Ứng dụng dữ liệu dân cư như thế nào trong ngành Ngân hàng?
Ngày 19/9/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty cổ phần dịch vụ EPAY (Công ty EPAY) và Công ty cổ phần hệ thống công nghệ ETC (Công ty ETC) đã cùng trao đổi chủ đề “Giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng”.
Toàn ngành Ngân hàng nỗ lực phối hợp triển khai Đề án 06
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, để triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất và ký kết Kế hoạch với Bộ Công an về việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 trong ngành Ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, Đề án 06 của Chính phủ với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước công dân gắn chíp và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp có vai trò rất quan trọng để ngành Ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở/sử dụng tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các tổ chức tín dụng có thể mở tài khoản từ xa bằng e-KYC, gần đây nhất là Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cho phép cho vay theo phương thức điện tử với hạn mức là 100 triệu đồng. Như vậy, các hoạt động chính của ngân hàng là tiền gửi, tiền vay và thanh toán đều đã được phép thực hiện trên môi trường điện tử.
Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc xác thực khách hàng là điều vô cùng quan trọng trong thời gian tới. Nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là nguồn thông tin tốt để các tổ chức tín dụng xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ, từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen.
Sự kiện mở ra trao đổi, chia sẻ giữa các đơn vị trong Ngành nắm bắt, hiểu rõ hơn về việc ứng dụng dữ liệu về dân cư và các giải pháp, ứng dụng cụ thể phục vụ trong công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Đồng thời, đây là cơ hội tốt cho các nhà quản lý, các cán bộ công nghệ thông tin của ngành Ngân hàng có điều kiện tiếp cận thông tin, bàn thảo với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước và đơn vị đối tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ, để từ đó đề xuất các giải pháp triển khai Đề án 06 chung cho ngành Ngân hàng và cho riêng tổ chức mình.
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về người dân sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, Chính phủ số, công dân số... trong đó giúp người dân có thể dễ dàng sử dụng dịch vụ công, thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.
Kết nối làm sạch 54 triệu hồ sơ khách hàng ngân hàng trong kho dữ liệu
Ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin chia sẻ, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và C06 – Bộ Công an đã thống nhất phương án kết nối offline để làm sạch 54 triệu hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu của CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ khách hàng phát sinh hàng tháng. CIC đã phối hợp với C06 thực hiện 04 đợt rà soát, hoàn thành đối chiếu dữ liệu 42/54 triệu hồ sơ khách hàng khách hàng.
Hiện nhiều tổ chức tín dụng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Cụ thể, về ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, có 40 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai. Về ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID), có 10 tổ chức tín dụng đã và đang liên hệ C06 để triển khai thực hiện. Về làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng, có 27 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, việc triển khai Đề án 06 vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các giải pháp kỹ thuật triển khai kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID), căn cước công dân gắn chip chủ yếu mới hoàn thành công tác triển khai thử nghiệm, hiện đang bước đầu cung cấp dịch vụ thông qua một số tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công an (C06) cấp phép. Nhiều tổ chức tín dụng chưa được tiếp cận, hướng dẫn đầy đủ về quy trình, thủ tục và các giải pháp kỹ thuật để triển khai.
Epay cung cấp giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử
Tham gia giới thiệu nội dung ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử, ông Đặng Thành Tuân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Epay cho biết, Công ty Epay là một trong những đơn vị đầu tiên được ủy quyền từ Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư C06 - Bộ Công an, cho phép kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, và cung cấp sản phẩm, dịch vụ xác thực căn cước công dân gắn chip.
Trong đó, có các giải pháp như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch bằng thiết bị chuyên dụng được chứng nhận bởi Bộ công an; giải pháp xác thực, định danh khách hàng trực tuyến bằng thiết bị di động của khách hàng đầu cuối để thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số. Theo đại diện Epay, thông qua các giải pháp này sẽ tiết kiệm thời gian xác thực thông tin của khách hàng; giảm thiểu rủi ro giấy tờ bị sao chép, chỉnh sửa làm giả cho ngân hàng.
Thông qua phần chia sẻ của các đối tác triển khai ứng dụng công nghệ trong nghiệp vụ ngân hàng, các đại biểu đã tiếp tục thảo luận, trao đổi về các vấn đề phát sinh và nhiều nội dung quan trọng khác như: Thảo luận các giải pháp xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử VNeID trong xác thực định danh khách hàng, giải pháp làm sạch dữ liệu Ngân hàng và xác thực sinh trắc học, giải pháp ký số từ xa trên VNeID tích hợp với Mobile Banking…
Có thể nói, việc kết nối, tích hợp, khai thác dữ liệu chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ triển thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng đang tạo ra nhiều thuận tiện cho người dùng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính an toàn, bảo mật, cần nhiều các trao đổi, thảo luận để tìm các giải pháp ngăn chặn những nguy cơ rủi ro mất an toàn, đặc biệt trong giao dịch tài chính. Đây cũng là bài toán quan trọng cần không chỉ các đơn vị chức năng, mà toàn ngành ngân hàng cần nỗ lực, trao đổi, đề xuất những cách thức triển khai nhanh gọn, hiệu quả, xác thực và an toàn.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google