Ukraine: Trẻ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý chịu áp lực lớn từ chiến tranh
Các chuyên gia cho biết trẻ em Ukraine mắc các bệnh như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và tự kỷ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những tổn thương do chiến tranh gây ra cũng như sự gián đoạn trong cuộc sống hàng ngày.
Chiến sự ở Ukraine ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý
Maksym, 13 tuổi, cần có một cuộc sống ổn định và bình yên. Tuy nhiên, gần 2 năm xảy ra chiến sự ở Ukraine đã phá vỡ nhịp điệu sinh hoạt hàng ngày của cậu bé. Dưới sự tấn công của Nga, Maksym cùng mẹ và anh trai của mình phải chạy trốn khỏi quê nhà ở thành phố Mariupol, Ukraine.
Trong khi đó, cha của Maksym bị bắt làm tù binh chiến tranh và đã không liên lạc được hơn 1 năm trước. Tại thủ đô Kyiv - nơi Maksym hiện đang sống, hàng ngày, cậu bé phải sống chung với âm thanh của những vụ nổ bom và tiếng còi báo động không kích. Còn bác sĩ trị liệu từng điều trị cho Maksym ở Mariupol cũng đã trở thành người tị nạn.
Mẹ của Maksym, bà Maryna Honcharova, cho biết Maksym, người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý hay còn gọi là ADHD, đã phải vật lộn để đối phó và liên tục rơi vào tình trạng lo âu. Theo đó, Maksym cảm thấy khó học, thường trở nên hung hăng và không muốn thức dậy vào buổi sáng.
"Trước khi rời Mariupol, Maksym đã có thể tự chuẩn bị và đến trường. Nhưng bây giờ, tôi thậm chí không thể đánh thức được nó. Thằng bé cũng hay la hét và ném đồ đạc trong nhà. Điều này thường xảy ra khi nó muốn đi chiếc xe đạp đã bỏ lại ở Mariupol", bà Honcharova chia sẻ.
Bà Honcharova cho biết thêm, khi nhớ lại mọi thứ ở quê nhà, Maksym thường hét lên một cách giận dữ: "Chiến tranh đã lấy đi mọi thứ của con".
Theo mẹ của Maksym, lần đầu tiên cậu bé có dấu hiệu hung hăng là sau khi gia đình được sơ tán khỏi Mariupol.
"Chúng tôi phải đi qua 20 trạm kiểm soát của Nga. Maksym im lặng suốt chặng đường và chỉ khi chúng tôi đã ổn định trở lại sau vài ngày, thằng bé mới trút hết suy nghĩ trong lòng với tôi", bà Honcharova cho hay.
Cuộc sống của trẻ có nhu cầu đặc biệt ở Ukraine bị đảo lộn
Hiện cuộc sống của hàng triệu gia đình trên khắp Ukraine đã bị đảo lộn vì chiến tranh. Theo các chuyên gia, đối với nhiều trẻ em mắc chứng ADHD, chứng tự kỷ và các nhu cầu giáo dục đặc biệt khác, chiến tranh đã gây ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý và làm thụt lùi quá trình phát triển của họ.
Nhà tâm lý học Dmytro Vakulenko cho biết: "Tất cả trẻ em đều có sự suy giảm nhất định trong cảm nhận hoặc học tập và đặc biệt là những trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt".
Theo ông Vakulenko, những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt thì cần sự ổn định. Nhưng chiến tranh sẽ phá hỏng điều đó, ngay cả khi ở xa tiền tuyến.
Theo Bộ Giáo dục Ukraine, gần nửa triệu trẻ em đã yêu cầu sự giúp đỡ của các nhà tâm lý học đường khi họ đang gặp khó khăn trong học tập do chiến tranh làm trầm trọng thêm.
Nhìn chung, số trẻ em được hỗ trợ tâm lý ở trường học đã tăng gấp đôi kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine toàn diện vào tháng 2 năm ngoái. Cụ thể, Bộ Giáo dục Ukraine cho biết, số lượng học sinh tìm đến các nhà tâm lý học để được giúp đỡ đã tăng từ 2,5 triệu lên đến 5 triệu vào năm 2022.
Bên cạnh đó, hoạt động của các trường học cũng bị hạn chế nặng nề trong bối cảnh chiến tranh. Theo quy định của Ukraine, chỉ những trường có hầm tránh bom mới được dạy học trực tiếp. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều học sinh Ukraine phải học trực tuyến hoặc bán thời gian trên lớp.
Đối với Maksym, cậu chỉ có thể đến trường 2 tuần/lần vì hầm tránh bom của trường không thể chứa hết toàn bộ học sinh.
Tổ chức Mental Help 365, nơi cung cấp trợ giúp trị liệu miễn phí, cho biết có khoảng 90% trẻ có nhu cầu đặc biệt cần đến sự giúp đỡ. Tuy nhiên, Ukraine hiện đang thiếu trầm trọng các nhà trị liệu và tâm lý học, một phần vì rất nhiều người trong số họ, giống như hàng triệu người Ukraine khác , đã rời khỏi đất nước với tư cách là người tị nạn.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Yevheniya Smirnova cho biết: "Chiến tranh gây áp lực rất lớn đối với trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Có những nghiên cứu cho thấy ngay cả âm thanh của còi báo động cũng ảnh hưởng đến họ. Trong khi đó, đất nước chúng ta đang cực kỳ thiếu chuyên gia tâm lý".
Bà Smirnova cho biết mỗi nhà tâm lý học tại trường hiện đang phục vụ khoảng 600 học sinh và phụ huynh của các em. Tổ chức Mental Help 365 cũng đã nhận được tài trợ từ UNICEF, quỹ trẻ em của Liên hợp quốc và tập hợp một nhóm chuyên gia để hỗ trợ tâm lý cho 1.657 trẻ em có nhu cầu đặc biệt trên cả nước. Nhưng theo Mental Help 365, cần nhiều sự trợ giúp hơn nữa.
Thời gian chờ đợi điều trị tại các cơ sở tư nhân có thể kéo dài đến nửa năm hoặc lâu hơn. Các buổi học cũng rất tốn kém và thường nằm ngoài tầm với của những người buộc phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh. Điều này cũng có nghĩa nhiều gia đình phải đến các tổ chức từ thiện để được giúp đỡ.
Thêm vào đó, tình trạng này cũng làm suy yếu quá trình xã hội hóa mà các chuyên gia cho là quan trọng đối với trẻ bị rối loạn phát triển thần kinh như ADHD. Bởi việc ở cùng những đứa trẻ khác sẽ giúp những trẻ có nhu cầu đặc biệt phát triển các kỹ năng giao tiếp, bao gồm cả việc học cách nói và tương tác với người khác.
Arina, 12 tuổi đến từ thành phố Zaporizhzhia, Ukraine mắc hội chứng Asperger (một dạng của bệnh tự kỷ) và bị chậm nói, không thể đến trường vì trường không có hầm tránh bom. Mẹ của cô bé, Victoria Porseva, 41 tuổi, cho biết: "Giáo dục trực tuyến cho những đứa trẻ như con gái tôi hoàn toàn không có tác dụng. Gia đình cũng không thể cho con học trường tư vì quá đông".
Bà Porseva cho biết, Arina thường cảm thấy buồn khi không thể kết bạn vì bạn bè không hiểu cô bé.
Roman, cậu bé 13 tuổi mắc chứng tự kỷ cũng chỉ học trực tuyến. Bà Olena Deina - mẹ của Roman cho biết con trai mình cũng không muốn học. Cậu bé gặp vấn đề về giấc ngủ sau vụ đánh bom trên không đầu tiên ở khu vực phía đông Kharkov, nơi gia đình cậu hiện đang sinh sống.
"Trước chiến tranh, nó là một cậu bé thông minh và học hành giống như tất cả những đứa trẻ khác. Nhưng bây giờ nó trở nên không có động lực, chỉ nói với tôi là không muốn làm gì", mẹ Roman nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google