Năm 2023, ngành Ngân hàng đối mặt với thách thức từ nợ xấu

Trang Linh
17:02 - 21/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 một cách thận trọng, tất cả các ngân hàng đều điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận.

Các ngân hàng nhìn nhận năm 2023 các doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại trong đó có thách thức nợ xấu.

Năm 2023, ngành Ngân hàng đứng trước thách thức nợ xấu:

Theo khảo sát của Vietnam Report, nợ xấu gia tăng, tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống được nhận diện là thách thức lớn nhất mà các ngân hàng phải đối diện trong thời gian tới. 28 ngân hàng tham gia khảo sát của Vietnam Report có nợ xấu tăng hơn 23% so với cuối năm 2022, lên mức hơn 172.000 tỉ đồng. 

Quý 1 cũng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu (NPL) tăng mạnh trở lại ở mức 1,93%, cao hơn so với giai đoạn trước dịch. Nguyên nhân chủ yếu là do sự đóng băng của thị trường bất động sản, lĩnh vực đóng góp tới 21% dư nợ tín dụng ngành Ngân hàng.

Do đó, mục tiêu các ngân hàng hướng tới trong năm nay không phải là tăng trưởng tín dụng, mà là tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, ưu tiên quản trị rủi ro và cân bằng chất lượng tài sản.

Tăng trích lập dự phòng đương đầu với rủi ro

Theo khảo sát của Vietnam Report, 71,4% ngân hàng dự kiến sẽ tăng trích lập dự phòng trong năm 2023 (tăng 25,9% so với kết quả khảo sát năm 2022). Việc chủ động tăng cường trích lập dự phòng được kỳ vọng sẽ giúp ngân hàng chủ động đương đầu với rủi ro nợ xấu tăng.

Năm 2023, ngành Ngân hàng đối mặt với thách thức từ nợ xấu - Ảnh 1.

7 thách thức ngành Ngân hàng phải đối diện trong năm 2023. Ảnh: Vietnam Report

Nguy cơ rủi ro lạm phát đã giảm xuống, trở thành thách thức lớn thứ hai với 96,4% ngân hàng e ngại. 

Các ngân hàng lo ngại rằng việc tăng giá điện 3% gần đây, kế hoạch tăng lương cơ sở từ tháng 7/2023 và đà tăng giá các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng… có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm.

Theo Vietnam Report, bình quân 5 tháng đầu năm, lạm phát Việt Nam tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2023, Việt Nam đưa ra mức lạm phát mục tiêu là dưới 4,5%, điều chỉnh tăng 0,5% so với mức lạm phát mục tiêu dài hạn, nhưng đây là điều không đơn giản. 

Rào cản lớn thứ ba được các ngân hàng chỉ ra là tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức thấp và có rủi ro suy thoái. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu công bố ngày 6/6, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 2,1% trong năm 2023. Con số này tăng so với dự kiến 1,7% được đưa ra vào tháng 1 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 là 3,1%. 

thách thức nợ xấu

Năm 2023, ngành Ngân hàng đối diện với nhiều thách thức lớn. Ảnh: Chí Tín

Thương mại toàn cầu giảm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước năm 2023, dẫn đến giảm cầu tín dụng; đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế đều suy yếu. 

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, thương mại hàng hóa quốc tế tiếp tục thu hẹp khi xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm giảm, chỉ bằng 88,4% và 82,1% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong môi trường tăng trưởng thấp, các doanh nghiệp và cá nhân có xu hướng có nhu cầu vay và đầu tư thấp hơn, ảnh hưởng đến giảm nguồn thu tín dụng và các sản phẩm tài chính khác. 

Ngoài ra, kinh tế suy giảm khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, kéo theo tỉ lệ vỡ nợ cao, ảnh hưởng xấu đến giá trị tài sản thế chấp mà các ngân hàng nắm giữ, chẳng hạn như bất động sản hoặc cổ phiếu, dẫn đến suy giảm chất lượng tài sản, làm hạn chế khả năng cho vay.

Theo Vietnam Report, sự suy thoái của thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng bancassurance (mua qua kênh ngân hàng) được nhiều ngân hàng lo ngại.

Đồng thời, sự xuất hiện của các công ty fintech (công nghệ tài chính) thách thức thị trường của các ngân hàng, áp lực vốn điều lệ gia tăng nhằm cải thiện các hệ số an toàn vốn và vị trí xếp hạng cũng được nhận định là thách thức mà các ngân hàng phải đối mặt trong thời gian tới.