Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thanh, kiểm tra thuế

PV
18:26 - 24/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cơ quan thuế sẽ phát triển ứng dụng nhằm tự động hóa một số bước trong thanh, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ 3, tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al).

Theo Đề án đổi mới và tăng cường năng lực công tác thanh tra, kiểm tra người nộp thuế đến năm 2030, Tổng cục Thuế đặt mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ tờ khai các khoản thuế giá giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân của doanh nghiệp được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng có sử dụng bộ tiêu chí chấm điểm rủi ro của cơ quan thuế.

Đồng thời đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh kiểm tra thuế, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng quản lý rủi ro trong thanh kiểm tra như là một biện pháp hữu hiệu để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về thuế, giảm khiếu nại thanh, kiểm tra.

100% tờ khai thuế sẽ được kiểm tra tự động

Theo đề án, cơ quan thuế đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉ lệ tờ khai thuế các sắc thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng có sử dụng bộ tiêu chí chấm điểm rủi ro của cơ quan thuế đạt 100%.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thanh, kiểm tra thuế - Ảnh 1.

Ngành Thuế đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác thanh kiểm tra thuế, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ điện tử. Ảnh: Barrons

Tỉ lệ người nộp thuế được lựa chọn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo rủi ro hàng năm bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro của cơ quan thuế đạt 90%. Tỉ lệ khiếu nại sau thanh, kiểm tra thuế không quá 5%. Tỉ lệ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt tối thiểu 30% trên tổng số công chức toàn ngành.

Đến năm 2030, tỉ lệ tất cả các tờ khai thuế được kiểm tra tự động qua phần mềm ứng dụng của cơ quan thuế đạt 100%. Tỉ lệ người nộp thuế được lựa chọn để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo rủi ro hàng năm bằng phần mềm ứng dụng quản lý rủi ro của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%.

Tỉ lệ số cuộc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế thực hiện trong năm có số xử lý so với số cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện trong năm đạt tối thiểu 92%. Tỉ lệ khiếu nại sau thanh tra, kiểm tra thuế không quá 3%. Tỉ lệ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế đạt tối thiểu 35% trên tổng số công chức toàn ngành.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Để thực hiện được mục tiêu đó, Tổng cục Thuế đang xây dựng và hoàn thiện thể chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ thanh, kiểm tra theo hướng áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ và phân loại rủi ro người nộp thuế; xây dựng, nội dung hướng dẫn Luật quản lý thuế về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra thuế; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo hướng hiện đại hoá, tự động hoá và tích hợp cao trong các khâu thanh tra, kiểm tra thuế.

Đơn vị cũng nghiên cứu và hướng dẫn các biện pháp áp dụng kỹ thuật quản lý rủi ro trong thanh, kiểm tra thuế; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, các ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu thu thập, xác định đối tượng thanh, kiểm tra thuế đến khâu báo cáo, lưu trữ hồ sơ; nâng cấp, tích hợp đồng bộ các ứng dụng hiện có phục vụ thanh, kiểm tra thuế; khắc phục, hạn chế lỗi đảm bảo tính ổn định trong quá trình sử dụng; cải thiện hiệu năng, tốc độ của ứng dụng.

Về lâu dài, cơ quan thuế sẽ xây dựng mới và nâng cấp các ứng dụng kiểm tra tự động hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; xây dựng ứng dụng nhằm tự động hóa một số bước công việc thanh, kiểm tra dựa trên nền tảng quản lý thuế điện tử và kết nối dữ liệu tự động với bên thứ 3 (xác minh đối chiếu hóa đơn điện tử, đối chiếu số thu nộp, xác minh thông tin dữ liệu từ bên thứ 3 thông qua kết nối dữ liệu tự động), tiến tới áp dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào công tác thanh, kiểm tra thuế.

Nguồn: VTC