VAMC - cánh chim đầu đàn trong hoạt động quản lý tài sản và xử lý nợ xấu

Quang Minh
17:22 - 27/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 27/6, tại Hà Nội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập (27/6/2013 - 27/6/2023).

VAMC - hành trình 10 năm khẳng định vai trò đảm bảo xử lý nợ xấu

Trong những năm qua, nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ suy thoái dẫn tới sự giảm sút của nền kinh tế nói chung. Từ đó, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tỷ lệ lạm phát cao tác động tới các doanh nghiệp.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan quản lý và các doanh nghiệp là cần đảm bảo công tác xử lý nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng trong các tổ chức tín dụng trong những tháng đầu năm 2013, đe dọa đến an toàn hệ thống.

Trước bối cảnh này, cần phải có một công cụ đặc biệt hữu hiệu để xử lý nợ nhanh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng về mức an toàn, khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Ngày 27/6/2013, VAMC chính thức được thành lập theo Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của NHNN, ngay sau khi Chính phủ có Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/05/2013, phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”.

Sau 10 năm đi vào hoạt động, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành Ngân hàng nói chung và VAMC nói riêng liên quan đến xử lý nợ xấu về cơ bản đã dần được tháo gỡ.

Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội, Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước, phối hợp chặt chẽ của các tổ chức tín dụng, sự hỗ trợ tích cực kịp thời của các Bộ, ngành, chung sức đồng lòng của Ban Lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ nhân viên, VAMC đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò chủ lực, là công cụ của Ngân hàng Nhà nước góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống Ngân hàng.

Kể từ khi ra đời cho đến nay, VAMC đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ quản lý tài sản và đóng góp đưa nợ xấu toàn ngành về mức dưới 3%. Đồng thời, VAMC cũng thực hiện tốt vai trò trong hoạt động tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2016-2020.

VAMC - kết nối tạo hành lang an toàn hoạt động tín dụng, mở ra nhiều cơ hội

Cơ chế xử lý nợ xấu qua VAMC giúp đẩy mạnh kết nối, thiết lập mối quan hệ với với các đối tác, nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời, học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của các nước trên thế giới để áp dụng hiệu quả, phù hợp với hoạt động tại Việt Nam.

Trong quá trình tập trung thực hiện xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42, VAMC đã ký các thỏa thuận hợp tác toàn diện về xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2022 với các tổ chức tín dụng gồm: BIDV, Sacombank, Agribank và Vietinbank và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Những thỏa thuận hợp tác lần lượt được ký kết đã kết nối thêm với các đơn vị BIDV, NamABank, SAIGONBANK, PVCombank và Agribank... đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài biết đến, tham gia góp vốn vào các tổ chức uy tín, tạo sự thúc đẩy và thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài để tăng cường giao lưu và học hỏi kinh nghiệm như: Ký kết thỏa thuận hợp tác với SAM, KAMCO; trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội xử lý nợ công IPAF và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA); tham gia các cuộc hội thảo quốc tế; phối hợp thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA, World Bank; hợp tác trao đổi kinh nghiệm với Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Ngân hàng Trung ương Bangladesh; thiết lập quan hệ với nhà đầu tư quốc tế…

Được sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, vốn điều lệ của VAMC từ 500 tỷ đồng được cấp khi mới thành lập đến nay đã tăng lên 5.000 tỷ đồng. Năng lực hoạt động của VAMC ngày càng được nâng cao, bộ máy tổ chức của VAMC dần được kiện toàn và hoàn thiện.

Có thể nói, sự ra đời và hoạt động của VAMC đã và đang nỗ lực thúc đẩy các hoạt động mua, bán và xử lý nợ xấu có những chuyển biến tích cực và góp phần thúc đẩy quá trình xử lý thu hồi nợ xấu của toàn ngành Ngân hàng, tạo lập và thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ tập trung tại Việt Nam.

VAMC - Công cụ đắc lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xử lý nợ xấu

Nhân Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập VAMC, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đã đánh giá cao vai trò thích ứng linh hoạt của VAMC với tình hình thực tế trong chặng đường 10 năm hình thành và phát triển.

Đồng thời, Phó Thống đốc chúc mừng, biểu dương những kết quả mà VAMC đã đạt được và những đóng góp tích cực của VAMC đối với sự phát triển chung của ngành Ngân hàng cũng như của đất nước trong một thập kỷ vừa qua.

VAMC - cánh chim đầu đàn trong hoạt động quản lý tài sản và xử lý nợ xấu - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tặng hoa cho các đồng chí nguyên là Lãnh đạo của VAMC.

Trong 10 năm qua, VAMC đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định vai trò là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tổ chức tín dụng, góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống về mức an toàn (dưới 3%); hình thành và góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam; đồng thời bảo toàn vốn và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Hướng tới năm 2030, Phó Thống đốc chia sẻ, giai đoạn tới, dự báo nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành Ngân hàng nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn do chịu tác động từ tình hình bất ổn của thế giới. Do đó, để tiếp tục phát huy vai trò của VAMC là công cụ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong quá trình xử lý nợ xấu, đồng thời xây dựng VAMC trở thành trung tâm của thị trường mua bán nợ Việt Nam, Phó Thống đốc đề nghị VAMC cần nỗ lực tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ để tiếp tục giữ vững vị thế, vai trò là trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ Việt Nam và đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành Ngân hàng.

Nguồn: SBV