Tỷ lệ sinh giảm, dân số già đi - "quả bom hẹn giờ" của Trung Quốc

Lam Linh
17:16 - 18/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dân số Trung Quốc sụt giảm năm thứ hai liên tiếp khi tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tỷ lệ tử vong cao nhất trong nửa thập kỷ, tiềm ẩn thách thức lớn về nhân khẩu học.

Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục kể từ năm 1949. Ảnh: CFOTO/Sipa USA/Reuters

Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp kỷ lục kể từ năm 1949. Ảnh: CFOTO/Sipa USA/Reuters

Tỷ lệ sinh giảm khiến "quả bom nhân khẩu học" của Trung Quốc nóng tới mức nào?

Số liệu của Cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 17/1 cho thấy, dân số nước này giảm 2,08 triệu xuống còn 1,4097 tỷ người vào năm 2023, so với mốc 1,4118 tỷ người trong năm 2022. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Trung Quốc chứng kiến tình trạng dân số suy giảm trong 60 năm qua.

Cụ thể, năm 2023 chỉ có 9,02 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, so với 9,56 triệu trẻ năm 2022. Điều này khiến tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm qua giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022.

Trong khi đó, 11,1 triệu người đã chết trong năm 2023, tăng 690.000 người so với năm 2022, đẩy tỷ lệ tử vong quốc gia lên 7,87 trên 1.000 người - đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1969.

Lu Pin - nhà văn ủng hộ nữ quyền người Trung Quốc
Mong muốn có con của phụ nữ Trung Quốc rất thấp. Không có dấu hiệu nào cho thấy điều này sẽ thay đổi, ngay cả khi lo ngại về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học gia tăng và ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách cố gắng khuyến khích tỷ lệ sinh tăng thông qua trợ cấp.

Thách thức của Trung Quốc khi tỷ lệ sinh giảm

Chiến lược "Zero COVID" của Trung Quốc đòi hỏi chính quyền phải nhanh chóng phong tỏa nghiêm ngặt khu vực bùng phát dịch kể cả là phát hiện một hay nhiều ca bệnh, tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, đóng cửa hoặc kiểm soát chặt chẽ các đường biên giới, cùng với đó là phải triển khai các hệ thống truy dấu tiếp xúc và cách ly bắt buộc.

Kể từ năm 2016, tăng trưởng dân số Trung Quốc đã chậm lại do chi phí nuôi con cao, chủ nghĩa cá nhân mạnh mẽ hơn và lối sống đa dạng khiến người dân ít hào hứng sinh con hơn. Chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc, được thực hiện từ năm 2020 đến cuối năm 2022, cũng được cho là góp phần vào sự sụt giảm này.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn từng hưởng lợi đáng kể từ "cơ cấu dân số vàng", sẽ phải đối mặt với các thách thức, bao gồm: lực lượng lao động thu hẹp, sức mua yếu đi và hệ thống an sinh xã hội căng thẳng.

"Tỷ lệ sinh giảm có nghĩa là lực lượng lao động liên tục thu hẹp. Và điều này chắc chắn sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Áp lực đối với chi phí bảo hiểm xã hội cũng đang tăng lên từng năm khi dân số già đi", Lin Caiyi, Phó chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Trung Quốc cho biết.

Từ năm 2021, Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân sinh con, như giảm thuế, chế độ nghỉ thai sản dài hơn và trợ giá nhà ở. Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tỷ lệ sinh. Ảnh: Getty

Từ năm 2021, Trung Quốc đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân sinh con, như giảm thuế, chế độ nghỉ thai sản dài hơn và trợ giá nhà ở. Tuy nhiên, các biện pháp trên chưa mang lại hiệu quả trong thúc đẩy tỷ lệ sinh. Ảnh: Getty

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã dự đoán hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035. Khi đó, số người ở Trung Quốc trên 60 tuổi - độ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật quốc gia - sẽ tăng từ khoảng 280-400 triệu người.

Giáo sư Peng Xizhe,Trung tâm Chính sách Phát triển và Dân số thuộc Đại học Phúc Đán, dự đoán dân số Trung Quốc sẽ giảm mạnh hơn nữa trong tương lai.

Còn chuyên gia kinh tế Li Xunlei của công ty chứng khoán ở Trung Quốc Zhongtai, dự đoán rằng dân số nước này sẽ giảm xuống dưới 1,4 tỷ vào năm 2027 và 1,2 tỷ vào năm 2049.

Trong năm 2023, Liên Hợp Quốc cho biết Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc, trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Nguồn: SCMP, Financial Times, The Guardian