Vẫn còn 16 cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập hội đồng trường

Thiên Ân
14:13 - 19/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường và đi vào hoạt động theo quy định.

154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường

Theo báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, cả nước có 154/170 cơ sở giáo dục đại học công lập đã thành lập hội đồng trường và đi vào hoạt động theo quy định, như vậy vẫn còn 16 cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập hội đồng trường.

Việc thành lập hội đồng trường tại các trường trực thuộc các bộ, ngành, địa phương đạt tỉ lệ 91,18%. Trong đó, 15 cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc các bộ, ngành, địa phương đang xây dựng và trình cấp có thẩm quyền công nhận hội đồng trường.

Vẫn còn 16 cơ sở giáo dục đại học chưa thành lập hội đồng trường - Ảnh 1.

Sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEH

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo đại học đã chủ động tăng số lượng giảng viên và giảm số lượng lao động khối hành chính. Đồng thời, thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học với mục tiêu góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, nâng cao thu nhập cho giảng viên.

Các cơ sở giáo đại học cũng đẩy mạnh quá trình xã hội hóa giáo dục, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm đáp ứng đầy đủ hơn điều kiện giảng dạy và nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng; liên kết với thị trường lao động đi vào thực chất; tăng cường kiểm soát các khoản chi, gia tăng tiết kiệm, bảo đảm tính hiệu quả trong quản lý và sử dụng nguồn lực.

Kết quả thực hiện tự chủ về chuyên môn học thuật ở các cơ sở giáo dục đại học cũng cho thấy, thực hiện tự chủ trong việc mở ngành đào tạo/chương trình liên kết đào tạo là một nội dung quan trọng trong hoạt động tự chủ.

Bên cạnh việc mở ngành đào tạo mới, phát triển các chương trình liên kết đào tạo trong và ngoài nước, các trường cũng tích cực điều chỉnh các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học; đổi mới phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế, chủ động tăng cường công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục. 

Tự chủ đại học đã tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong tuyển sinh, thu hút sinh viên giỏi. Quy mô tuyển sinh sinh viên hệ đại trà sau tự chủ có xu hướng giảm và thay vào đó là tăng quy mô tuyển sinh các chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo chất lượng cao, liên kết đào tạo với nước ngoài và đào tạo bằng tiếng Anh.

Các trường đại học tiếp tục tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế

Cũng theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng các cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. 

Tính đến ngày 30/6/2023, theo tiêu chuẩn trong nước, có 264 cơ sở đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá chu kỳ 1 (trong đó, có 242 cơ sở giáo dục đại học và 22 trường cao đẳng sư phạm) và 84 cơ sở giáo dục đại học hoàn thành tự đánh giá chu kỳ 2;

183 cơ sở giáo dục đại học và 12 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục;

1.206 chương trình đào tạo hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 997 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài) và 849 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo tiêu chuẩn nước ngoài, có 9 cơ sở giáo dục đại học được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của Hội đồng Cấp cao về Đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và AUN-QA; 393 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận bởi 10 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế. 

Việt Nam có 5 đại diện có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở giáo dục đại học vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE).

Đặc biệt, theo công bố tại website research.com (công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học theo 24 lĩnh vực), Việt Nam có 10 nhà khoa học có tên trong bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực, bao gồm: Kỹ thuật Công nghệ, Khoa học Máy Tính, Khoa học Môi trường, Khoa học Vật Liệu, Cơ khí và Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Y học cộng đồng.