Đề án 06: Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM

H.Ngọc
08:57 - 09/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố Hồ Chí Minh triển khai thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM tại 3 bệnh viện và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trong thời gian 1 tháng.

Phần mềm thông báo lưu trú ASM

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác đăng ký, quản lý lưu trú, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an đã triển khai Phần mềm thông báo lưu trú (ASM) phục vụ cho các cơ sở kinh doanh lưu trú như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà khách, phòng trọ, bệnh viện và các cơ sở lưu trú khác.

Phần mềm được kết nối với Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo thông tin tin khách lưu trú được đồng bộ và cập nhật liên tục giúp Cảnh sát khu vực, Công an xã phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tìm kiếm thông tin khách lưu trú trên phần mềm ASM. Ảnh: Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân

Phần mềm ASM được tích hợp các tiện ích giúp cơ sở kinh doanh lưu trú quản lý các dịch vụ cung cấp như: Quản lý phòng, nhân viên, khách đến lưu trú, các dịch vụ kinh doanh…, giảm thời gian nhập liệu các thông tin khách lưu trú và cập nhật thông tin đăng ký lưu trú tự động, thủ công gửi đến cơ quan Công an một cách nhanh chóng và kịp thời mà không cần phải xuất trích file gửi trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Thông qua ứng dụng định danh điện tử (VNeID), các cơ sở kinh doanh lưu trú sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập và sử dụng phần mềm; khách đến lưu trú có thể sử dụng ứng dụng VNeID quét mã tại cơ sở lưu trú phục vụ kê khai thông tin tự động mà không cần phải xuất trình các loại giấy tờ để xác định nhân thân.

Tài khoản quản trị của cơ sở lưu trú có thể thêm mới, thay đổi điều chỉnh thông tin nhân viên cơ sở. Tất cả các nhân viên sẽ được đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử từng người.

Dữ liệu thông tin công dân được bảo mật, đồng bộ và cập nhật liên tục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự và phục vụ các dịch vụ tiện ích cho người dân.

Hiện nay, phần mềm ASM đã được triển khai thí điểm, thực hiện tại một số tỉnh thành trên cả nước.

Thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM tại thành phố Hồ Chí Minh

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã thông báo sẽ triển khai thí điểm thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại 5 cơ sở trên địa bàn gồm: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Quận 5; Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, Quận 1; Bệnh viện Quận 4 và 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú: Khách sạn BROS và khách sạn Subrise Boutique, Quận 1.

Việc thí điểm sẽ được thực hiện đến tháng 5/2023 (khoảng 1 tháng). Sau thời gian trên, thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng tại tất cả các cơ sở kinh doanh lưu trú và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Đề án 06: Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm phần mềm thông báo lưu trú ASM - Ảnh 2.

Đại diện các đơn vị tham quan mô hình thí điểm ASM tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Lệ Vũ

Theo Báo Chính phủ, Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc triển khai thực hiện thí điểm, nhân rộng thực hiện thông báo lưu trú qua phần mềm ASM tại cơ sở kinh doanh lưu trú và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06).

Việc triển khai sử dụng phần mềm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức thực hiện thủ tục thông báo lưu trú theo đúng quy định của pháp luật về cư trú và góp phần trong công tác đảm bảo an toàn thông tin.

Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương Võ Đức Chiến cho biết, nếu phần mềm ASM được triển khai thì mỗi ngày bệnh viện có thể hỗ trợ hơn 5.000 người đến lưu trú.

Cũng theo Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, việc triển khai phần mềm sẽ giúp các bệnh viện nói riêng và ngành y tế nói chung xây dựng được cơ sở dữ liệu đầy đủ, chính xác, từ đó có thể định danh được người bệnh, tương lai hướng đến việc quản lý dịch bệnh, phòng ngừa vaccine…