Dự báo mưa lớn dồn dập từ tháng 10-11/2022 ở ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập.
Diễn biến xu thế khí hậu nửa cuối năm 2022, đầu năm 2023
Theo Bản tin nhận định xu thế khí hậu từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong nửa cuối năm 2022, xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có xu hướng xấp xỉ trung bình nhiều năm và ảnh hưởng đến nước ta ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; nhiều khả năng xoáy thuận nhiệt đới sẽ hoạt động dồn dập trong các tháng cuối năm 2022 và có thể còn xuất hiện trong tháng 1/2023, vùng ảnh hưởng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam.
Các tháng 8-9/2022, lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 8-9/2022, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Từ tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.
Từ tháng 8-10/2022, nhiệt độ trung bình trên cả nước có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm.
Không khí lạnh có khả năng hoạt động sớm và nền nhiệt độ các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các tháng của mùa Đông năm 2022-2023, nhiệt độ có xu hướng từ xấp xỉ đến thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Từ tháng 1-3/2023 lượng mưa có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm trên toàn quốc, các tháng mùa khô đầu năm 2023 tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có thể xuất hiện các đợt mưa trái mùa.
Từ tháng 4-6/2023 lượng mưa trên cả nước phổ biến có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm.
Mưa lớn là gì?
Theo Tổng cục phòng chống thiên tai, mưa lớn là hiện tượng mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50mm trong 24 giờ, trong đó mưa với tổng lượng mưa từ 51mm đến 100 mm trong 24 giờ là mưa to, mưa với tổng lượng mưa trên 100mm trong 24 giờ là mưa rất to
Nguyên nhân xảy ra mưa lớn là do hệ quả của một số loại hình thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới hay dải hội tụ nhiệt đới, front lạnh, đường đứt... Đặc biệt khi có sự kết hợp của chúng sẽ càng nguy hiểm hơn gây nên mưa, mưa vừa đến mưa to, trong một thời gian dài trên một phạm vi rộng.
Để phòng tránh những thiệt hại do mưa lớn gây ra, các địa phương, tổ chức, cá nhân cần thực hiện các khuyến cáo sau:
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc hoàn thành các hạng mục tu bổ, gia cố và nâng cấp các cống, đập, bờ bao theo đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Thông báo cho phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc và người dân để chủ động rà soát, kiểm tra các hạng mục bờ bao sông, kênh, rạch; đề phòng tình trạng các bờ bao bị xói lở, sụp lún do mưa lớn dẫn đến nguy cơ gây bể bờ, tràn bờ vào thời điểm triều cường; bố trí lực lượng xung kích ở các vị trí xung yếu, chuẩn bị đủ vật tư dự trữ và phương tiện vận tải thích hợp để ứng phó, gia cố theo phương châm "bốn tại chỗ".
Các địa bàn có nguy cơ sạt lở như huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, quận Bình Thạnh… cần có phương án đề phòng mưa lớn kết hợp với chân triều rút sâu gây sạt lở làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Các địa phương, đơn vị có các trạm bơm, máy bơm chống ngập úng phải chuẩn bị sẵn sàng nhiên liệu, kiểm tra hệ thống điện để thực hiện bơm chống ngập úng. Khai thông các cống, rãnh thường xuyên bị tắc nghẽn đề phòng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Thông báo, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân kiểm tra, bảo quản các hóa chất độc hại để bảo đảm an toàn, không để phát tán gây ô nhiễm môi trường khi có mưa lớn, ngập úng.
Năm 2021, ở nước ta đã xảy ra 4.061 trận thiên tai, tai nạn, sự cố (chưa tính tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt), làm 530 người chết và mất tích. Riêng về thiên tai đã xảy ra 841 trận với 18 trong tổng số 22 loại hình thiên tai các loại, làm 108 người chết và mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng 5.200 tỷ đồng.
Đặc biệt, siêu bão số 9 (bão Rai) hoạt động trên Biển Đông và liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9/2021 đến đầu tháng 12/2021 ở khu vực miền Trung với tổng lượng mưa 2.000-3.000mm gây lũ gần mức lịch sử trên các sông ở Bình Định, Phú Yên, ngập lụt diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi.
(Tổng cục phòng chống thiên tai)
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google