Các chuyên gia kêu gọi phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm

Hồng Ngọc
19:02 - 09/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

50 chuyên gia từ hơn 12 quốc gia và lĩnh vực khác nhau ủng hộ trí tuệ nhân tạo (AI) lấy con người làm trung tâm, kêu gọi đẩy mạnh thiết kế công nghệ AI hỗ trợ và làm phong phú thêm cuộc sống con người, thay vì buộc con người phải thích nghi với nó.

Các nhà khoa học kêu gọi phát triển trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm- Ảnh 1.

Các chuyên gia cảnh báo AI nên tập trung hơn vào con người thay vì chỉ dựa vào công nghệ và chúng ta phải điều chỉnh cuộc sống để phù hợp với nó. Ảnh: ScitechDaily

Theo một nhóm chuyên gia toàn cầu, chúng ta cần thiết phải ngừng phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo chỉ vì mục đích đổi mới, buộc phải điều chỉnh thực tiễn và luật pháp để phù hợp với công nghệ. Thay vào đó, họ ủng hộ việc tạo ra trí tuệ nhân tạo đáp ứng chính xác nhu cầu của chúng ta, phù hợp với các nguyên tắc thiết kế AI lấy con người làm trung tâm.

Các chuyên gia đến từ hơn 12 quốc gia, bao gồm Canada, Pháp, Ý, Nhật Bản, New Zealand và Vương quốc Anh, và hơn 12 chuyên ngành, bao gồm khoa học máy tính, giáo dục, luật, quản lý, khoa học chính trị và xã hội học.

Họ đã đóng góp tài liệu nghiên cứu cho một cuốn sách mới về những cách thực tế để triển khai AI lấy con người làm trung tâm, giải quyết các rủi ro và đề xuất giải pháp trong nhiều bối cảnh khác nhau.

Theo đó, chúng ta đang liên tục bị tấn công bởi tin tức về việc AI sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta như thế nào. Các công ty công nghệ đang có những bước tiến lớn trong việc phát triển AI dựa trên công nghệ và điều này làm dấy lên lo ngại, với tư cách là con người, chúng ta phải điều chỉnh cuộc sống để phù hợp với nó. Tuy nhiên, các chuyên gia này cho rằng AI nên phù hợp với những gì con người cần.

Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm là gì?

Các chuyên gia lập luận, trí tuệ nhân tạo ngày càng thâm nhập sâu vào cuộc sống của chúng ta và việc chỉ dựa vào các công ty công nghệ để phát triển và triển khai công nghệ này theo cách thực sự nâng cao trải nghiệm của con người sẽ gây bất lợi cho chính chúng ta về lâu dài. Đây là lúc AI lấy con người làm trung tâm xuất hiện.

Giáo sư Shannon Vallor từ Đại học Edinburgh ở Scotland - một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về AI lấy con người làm trung tâm - giải thích rằng, AI lấy con người làm trung tâm có nghĩa là công nghệ giúp con người phát triển. Đây là quá trình điều chỉnh toàn bộ hệ sinh thái công nghệ phù hợp với sức khỏe và hạnh phúc của con người.

Theo Giáo sư Vallor, AI tạo sinh, vốn đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, là một ví dụ về công nghệ không lấy con người làm trung tâm. Theo đó, công nghệ này được tạo ra bởi các tổ chức chỉ đơn giản muốn xem họ có thể tạo ra một hệ thống mạnh mẽ như thế nào, thay vì để đáp ứng một nhu cầu của con người.

Không có gì ngạc nhiên khi tại sao chúng ta ngày càng cảnh giác với AI khi đọc tin tức về việc công nghệ này hoạt động tốt hơn con người như thế nào. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây tại Đại học Arkansas, Mỹ cho thấy, khi 151 người tham gia đọ sức với GPT-4 để đo lường tư duy khác biệt (vốn được coi là dấu hiệu của tư duy sáng tạo), các công cụ AI đã cung cấp nhiều câu trả lời nguyên bản và phức tạp hơn so với người tham gia là con người.

GPT-4 là mô hình AI đa phương tiện dùng để xử lý ngôn ngữ tự nhiên (ngôn ngữ con người thường dùng để trao đổi hàng ngày với nhau) thế hệ thứ 4. GPT-4 có khả năng xử lý thông tin đầu vào ở cả dạng hình ảnh và văn bản. Đây là mô hình AI mạnh mẽ kế thừa công nghệ đằng sau ứng dụng ChatGPT đình đám thời gian qua. GPT-4 là phiên bản nâng cấp toàn diện, có thể phân tích, xử lý, tạo ra khối lượng dữ liệu văn bản lên đến 25.000 từ, gấp hơn 8 lần so với GPT-3 chỉ với 3.000 từ.

Những vấn đề của trí tuệ nhân tạo hiện nay

Chuyên gia Malwina Anna Wójcik từ Đại học Bologna, Ý và Đại học Luxembourg đã chỉ ra những thành kiến mang tính hệ thống trong quá trình phát triển AI hiện nay. Bà lập luận rằng việc thiếu dữ liệu về thiểu số hoặc dữ liệu có sẵn không chính xác của AI có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử. Hơn nữa, sự sẵn có không đồng đều của các hệ thống AI khiến khoảng cách quyền lực ngày càng lớn, khiến các nhóm bị thiệt thòi không thể tiếp cận vòng lặp dữ liệu AI và đồng thời không thể hưởng lợi từ công nghệ.

Giải pháp của bà là sự đa dạng trong nghiên cứu cũng như các dự án hợp tác và liên ngành về sự giao thoa giữa khoa học máy tính, đạo đức, luật và khoa học xã hội. Ở cấp độ chính sách, bà gợi ý rằng các sáng kiến quốc tế cần phải bao gồm đối thoại liên văn hóa với các truyền thống phi phương Tây.

Trong khi đó, chuyên gia Matt Malone từ Đại học Thompson Rivers ở Canada, giải thích cách AI đặt ra thách thức đối với quyền riêng tư vì rất ít người thực sự hiểu cách dữ liệu của họ được thu thập hoặc sử dụng như thế nào.

Ông giải thích: "Quyền riêng tư quyết định mức độ chúng ta cho phép công nghệ tiếp cận các lĩnh vực đời sống và ý thức con người đến mức nào". Quyền riêng tư sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định trong việc vạch ra ranh giới giữa con người và công nghệ. Ngay cả khi công nghệ mang lại sự bình đẳng cao hơn thì có khả năng cá nhân vẫn bị đe dọa. Theo ông Malone, quyền riêng tư nên thay đổi theo sự chấp nhận hoặc từ chối các công nghệ do trí tuệ nhân tạo điều khiển.

Trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm có thể hoạt động như thế nào trong thực tế?

Chuyên gia Pierre Larouche từ Đại học Montréal, Canada lập luận rằng, việc coi AI là "đối tượng độc lập của luật pháp và các quy định" và quan điểm "hiện không có luật nào áp dụng cho AI" đã khiến một số nhà hoạch định chính sách cảm thấy đây là một nhiệm vụ không thể vượt qua.

Ông giải thích: "Vì AI được coi là một sự phát triển công nghệ mới nên người ta cho rằng chưa có luật nào quy định về nó. Tương tự như vậy, mặc dù rất hiếm các quy tắc cụ thể liên quan đến trí tuệ nhân tạo, nhưng vẫn không thiếu các luật có thể áp dụng cho công nghệ này, vì nó gắn liền với các mối quan hệ kinh tế và xã hội.

Ông Larouche nhận định, thách thức không phải là tạo ra luật mới mà là xác định cách thức luật hiện hành có thể được mở rộng và áp dụng cho AI.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Chính sách, Xã hội và Các vấn đề Toàn cầu Benjamin Prud'homme tại Viện Trí tuệ Nhân tạo Mila, Quebec, Canada - một trong những cộng đồng học thuật lớn nhất dành riêng cho trí tuệ nhân tạo - kêu gọi tin tưởng vào các nhà hoạch định chính sách.

Theo ông, các nhà hoạch định chính sách nên xem xét vấn đề một cách nghiêm túc và tự tin hơn vào khả năng điều chỉnh AI của chính mình. Bên cạnh đó, hãy chú ý tới những quan điểm khác nhau - bao gồm các cộng đồng bị thiệt thòi và người dùng cuối - để đưa ra các cơ chế quản trị phù hợp.