Ứng dụng và kiểm soát AI - một trong 4 chủ đề quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024

Trần Vũ
06:06 - 16/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin", các nhà lãnh đạo WEF thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại sự tín nhiệm giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và rủi ro có thể gây ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 với chủ đề: "Xây dựng lại niềm tin" diễn ra tại thành phố Davos của Thụy Sĩ trong các ngày 15-19/1. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình địa chính trị và kinh tế - xã hội tại nhiều nơi trên thế giới có những diễn biến phức tạp và bất ổn.

Chương trình nghị sự của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024 xoay quanh 4 chủ đề quan trọng, trong đó có ứng dụng và kiểm soát AI

Ứng dụng và kiểm soát AI - một trong 4 chủ đề quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024- Ảnh 1.

Những vấn đề cấp bách nhất mà hành tinh đang phải đối mặt sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024. Ảnh: Trần Vũ

Với chủ đề "Xây dựng lại niềm tin", các nhà lãnh đạo WEF thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại sự tín nhiệm giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu, bao gồm xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu và rủi ro có thể gây ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI).

Ứng dụng và kiểm soát AI - một trong 4 chủ đề quan trọng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024

Các chuyên gia cho rằng, WEF 2024 sẽ bị bao phủ bởi nỗi lo xung đột tại Trung Đông đang lan rộng, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa có tín hiệu sẽ kết thúc. Đây là những "biến số" đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 khi những hậu quả của đại dịch COVID-19, khủng hoảng năng lượng, lạm phát và lãi suất cao vẫn để lại không ít hệ lụy nặng nề cho nhiều khu vực trên thế giới.

Một nguy cơ mới nổi nhưng tác động được đánh giá không hề kém nghiêm trọng là sự phát triển mang tính bùng nổ của công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh những lợi ích tích cực, được ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả trong nhiều lĩnh vực của kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng… song AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, trong đó có vấn đề bảo vệ an ninh quốc gia, khiến WEF trong "Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2024" công bố trước thềm Diễn đàn đã cảnh báo tin giả do AI tạo ra là một trong những mối đe dọa lớn nhất trên toàn cầu trong năm 2024 này cũng như trong tương lai.

Theo WEF nhận định tại "Báo cáo rủi ro toàn cầu năm 2024" công bố vào ngày 10/1 cũng cho thấy, nguy cơ can thiệp vào kết quả các cuộc bầu cử đứng đầu danh sách những rủi ro lớn nhất vào năm 2024 liên quan tới AI.

Trong bảng xếp hạng 10 rủi ro lớn nhất trong hai năm tới, thông tin sai lệch có nguồn gốc từ AI được đặt lên trên biến đổi khí hậu, chiến tranh và nền kinh tế toàn cầu suy yếu.

Theo đó, WEF 2024 có thể là nơi các nhà lãnh đạo đưa ra những sáng kiến, biện pháp mang đến sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu. Hội nghị là diễn đàn chia sẻ quan điểm và các giải pháp, WEF kỳ vọng sự kiện có thể tạo ra tác động hữu hình, biến ý tưởng thành hành động dứt khoát và hiện thực hóa các giải pháp trong thế giới thực.

Đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2024

Theo thông tin từ WEF, hơn 100 quan chức cấp cao đại diện chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế lớn và 1.000 công ty đối tác dự kiến tham dự cùng với các nhà lãnh đạo xã hội, chuyên gia, nhà hoạt động thanh niên, doanh nhân và giới truyền thông, như: Ajay S. Banga, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới; Fatih Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA); Cindy H. McCain, Giám đốc Điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP); Mohammad Abdulla AlGergawi, Bộ trưởng Nội các UAE; và Mirjana Spoljaric Egger, Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị WEF 2024 theo lời mời của Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF Klaus Schwab. Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại một trong những diễn đàn lớn và quan trọng nhất toàn cầu nhằm tiếp tục khẳng định đóng góp trách nhiệm, hiệu quả của Việt Nam đối với hòa bình, phát triển và các vấn đề quan tâm chung, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, đặc biệt với cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, tại WEF Davos 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và phát biểu tại các phiên thảo luận quan trọng (trong đó có một số phiên đặc biệt dành riêng cho Việt Nam); chủ trì nhiều tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu; tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh: "Việc Việt Nam là một trong 9 đối tác được WEF đề xuất phối hợp tổ chức Đối thoại Chiến lược Quốc gia với WEF và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong 8 Lãnh đạo các nước có phiên đối thoại riêng với WEF thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của WEF cũng như các tập đoàn đa quốc gia đối với vai trò, vị thế, quốc tế, những thành tựu và tầm nhìn phát triển của Việt Nam".

Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chia sẻ những đánh giá, nhận định, quan điểm của Việt Nam về triển vọng, thời cơ và thách thức, xu hướng điều chỉnh của kinh tế thế giới cả về cơ cấu và mô hình, tác động đến phát triển của thế giới và từng quốc gia từ những kinh nghiệm và bài học của Việt Nam và ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ đề xuất những giải pháp cả trước mắt và lâu dài nhằm tăng cường đoàn kết quốc tế, tái thiết lòng tin, thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, giữa chính phủ với doanh nghiệp và các đối tác nhằm chia sẻ trách nhiệm chung, xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội. Đặc biệt, tại WEF Davos 2024, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh đóng góp trách nhiệm trong xử lý các thách thức toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực có thế mạnh như an ninh lương thực, nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng….

WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ và được thành lập năm 1971 theo sáng kiến của Giáo sư Klaus Martin Schwab. WEF cam kết vào sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối các nhà Lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để kiến tạo các quan hệ hợp tác, để từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế cũng như các vấn đề then chốt trên phạm vi toàn cầu và khu vực. WEF là một tổ chức trung lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, cũng như không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá thể đơn lẻ.

WEF cũng là một trong những diễn đàn đầu tiên thảo luận về Cách mạng Công nghiệp 4.0 và hiện đang thực thi một số sáng kiến cụ thể và thực chất liên quan như Trung tâm Cách mạng Công nghiệp 4.0 tại Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản và Trung tâm an ninh mạng với sự tham gia của 92 đối tác.