Ứng dụng trí tuệ nhân tạo quét nét mặt để phát hiện trầm cảm

Hồng Ngọc
12:34 - 15/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, một ứng dụng trên điện thoại thông minh có thể ghi lại những thay đổi trên khuôn mặt của người dùng và đánh giá liệu người này có dấu hiệu trầm cảm hay có vấn đề về tâm lý không, thậm chí trước khi bản thân họ nhận ra điều đó.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo quét nét mặt để phát hiện trầm cảm- Ảnh 1.

Công nghệ trí tuệ nhân tạo nhận dạng cảm xúc giúp phát hiện dấu hiệu của bênh trầm cảm. Ảnh minh họa: ShutterStock

Trí tuệ nhân tạo giúp nhận dạng và diễn giải cảm xúc của con người

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Dartmouth, Mỹ đã phát triển công cụ trí tuệ nhân tạo MoodCapture - đúng như tên gọi - ghi lại những thay đổi cảm xúc, nét mặt của con người để nhận biết và cảnh báo dấu hiệu trầm cảm.

Trí tuệ nhân tạo ngày càng thâm nhập sâu vào cuộc sống hàng ngày của con người. Và nó đã giúp công nghệ nhận dạng khuôn mặt tiến thêm một bước nữa bằng cách cố gắng hiểu và diễn giải những cảm xúc của con người.

Nhận dạng khuôn mặt hoạt động bằng cách ghi lại và phân tích các nét riêng trên khuôn mặt như khoảng cách giữa hai mắt, hình dạng của mũi, các đường nét và các đặc điểm nổi bật khác.

Bằng cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo, từ những thay đổi trên khuôn mặt, MoodCapture có thể cảnh báo một người có đang cảm thấy chán nản hay gặp vấn đề về tâm lý hay không, thậm chí trước khi bản thân họ nhận ra điều đó.

Công cụ này sử dụng camera trên điện thoại để quan sát và ghi lại những thay đổi trên khuôn mặt của người dùng khi người này đang sử dụng điện thoại.

Sau đó, công cụ này quét các hình ảnh để xem liệu có dấu hiệu nào cho thấy  họ có bắt đầu cảm thấy chán nản hay không. Các nhà nghiên cứu của Dartmouth đã thử nghiệm ứng dụng này trên 177 người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn trầm cảm nặng và kết quả chính xác khoảng 75%.

Tác giả, nhà nghiên cứu Andrew Campbell cho biết: "Đây là lần đầu tiên những hình ảnh tự nhiên được sử dụng để dự đoán bệnh trầm cảm. Đã có một phong trào thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần nhằm tạo ra một công cụ có thể dự đoán tâm trạng ở những người được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng một cách đáng tin cậy và không xâm phạm quyền riêng tư".

Hiện nay, mọi người sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại hàng trăm lần mỗi ngày. MoodCapture sử dụng một hệ thống công nghệ sinh trắc học tương tự với phần cứng trí tuệ nhân tạo và học sâu (deep learning). Vì vậy, công cụ này có tiềm năng lớn để mở rộng quy mô mà không cần thêm bất kỳ đầu vào phức tạp nào khác. Một người chỉ cần mở khóa điện thoại của họ và MoodCapture có thể nhận biết dấu hiệu trầm cảm để đề xuất sự giúp đỡ.

Trong nghiên cứu này, MoodCapture đã chụp 125.000 bức ảnh của một số người dùng trong 90 ngày. Những người này đã cho phép ứng dụng chụp ảnh bằng camera trước của điện thoại nhưng họ không biết chính xác thời điểm việc này được thực hiện.

Ứng dụng này đã được "dạy" để nhận biết bệnh trầm cảm. Những người tham gia thử nghiệm được chụp ảnh ngẫu nhiên khi họ trả lời Bảng câu hỏi sức khỏe PHQ-8 mà các bác sĩ thường sử dụng để tìm hiểu xem bệnh nhân có bị trầm cảm nặng hay không.

Sau đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phần mềm đặc biệt để phân tích những bức ảnh này và hướng dẫn ứng dụng liên kết các dấu hiệu trầm cảm, như nét mặt và môi trường xung quanh, với cảm giác của mọi người. Ví dụ: nếu ai đó thường trông buồn bã trong một căn phòng tối mờ, ứng dụng có thể cho rằng họ đang cảm thấy chán nản.

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo này trên một nhóm người khác bằng cách hỏi họ câu hỏi tương tự trong khi chụp ảnh. Ứng dụng sử dụng những gì nó học được từ nhóm đầu tiên để đoán xem những người này có bị trầm cảm hay không. 

Đây là bước khởi đầu tiềm năng để các nhà nghiên cứu nỗ lực cải tiến độ chính xác và sẵn sàng đưa công cụ trí tuệ nhân tạo này vào sử dụng thực tế trong khoảng 5 năm nữa. 

Nguồn: Interesting Engineering