ngoài khơi và từ 2-3m tại khu vực biển ven bờ. Bên cạnh đó, các đợt không khí lạnh trong các tháng cuối năm cũng sẽ gây sóng cao từ 2-4m trên dải ven biển từ Quảng Ninh đến Đông Cà Mau.

Ven biển các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cũng cần đề phòng nước dâng do bão trong khoảng thời gian từ nửa cuối tháng 8-10/2022.

Khả năng cao ven biển Trung Bộ cũng sẽ xuất hiện một số đợt mực nước biển lên cao bất thường trong những ngày thủy triều dâng cao và có xoáy thuận hoạt động ngoài khơi Trung Bộ hoặc không khí lạnh lấn sâu xuống khu vực này.

Từ nay đến tháng 2/2023, trên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong số đó, có khoảng 3-5 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Từ tháng 6 đến nửa đầu tháng 8/2022 trên khu vực Biển Đông đã xuất hiện 2 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Trong đó cơn bão số 1-CHABA diễn ra từ ngày 28/6-3/7 và áp thấp nhiệt đới xuất hiện vào ngày 4/8 đều không đổ bộ vào đất liền nước ta, riêng bão số 1 ảnh hưởng gián tiếp gây mưa cho khu vực Bắc Bộ.

Cơn bão số 2-MULAN được hình thành từ một vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông vào chiều ngày 8/8, sau đó mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới. Đến chiều 9/8 áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 2 trong năm 2022 với cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10. Sau khi mạnh lên, bão di chuyển theo hướng Bắc sau đổi hướng Tây Bắc đi vào Vịnh Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đi vào khu vực Quảng Ninh vào sáng ngày 10/8, áp thấp nhiệt đới tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, suy yếu và tan dần. Đây là cơn bão đầu tiên đổ bộ vào đất liền nước ta trong năm 2022.

(Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia)

Vẫn còn 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông - Ảnh 3.

Vị trí, đường đi và phạm vi ảnh hưởng của bão số 2 ngày 10/8/2022. Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia

Đề phòng mưa lớn dồn dập tại miền Trung, lũ trên các sông vượt mức báo động 3

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, từ tháng 10-11/2022, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, tại khu vực Nam Bộ trong những tháng đầu năm 2023 vẫn có khả năng xuất hiện các đợt mưa trái mùa cục bộ. Trên phạm vi toàn quốc cần tiếp tục đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, mưa đá.

Theo đó, từ tháng 9-10/2022, trên các sông suối ở khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện lũ với đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động 1-báo động 2.

Tháng 9 tới, dòng chảy trên lưu vực sông Đà ở mức thiếu hụt so trung bình nhiều năm từ 5-25%; trên sông Gâm, dòng chảy đến hồ Tuyên Quang lớn hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 5-10%; trên sông Chảy, dòng chảy đến hồ Thác Bà xấp xỉ trung bình nhiều năm; trên sông Thao, hạ lưu sông Lô và sông Hồng thiếu hụt từ 10-20%.

Từ tháng 10/2022 đến tháng 2/2023, lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm; trên các lưu vực sông ở khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, tại Trung Bộ và Tây Nguyên, nửa cuối tháng 8, trên thượng nguồn các sông ở khu vực này khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ nhỏ và dao động.

Đặc biệt, từ tháng 9 đến tháng 12/2022, trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ lớn.

Cụ thể: Đỉnh lũ năm 2022, tại hạ lưu các sông chính từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3. Trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.

Đồng thời, lưu lượng dòng chảy trên các sông ở Thanh Hóa, Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Nam Tây Nguyên từ tháng 9 đến tháng 12/2022 có khả năng ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-30%; các sông khác ở Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên ở mức thấp hơn 10-40%.

Tại Nam Bộ, từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2022 là thời kỳ mùa lũ trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long. Dự báo, đỉnh lũ năm 2022 tại đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở mức báo động 1, đỉnh lũ năm có thể xuất hiện vào nửa cuối tháng 10.

Tại các trạm hạ nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm có thể ở mức báo động 2 - báo động 3, một số trạm trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.

Tháng 12/2022 và tháng 1, 2/2023, mực nước trên sông Mê Công và đầu nguồn sông Cửu Long biến đổi chậm với xu thế xuống dần.

Ngoài ra, trên sông Đồng Nai khả năng xuất hiện 2-3 đợt lũ, đỉnh lũ năm tại trạm Tà Lài ở mức báo động 2 - báo động 3.

Vẫn còn 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông - Ảnh 4.

Vùng “rốn lũ” Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình tháng 10/2020. Nước lũ dâng cao hơn 2m, khoảng 300 ngôi nhà bị ngập sâu, người dân chủ động di dời tài sản và chuyển sang tránh lũ trên những nhà nổi. Ảnh: TTXVN

Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 10 đến tháng 12/2022, tại khu vực ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 6 đợt triều cường, bao gồm:

Đợt 1 từ ngày 08-11/10

Đợt 2 từ ngày 26-31/10

Đợt 3 từ ngày 06-12/11

Đợt 4 từ ngày 23-29/11

Đợt 5 từ ngày 07-11/12

Đợt 6 từ ngày 21-29/12

Cần lưu ý 3 đợt triều cường vào những ngày cuối tháng 10, 11 và 12 (đợt 2, 4 và 6) độ cao mực nước tại trạm hải văn Vũng Tàu vượt ngưỡng 4m. Do vậy cần đề phòng nguy cơ ngập lụt cao tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông nếu thời gian triều cường trùng với kỳ gió chướng có cường độ mạnh.

Đồng thời, tại ven biển Tây Nam Bộ, khoảng từ cuối tháng 8-9/2022 cần đề phòng mực nước biển dâng cao bất thường gây sạt lở đê biển trong thời gian xuất hiện triều cường kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.

Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, trong tháng 7/2022, trên cả nước đã xảy ra 14 trận mưa lớn; 51 trận mưa dông, lốc, sét; 26 vụ sạt lở bờ sông; 11 trận động đất; 04 trận gió mạnh trên biển gây thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 37,57 tỷ đồng.

Thiên tai đã làm 28 người chết, mất tích; 23 người bị thương (đã bao gồm 6 thuyền viên đã bị chết nhưng chưa tìm thấy xác và 9 thuyền viên bị thương trên tàu cá Bth-97478 TS Bình Thuận bị mất liên lạc từ ngày 10/7/2022). Đã có 267 ngôi nhà bị sập, 1.794 nhà bị hư hỏng, tốc mái, 1.070 nhà ngập nước. Thiên tai cũng đã làm 3.459ha lúa, 162ha hoa màu, 221 ha cây trồng khác thiệt hại; 11.694 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 291ha nuôi trồng thuỷ sản; 22 phương tiện khai thác thủy, hải sản bị thiệt hại. Không chỉ vậy, 231m đê, kè, kênh mương; 852m bờ sông, bờ biển đã bị sạt lở trong tháng 7/2022. Ngoài ra, 6.655 m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với 650m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 2 cầu bị hư hỏng.