Sớm hoàn thiện hồ sơ đề cử "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh, bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử-Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới.
Hoàn thành hồ sơ đề cử di sản thế giới trong quý II/2023
Chiều 15/3, trong chuyến công tác tại Hải Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm, dâng hương khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc và khu di tích quốc gia đền thờ Chu Văn An tại Thành phố Chí Linh.
Theo VGP, tìm hiểu về quy hoạch khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hải Dương phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và các bộ, cơ quan liên quan tích cực triển khai các công việc để hoàn thiện hồ sơ đề cử UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng "Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là di sản thế giới, hoàn thành trong quý II/2023.
Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Hải Dương và các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trong khu vực, kết nối Côn Sơn - Kiếp Bạc với các di tích khác trong tỉnh Hải Dương và di tích Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), hình thành chuỗi di sản, phát huy cao nhất giá trị về nhiều mặt của các di sản này.
Vài nét về khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương - một khu di tích lịch sử văn hóa, đồng thời là một danh thắng nổi tiếng, điểm đến thường xuyên của đông đảo du khách gần xa.
Tổng thể khu di tích gồm 2 khu vực chính: chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.
Khu vực chùa Côn Sơn gồm: Chùa Côn Sơn; Tả, hữu hậu hành lang; Thanh Hư động; Đền thờ Nguyễn Trãi; Đền thờ Trần Nguyên Đán; Núi Ngũ Nhạc; Bàn cờ tiên; Đăng Minh bảo tháp; Hồ Côn Sơn; Suối Côn Sơn.
Khu vực đền Kiếp Bạc gồm: Đền Kiếp Bạc (tức đền thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo vương từ); Sinh từ; Đền Nam Tào; Đền Bắc Đẩu; Vườn Dược Sơn; Ao Cháo; Sông Vang - Xưởng Thuyền; Hang Tiền; Hố Thóc; Viên Lăng; Núi Trán Rồng; Sông Lục Đầu - Cồn Kiếm (nơi đã diễn ra trận Vạn Kiếp lịch sử (năm 1285).
Nghi môn đền Kiếp Bạc. Ảnh: Wikipedia, Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là trung tâm văn hóa, tôn giáo - tín ngưỡng lớn ở khu vực đông bắc châu thổ Bắc Bộ. Trải qua trên 700 lịch sử, tại khu di tích này, các lễ hội truyền thống gắn với khu di tích vẫn được duy trì, có sức thu hút đặt biệt, trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng.
Hàng năm, hội Côn Sơn (gắn với Trúc Lâm đệ tam Tổ - Huyền Quang) được bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Giêng... Lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn với ngày giỗ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) được tổ chức từ ngày 16 tháng 8 và kết thúc vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch) hàng năm... Ngoài ra, trong khu vực di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật của nhiều thời kỳ lịch sử, có giá trị độc đáo.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).
Theo Cổng TTĐT Hải Dương, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là một hệ thống hơn 70 điểm di tích, được cấu thành từ 4 cụm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gồm: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần (Quảng Ninh); Khu di tích danh thắng Tây Yên Tử (Bắc Giang) và Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương).
Ngày 30/8/2022, phát biểu tại buổi làm việc với 3 tỉnh là Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang để rà soát tiến độ xây dựng hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Để xây dựng thành công hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO vinh danh là Di sản thế giới cần có sự kết nối phối hợp hiệu quả giữa 3 địa phương với các đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn. Trong đó, cần tập trung thực hiện làm rõ các thông điệp về các vấn đề: Vị trí địa chất của danh thắng, giá trị văn hóa con người; nguồn gốc của thiền phái văn hóa Trúc Lâm Yên Tử; lan tỏa, phát triển văn hóa Trúc Lâm Yên Tử gắn liền với cuộc sống của xã hội, tinh thần và bảo vệ lãnh thổ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google