UNESCO xúc tiến khảo sát quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc

Tuệ Nhi
08:54 - 19/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa có văn bản phúc đáp về hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới.

UNESCO xúc tiến khảo sát quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc- Ảnh 1.

Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (thành phố Uông Bí) thu hút du khách thập phương đến tham quan. Ảnh: VH

Theo đánh giá của UNESCO, hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc công nhận và ghi vào danh mục Di sản thế giới đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật được hướng dẫn thực hiện công ước di sản thế giới.

UNESCO cũng đề nghị cung cấp bổ sung các hình ảnh về quần thể di tích theo đúng kích cỡ, tiêu chuẩn, quy định. Hồ sơ cũng sẽ được gửi đồng thời tới Hội đồng Di tích và Di chỉ Quốc tế (ICOMOS). Trên cơ sở đó đánh giá hồ sơ, các cơ quan của UNESCO sẽ cử đoàn chuyên gia tới khảo sát, đánh giá thực tế.

Trước đó, sau thời gian dài xây dựng, chuẩn bị, hoàn thiện, ngày 26/1/2024, hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đã được trình lên UNESCO để xét công nhận là Di sản thế giới. 

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc gồm 6 khu di tích quốc gia đặc biệt và 32 điểm di tích được khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa.

Hồ sơ tập trung hơn 100 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, viết hồ sơ và mời chuyên gia quốc tế khảo sát, làm việc với chuyên gia trong nước xây dựng hồ sơ, trong đó, nhiều chuyên gia hàng đầu của Hội Khảo cổ học Việt Nam, UNESCO, Trung tâm Karst và Di sản địa chất...

Đây cũng được đánh giá là hồ sơ khoa học đệ trình có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương. 

Để chứng minh, tuyên bố, khẳng định giá trị của quần thể, 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đã đồng thời chỉ đạo triển khai phương pháp nghiên cứu, chứng minh, tổng hợp, làm rõ và ghi lại giá trị quần thể di tích. Trong đó, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế xác định giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích Yên Tử, triển khai các chuyên đề nghiên cứu khoa học, thu thập, tổng hợp tài liệu, tổ chức khai quật, khảo cổ.

Việc được công nhận là Di sản thế giới sẽ là cơ sở vững chắc cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững của 3 tỉnh trong vùng di sản: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.